Thanh Niên dẫn thông tin từ Phòng PC03 Công an TP.HCM đơn vị này vẫn tiếp tục nhận đơn trình báo, tố cáo của người dân đối với Công ty Alibaba. “Người dân chuẩn bị đầy đủ các hợp đồng giao dịch ký với Công ty Alibaba, các hóa đơn chuyển tiền để công an thu thập một cách đầy đủ, chi tiết nhằm phục vụ công tác điều tra. Còn khi nào người dân nhận lại được tiền thì phải chờ kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng”, một cán bộ công an thông tin.
Theo PC03 - Công an TP.HCM, 2.500 tỉ đồng là số tiền ghi nhận được từ các hợp đồng mà Công ty Alibaba giao dịch với khách hàng. Còn số tiền công an thu giữ tại Công ty Alibaba vào ngày 18/9 sau khi thực hiện lệnh khám xét, bắt Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) thì rất nhỏ. Riêng về số tiền trong các tài khoản Công ty Alibaba và lãnh đạo công ty này bị phong tỏa thì đang trong quá trình điều tra nên chưa thể công bố.
Trước đó, qua công tác khám xét trụ sở Alibaba nằm trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức và các văn phòng giao dịch, trụ sở các công ty con thì Công an đã thu giữ được lượng tang vật đáng kể.
Cụ thể, Công an thu giữ 376 thùng tài liệu là những chứng từ sổ sách của Alibaba, các công ty con; hơn 9 tỷ đồng tiền mặt, 257 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng đang được giám định, 3 xe ô tô các loại, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất ở nhiều tỉnh, thành...
Hiện số tiền thực tế theo hợp đồng mua bán của khách hàng với Alibaba vẫn là dấu chấm hỏi mà cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Bộ Công an cho thấy, Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh và đồng phạm đã thành lập Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.
Quá trình xác minh cho thấy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Công ty Alibaba rao bán nền của 29 dự án. Trong đó, tại huyện Long Thành có 27 dự án, bao gồm 21 dự án ở xã Long Phước; 3 dự án ở xã Phước Thái; 3 dự án ở 3 xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước. Hai dự án còn lại nằm ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch và xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.
Các dự án ở xã Long Phước có tên là dự án Alibaba 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16; Long Phước Golden Point; Long Phước Golden Point II; khu dân cư quốc tế Lilama; Alibaba Long Thành Capital; Long Phước Residence. Ba dự án ở xã Phước Thái là Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III. Hai dự án nằm ở huyện Nhơn Trạch và huyện Xuân Lộc là Ali Aqua Nhơn Trạch và Ali Mega Xuân Lộc.
Trước đó, theo ghi nhận của PV VietNamNet, rất đông khách hàng của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) đã kéo đến chi nhánh của công ty trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM để đòi tiền.
Cổng chính của công ty trên đường Phạm Văn Đồng được kéo lại, chỉ chừa một khoảng trống nhỏ cho nhân viên ra vào. Trong khi đó, bãi gửi xe của nhân viên thưa vắng hơn so với ngày thường.
Trước đó, tối 18/9 nhiều khách hàng cũng đã đến công ty yêu cầu được gặp đại diện có thẩm quyền của công ty để đòi quyền lợi khi hay tin ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba và em trai là Nguyễn Thái Lĩnh – Tổng Giám đốc Địa ốc Alibaba bị bắt tạm giam.
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết các “dự án” của Địa ốc Alibaba không thể hoàn tất các thủ tục để bàn giao nền cũng như Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất như thoả thuận, có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo luật sư Cường, khi đó hợp đồng thoả thuận quyền sử dụng đất công ty ký với khách hàng sẽ vô hiệu.
“Trong trường hợp Địa ốc Alibaba chây ì hoặc không trả tiền thì khách hàng sẽ là bên chịu thiệt thòi. Những ai đã và đang đầu tư tại Địa ốc Alibaba cần trình báo, phối hợp cùng cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ yếu tố pháp lý liên quan giữa các pháp nhân công ty con trong hệ thống của doanh nghiệp này”, luật sư Cường nói.