Thứ hai, 29/04/2024 | 06:11
RSS

6 cách phòng tránh bệnh trĩ từ thói quen mỗi ngày

Thứ hai, 04/12/2023, 06:43 (GMT+7)

Trĩ hiện nay là bệnh khá phổ biến, tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người còn e ngại, cảm thấy khó nói khi nhắc tới vấn đề này. Hãy cùng chúng tôi thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học để có thể phòng bệnh trĩ hiệu quả.

I - Bệnh trĩ hình thành là do nguyên nhân nào?

Hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh trĩ, chúng ta sẽ có thể ngăn ngừa, loại bỏ và hạn chế các tác nhân xấu, từ đó giúp phòng tránh bệnh trĩ hiệu quả hơn. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra trĩ mà bạn nên lưu tâm.

  • Cơ địa: Đối với những người có cơ địa kém thì thành mạch máu kém bền sẽ dễ giãn nở và có nguy cơ sa xuống, tạo thành búi trĩ hơn so với những người khác. Cùng với đó, người bệnh có một vài thói quen xấu sẽ càng tạo cơ hội cho trĩ hình thành.
  • Táo bón: Đây là phần lớn nguyên nhân dẫn tới tình trạng trĩ, phân quá cứng khó đào thải ra ngoài, khiến người bệnh phải cố gắng rặn khi đi tiêu. Phân quá cứng không thể thoát ra ngoài làm chèn ép các tĩnh mạch trong trực tràng và hậu môn, gây đọng máu, lâu dần sẽ hình thành búi trĩ nội. Ngoài ra, việc phải rặn thường xuyên có thể làm các cơ hậu môn thoái hóa và làm búi trĩ sa dần ra bên ngoài.
  • Ngồi quá lâu: Bị trĩ do ngồi nhiều là nguyên nhân cực kỳ phổ biến, nhất là đối với dân văn phòng. Ngồi quá lâu, ngồi nhiều trong một tư thế mà không chịu vận động khiến vùng hậu môn chịu một áp lực nhất định, lâu dần làm cho các tĩnh mạch bị chèn ép và từ đó hình thành ra búi trĩ khó chịu.
  • Mang thai: Thai phụ thường cảm thấy mệt mỏi và nặng nề khi mang thai, dẫn đến khả năng vận động giảm. Đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên, sức nặng từ thai nhi sẽ gây áp lực liên tục tới tĩnh mạch hậu môn, trực tràng ở vùng xương chậu (do vị trí hai bộ phận này rất gần nhau). Điều này có thể dẫn đến tình trạng táo bón hoặc trực tiếp gây sưng tĩnh mạch và hình thành trĩ.
  • Di truyền: Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia chỉ ra rằng nếu trong gia đình có người thân đã từng mắc bệnh trĩ, thì thế hệ sau cũng sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
  • Những yếu tố khác: Chế độ ăn uống không lành mạnh, áp lực, căng thẳng, tuổi cao, quan hệ tình dục qua đường hậu môn…

Tìm hiểu thêm: Những triệu chứng nhận biết bệnh trĩ

Bệnh trĩ hình thành do đâu?

II - 6 cách đơn giản giúp phòng tránh bệnh trĩ

1. Không nhịn đại tiện

Đừng nhịn việc đi đại tiện là lời khuyên khá quen thuộc cho những người mắc bệnh trĩ, tuy nhiên vẫn có nhiều người coi thường mà bỏ qua vấn đề này. Khi có nhu cầu nhưng nếu chúng ta nhịn đi vệ sinh sẽ dẫn tới tình trạng phân trở nên cứng và khó có thể đào thải được ra bên ngoài. Tình trạng cứ kéo dài và không khắc phục, lâu ngày sẽ dẫn tới bệnh trĩ. Do đó, cách phòng bệnh trĩ tốt nhất chính là việc đi toilet ngay khi cần.

Đối với việc phân cứng khó khăn trong việc đào thải phân ra ngoài, bạn cũng đừng nên cố gắng rặn mạnh. Vì điều này sẽ tạo áp lực lên phần đệm tĩnh mạch, dẫn tới khả năng chuyển từ bệnh trĩ nội sang trĩ ngoại, thậm chí là sa búi trĩ ra ngoài.

Phòng bệnh trĩ tại nhà bằng việc tránh nhịn đại tiện

2. Tránh ngồi quá lâu

Dân văn phòng hoặc những người phải ngồi làm việc trong thời gian dài cần lưu ý không nên ngồi quá lâu mà không vận động. Nên đứng dậy và vận động nhẹ sau mỗi 45 phút để các mạch máu vùng hậu môn giảm áp lực và lưu thông tốt hơn.

Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế dành quá nhiều thời gian ngồi trong nhà vệ sinh. Thay vào đó nên dành thời gian tập trung để giải quyết nhanh nhu cầu, tránh vừa đi cầu vừa sử dụng điện thoại, đọc sách truyện vì điều này sẽ vô tình khiến bạn ngồi lâu hơn bình thường.

Để phòng bệnh trĩ, tránh ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh

3. Tạo thói quen đi vệ sinh đúng cách

Việc nhịn đi vệ sinh sẽ khiến phân tồn đọng tại khu vực ruột già, trực tràng. Thời gian dài sẽ dần khô cứng, khiến việc đi vệ sinh khó khăn hơn cũng như tiềm ẩn nguy cơ mắc táo bón. Do đó, để phòng tránh bệnh trĩ, tốt hơn hết bạn nên đi vệ sinh khi cơ thể có nhu cầu, tránh nhịn lâu gây táo bón, kích ứng niêm mạc gây hình thành trĩ.

Thêm nữa, hãy tạo cho mình thói quen đi vệ sinh vào một khoảng thời gian cố định, nó là thói quen tốt giúp bạn cân bằng được chức năng của hệ tiêu hóa. Việc đi vệ sinh vào khoảng thời gian nhất định trong ngày sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa táo bón, hạn chế lực rặn khi đào thải phân ra ngoài. Điều này sẽ tránh nguy cơ hậu môn bị tổn thương và phòng ngừa khả năng mắc bệnh trĩ.

Phòng tránh trĩ nặng hơn bằng cách đi vệ sinh theo khung giờ cố định

4. Giữ vùng hậu môn sạch sẽ

Nếu bạn để tình trạng hậu môn không sạch sẽ, điều này dễ khiến khu vực này bị viêm nhiễm. Đây sẽ là cơ hội để những loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn. Do đó, vệ sinh khu vực này sạch bằng những loại khăn giấy mềm hoặc rửa sạch nhẹ nhàng, tránh cọ xát mạnh hoặc lau bằng loại giấy khô ráp vì có thể gây ra trầy xước, tổn thương vùng hậu môn.

5. Ăn đủ chất xơ, uống đủ nước

Một trong những cách để phòng tránh bệnh trĩ hiệu quả là người bệnh nên đánh giá lại chế độ ăn của mình đã thực sự lành mạnh và khoa học hay chưa. Khi mà chế độ ăn đóng góp một phần giúp phân được mềm và dễ đào thải ra bên ngoài.

Hãy đảm bảo có một chế độ ăn giàu chất xơ từ các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc để có thể hạn chế tình trạng táo bón hiệu quả, tránh gây ra tình trạng phân cứng gây chèn ép hậu môn gây ra búi trĩ có nguy cơ bị sa ra ngoài. Ngoài ra, cũng cần hạn chế các loại đồ ăn cay, đồ nhiều dầu mỡ hoặc quá nhiều đạm do đây đều là những thực phẩm gây táo bón, ăn nhiều cũng không tốt cho sức khỏe

Bên cạnh chế độ ăn, bạn cũng nên bổ sung khoảng 1,5-2 lít nước hằng ngày vào cơ thể để giúp phân được mềm hơn, chất thải không bị cứng, dễ đào thải.

Ăn uống khoa học là cách phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả

6. Vận động, thể dục thường xuyên

Quá trình vận động, thể dục thể thao là biện pháp tốt cho sức khỏe cơ thể, và nó sẽ có tác dụng tốt trong việc cải thiện và ngăn ngừa các vấn đề liên quan tới đường ruột và hệ tiêu hóa.

Việc vận động sẽ giúp cơ thể được hoạt động, các chất thải trong ruột cũng được chuyển hóa dễ dàng hơn, giúp phòng bệnh trĩ nói chung và tình trạng táo bón, phân bị khô, cứng nói riêng. Người bệnh nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, yoga để duy trì vận động, có một lối sống lành mạnh.

Bạn cũng cần tránh những bài tập quá sức khi đang điều trị trĩ, tạo áp lực đến vùng bụng, vì nó sẽ gây hại nhiều hơn lợi.

Phòng chống trĩ bằng việc vận động thể dục thể thao điều độ

Qua những thông tin trên, hy vọng bạn có thể điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, thay đổi dần các thói quen để có thể phòng ngừa và cải thiện bệnh trĩ hiệu quả. Người đang mắc bệnh trĩ cũng có thể áp dụng những cách trên, sẽ giúp quá trình trị bệnh trĩ hiệu quả hơn, trĩ tự hết theo thời gian nhanh hơn.

DS. Nguyễn Huyền
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại