Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:30
RSS

30% em bé có vi khuẩn kháng thuốc

Thứ sáu, 22/09/2017, 11:31 (GMT+7)

TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương đã cho biết như vậy. Theo TS Điển, đây là tình trạng cảnh báo và chúng ta phải tìm các căn nguyên, lý do... bởi kháng kháng sinh rất nguy hiểm.

Kháng thuốc

Mỗi ngày, BV Nhi Trung ương có tới 3.000 đến 4.000 em bé tới khám và cấp cứu, nhiều bé trong số đó có vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh minh họa: ANTĐ

TS Trần Minh Điển cho biết, mỗi ngày có 3.000 đến 4.000 em bé đến BV Nhi Trung ương khám và cấp cứu; Bệnh viện cũng điều trị nội trú cho khoảng 1.700 em bé, hầu hết là các bệnh nhân rất nặng.

Nhiều lý do dẫn đến kháng thuốc

Có ngày bệnh viện có tới hơn 100 bệnh nhân thở máy, hơn 200 bệnh nhân thở ô xy, 70-80 em bé đặt catheter tĩnh mạch trung tâm...

Do bệnh nhân nặng, chuyển đến từ nhiều tỉnh khác nhau nên tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại BV Nhi Trung ương còn rất cao.

Tại BV Nhi Trung ương, trong một nghiên cứu sàng lọc gần đây về các bệnh nhân nhập viện, 30% em bé đến nhập viện có các vi khuẩn kháng thuốc trong phân. TS Điển cho rằng đây là tình trạng cảnh báo và chúng ta phải tìm các căn nguyên, lý do các vấn đề môi trường, thức ăn... bởi nhiều vấn đề liên quan đến dư lượng kháng sinh.

Không tự ý sử dụng thuốc

Khám bệnh ở BV Nhi Trung ương. Ảnh: BV Nhi Trung ương

Ngoài vấn đề môi trường, thức ăn, việc các bà mẹ, ông bố trực tiếp đi mua thuốc ở các hiệu thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh và điều trị cho em bé một cách không hợp lý cũng là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng kháng thuốc cho các em bé khi đến nhập viện.

Cẩn thận kẻo không còn kháng sinh để trị bệnh

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc. Tổ chức y tế thế giới đã cảnh báo, nếu cứ tiếp tục sử dụng kháng sinh bừa bãi, 10-20 năm nữa chúng ta sẽ không còn kháng sinh phù hợp để điều trị bệnh.

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, có những trường hợp bệnh nhân bị kháng thuốc, nhiều thuốc không đáp ứng... khiến các bác sĩ phải rất vất vả mới cứu sống được bệnh nhân.

Nhằm ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định thực hiện bán thuốc kháng sinh theo đơn. Nhưng vấn đề là lực lượng giám sát của ta quá mỏng nên việc theo dõi và xử phạt việc bán kháng sinh bừa bãi chưa khả thi.

Các chuyên gia cảnh báo: Người dân chỉ mua và sử dụng kháng sinh theo bác sĩ kê đơn, đừng tự tìm mua những  thuốc đắt nhất, mới nhất để điều trị những nhiễm khuẩn thông thường, bởi đến khi mắc bệnh nặng hơn, sẽ không còn thuốc để điều trị.

Trong chăn nuôi, sử dụng kháng sinh cũng cần tuân theo chỉ định. Đã có thực tế nhãn tiền là từng có chuyện sản phẩm của chúng ta bị dư lượng kháng sinh khiến bị nước bạn trả lại, ảnh hưởng đến xuất khẩu (thiệt hại về kinh tế); nếu sản phẩm ấy dân ta ăn vào, lại thêm một lượng kháng sinh vào cơ thể người và chúng ta lại thêm nguy cơ kháng thuốc.

Có một cách hữu hiệu để phòng ngừa nhiễm khuẩn rất đơn giản là rửa tay, thực hiện giữ “bàn tay sạch”. Trong trường hợp mắc bệnh, nhất thiết chỉ dùng thuốc theo bác sĩ kê, không tự ý mua thuốc để tránh bị kháng thuốc.

Xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh tại Việt Nam Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN