PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Ths.BS Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa Nam học và Hiếm muộn đang khám bệnh cho bệnh nhân.
Mỗi cặp vợ chồng đến với nhau ắt hẳn đều mong muốn sớm có "kết tinh" của tình yêu. Dù xã hội có hiện đại đến đâu thì trong thâm tâm của nhiều người Việt vẫn luôn tâm niệm ngôi nhà có tiếng cười trẻ thơ mới là tổ ấm hạnh phúc nhất.
Không may mắn như nhiều gia đình khác, vợ chồng chị Đỗ T. L (38 tuổi) phải đeo trên lưng "cái án" vô sinh hiếm muộn và phải miệt mài suốt hơn 6 năm để tìm kiếm hạnh phúc trọn vẹn cho tổ ấm của mình.
Yêu thương và lập gia đình cùng nhau, vợ chồng chị L cũng háo hức chào đón đứa con đầu đời sau khi kết hôn như bao cặp vợ chồng khác. Nhưng anh chị chờ mãi, chờ mãi mà hạnh phúc chẳng mỉm cười. Có bệnh thì vái tứ phương, chị nghe ở đâu có thầy lang giỏi, cắt thuốc Bắc, thuốc Nam mát tay đều tìm đến. Thậm chí vì sốt ruột anh chị còn bỏ tiền làm lễ cúng bái những mong ông trời thương xót nhưng vẫn chẳng có chút hồi âm.
Sau hơn 6 năm chữa trị bằng thuốc nam, bắc kết hợp tây y không hiệu quả, khi tưởng như đã đi tới tận cùng của sự tuyệt vọng, anh chị vô tình đọc được thông tin nhiều cặp chữa hiếm muộn thành công tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Niềm tin tưởng như đã lụi tắt nơi vợ chồng chị lại một lần nữa được nhen lên, anh chị lại khấp khởi về Thủ đô tiếp tục lại hành trình “tìm con”.
Đến thăm khám tại khoa Hỗ Trợ Sinh Sản- bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, anh chị mới được biết tình trạng bệnh của mình, nguyên nhân khiến hai vợ chồng không thể có con dù hết lòng chạy chữa là do chị L bị giảm dự trữ buồng trứng, còn chồng chị thì mắc thiểu năng tinh trùng. Kết luận của bác sỹ khiến vợ chồng chị gần như suy sụp. Hai vợ chồng có một nguời mắc bệnh đã khó có con, mà vợ chồng anh chị lại cùng mắc bệnh thì khó khăn càng nhân lên gấp bội.
Hơn 6 năm kiên trì, vợ chồng chị L đã nếm trải đủ cung bậc cảm xúc, hy vọng, thất vọng rồi lại hy vọng. Tuy nhiên,“vì khao khát có con quá lớn nên dù chỉ có một phần trăm cơ hội, chúng tôi cũng không bỏ cuộc”, chị L trải lòng. Vợ chồng chị quyết định gạt mọi lo lắng, suy tư và đặt niềm tin vào đôi bàn tay các bác sỹ khoa Hỗ Trợ Sinh Sản- bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Niềm tin và sự kiên trì của hai vợ chồng chị đã được đền đáp. Ngay lần chuyển phôi đầu tiên, chị chuyển 2 phôi và đậu 1 thai. Anh chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi sắp làm cha mẹ. Những đau đớn suốt quãng thời gian hơn 6 năm chật vật tìm con và ngày tháng lặn lội về bệnh viện để tiêm kích trứng, chọc hút trứng, chuyển phôi bỗng tan biến, nhường chỗ cho niềm vui vô bờ khi có một sinh linh nhỏ bé lớn lên từng ngày trong bụng chị.
Cũng như đa số các cặp vợ chồng hiếm muộn khác, quá trình thai nghén của chị L gặp phải khá nhiều khó khăn. Trong quá trình mang thai, tới tuần thứ 7 chị bị ra máu ồ ạt, tưởng như không thể giữ nổi thai. Nhưng nhờ có sự chăm sóc tận tình của các bác sỹ khoa Hỗ Trợ Sinh Sản, đặc biệt bác sỹ Trưởng khoa trực tiếp thăm khám điều trị và động viên chị giữ thai mà mẹ con chị đã đi được đến cuối chặng đường.
Hơn 6 năm vào Nam ra Bắc chữa hiếm muộn, vợ chồng chị L đã chào đón chào đứa con đầu lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Thiên thần bé nhỏ của anh chị chào đời khỏe mạnh ở tuần thai thứ 38, nặng 2,8kg trong niềm vui và hạnh phúc tột cùng của cả gia đình.
Hành trình tìm con của vợ chồng chị kéo hơn 6 năm, mang theo hàng vạn những cung bậc cảm xúc. Nhưng với niềm tin và sự nỗ lực không ngừng, cuối cùng anh chị cũng đã thu về quả ngọt. Giờ đây, khi xấp xỉ tứ tuần, vợ chồng chị đã chạm tới mơ ước được làm cha mẹ và cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn trong tổ ấm bé nhỏ của mình.
Anh chị quyết định chia sẻ câu chuyện này vừa để nhìn lại chặng đường khó khăn đã qua, vừa để tạo động lực cho những cặp đôi hiếm muộn khác tiếp tục vững bước trên “hành trình” gian khó trước mặt. Bởi anh chị tin rằng “chỉ cần giữ niềm tin, điều kỳ diệu nhất định sẽ đến”.