Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:26
RSS

5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế may trong 1 tuần, gấp rút gửi đến Mỹ

Thứ năm, 21/05/2020, 08:48 (GMT+7)

Trong tuần qua, Việt Nam vừa giao xong một đơn hàng lớn cho chính quyền New York với 5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế được may gấp rút và hoàn thành trong 1 tuần.

5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế may trong 1 tuần, gấp rút gửi đến Mỹ
5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế  gấp rút gửi đến Mỹ. Ảnh VNE

Chiều 20/5, ông Huỳnh Quốc Định, Giám đốc Super Cargo Service, đơn vị vận chuyển đơn hàng 5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế từ Việt Nam đến New York (Mỹ) thông báo chiếc máy bay cuối cùng vận chuyển lô hàng đã đáp xuống sân bay JFK. 

Theo ông Định chia sẻ trên Vnexpress, đây là đơn hàng thiết bị y tế thuộc hàng "cực lớn" của Mỹ đặt mua từ Việt Nam gần đây, gồm áo bảo hộ, khẩu trang và găng tay phục vụ chống dịch.

Ông Định cho biết, để đáp ứng thời gian gấp rút chỉ trong một tuần, công ty đã hợp tác với 4 hãng hàng không là Ethiopia Airlines, Cathay Pacific, Eva Airlines và Philippines Airlines để tiến hành vận chuyển.

"Việc có 8 chiếc máy bay cỡ lớn, Boeing 777- 300 ER và Boeing 777- 360 ER, đến từ 4 hãng bay thế giới liên tục đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất tuần qua để vận chuyển sản phẩm y tế từ Việt Nam đến Mỹ là điều chỉ có covid-19 mới tạo ra", ông bình luận.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã nhắc đến việc mua các thiết bị bảo hộ y tế từ Việt Nam. CBSNews dẫn lời ông Bill de Blasio cho biết thành phố đã đặt hàng một nhà máy ở Việt Nam sản xuất số lượng lớn các bộ quần áo bảo hộ y tế. 

"Bây giờ chúng tôi tự tin rằng có đủ đồ bảo hộ y tế qua giữa tháng 5," ông nói hôm 1/5, thời điểm New York đã nhận một triệu bộ đồ và 900.000 chiếc khác "made in Vietnam" đang được đưa lên máy bay. Là một trong hai vùng dịch lớn nhất nước Mỹ, đến sáng ngày 20/5, toàn tiểu bang New York đã có 357.757 ca dương tính với Covid-19 và 28.437 người chết, theo số liệu của The New York Times.

Theo cập nhật mới nhất, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 20.5 cho biết tổ chức này ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trong vòng 24 giờ, Người lao động đưa tin. 

Ông Tedros cho rằng: "Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài với dịch Covid-19. Trong vòng 24 giờ qua có đến 106.000 ca nhiễm được WHO ghi nhận, con số cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát".

Tổng giám đốc WHO cho hay gần 2/3 số ca nhiễm mới được ghi nhận tại 4 quốc gia nhưng ông không nêu tên cụ thể. Theo WHO, các quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới lần lượt là Mỹ, Nga, Brazil và Anh. Hiện tổng ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu và tổng số ca tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới liên quan đến Covid-19 hơn 329.000 ca.

"Chúng tôi vô cùng quan tâm về các trường hợp ca nhiễm tăng nhanh ở các nước thu nhập thấp và trung bình"- ông Tedros nhấn mạnh.

Ông Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo tại trụ sở Geneva – Thụy Sĩ rằng hầu hết các khoản tài trợ từ Mỹ đều được chuyển trực tiếp vào chương trình này giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương và khó khăn.

Quan chức này cho hay: "Chúng tôi sẽ phải hợp tác với các đối tác khác để đảm dòng tiền tài trợ không bị gián đoạn. Đây là yếu tố chính trong việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu cho những người dễ bị tổn thương nhất thế giới và chúng tôi tin rằng các nhà tài trợ ở những nước phát triển sẽ lấp đầy khoảng trống đó nếu cần thiết.

Theo ông Tedros, ngân sách của WHO hiện "rất, rất ít" khoảng 2,3 tỉ USD/năm. Tổng giám đốc WHO cho rằng con số này là rất nhỏ so với ngân sách thường niên dành cho một bệnh viện cỡ trung tại một quốc gia phát triển.

Ngô Huệ
Theo Đời sống Plus/GĐVN