Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:25
RSS

2 ca mắc "siêu biến chủng" Omicron được ghi nhận tại Anh

Chủ nhật, 28/11/2021, 07:34 (GMT+7)

Bộ Y tế Anh thông báo nước này đã ghi nhận 2 ca mắc biến chủng Omicron. Trước đó, Cơ quan y tế bang Hesse của Đức ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở nước này, là người về từ Nam Phi.

Báo Dân trí dẫn thông tin từ Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết: "Tối qua 27/11, tôi đã được Cơ quan An ninh Y tế Anh liên lạc. Họ thông báo đã phát hiện ra 2 trường hợp mắc biến chủng mới Omicron ở Anh. Một trường hợp ở Chelmsford và một trường hợp ở Nottingham", 

Bộ Y tế Anh cho biết 2 ca nhiễm trên và tất cả thành viên trong gia đình đang được xét nghiệm lại và được yêu cầu tự cách ly, trong khi các xét nghiệm và truy vết tiếp xúc đang được tiến hành. "Chúng tôi đã hành động nhanh chóng và người bị nhiễm đang tự cách ly, trong khi truy vết tiếp xúc tiếp tục được thực hiện", Bộ trưởng Javid cho biết thêm.

Cả 2 ca nhiễm biến chủng mới ở Anh đều có liên quan với nhau và liên quan đến hoạt động đi lại từ khu vực phía nam châu Phi - nơi bùng phát biến chủng Omicron. Theo Bộ trưởng Javid, Angola, Mozambique, Malawi và Zambia sẽ được thêm vào "danh sách đỏ" hạn chế đi lại của Anh từ 4 giờ sáng 28/11. 

Bất kỳ ai từng đến 4 quốc gia trên hoặc bất kỳ quốc gia nào khác gần đây trong "danh sách đỏ" của Anh trong vòng 10 ngày qua đều phải tự cách ly và thực hiện các xét nghiệm PCR. Danh sách này còn bao gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Namibia.

Ông Javid nói thêm rằng đây là "biến chủng mới đáng lo ngại" và "vaccine vẫn rất quan trọng". "Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng đối với tất cả chúng ta rằng đại dịch này còn lâu mới kết thúc và nếu có một điều mà mọi người có thể làm ngay bây giờ là nếu họ đủ điều kiện, vui lòng tiêm vaccine cho dù đó là mũi đầu tiên, mũi thứ hai hay mũi tăng cường", ông Javid kêu gọi người dân tiêm chủng.

Anh và xứ Wales ngày 25/11 đã thông báo cấm các chuyến bay từ 6 quốc gia ở phía nam châu Phi trong nỗ lực ngăn chặn biến chủng mới lây lan. Ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên ở châu Âu được ghi nhận ở Bỉ vào ngày 26/11.

Các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu về biến thể Omicron. Ảnh: NDO.

Trước đó, cơ quan y tế bang Hesse của Đức ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở nước này, là người về từ Nam Phi. "Đêm qua, một số đột biến điển hình của Omicron được tìm thấy trên hành khách trở về từ Nam Phi", Kai Klose - quan chức phụ trách vấn đề xã hội ở bang Hesse cho biết.

Ông này nói thêm rằng quá trình giải trình tự gene đầy đủ của biến thể mới đang được thực hiện. Đức là quốc gia thứ 2 ở châu Âu báo cáo các ca nhiễm biến chủng Omicron sau Bỉ. Cộng hòa Séc đang kiểm tra một trường nhiễm nghi nhiễm Omicron là một người trở về Namibia. 

"Một phòng thí nghiệm đang kiểm tra một mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron. Chúng tôi chờ xác nhận hoặc thông tin bác bỏ", người phát ngôn của Viện Y tế Quốc gia Séc cho hay. Giới chức Hà Lan cũng mới xác nhận có 61 ca dương tính trong tổng số 600 hành khách trở về từ Nam Phi. Hiện vẫn chưa rõ họ có nhiễm siêu biến chủng Omicron không.

Cả Đức, Séc, Hà Lan hôm 26/11 đã cấm hầu hết các hoạt động đi lại từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại biến chủng này có thể đã tới các nước này và rất khó để ngăn nó xâm nhập.

Các nhà khoa học cho biết Omicron có số lượng đột biến cao bất thường có thể giúp biến thể này né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể, đồng thời làm tăng khả năng lây lan. Bất kỳ biến thể mới nào có thể “né” vắc xin hoặc có tốc độ lây lan nhanh hơn biến thể Delta đều là mối tiềm ẩn nguy hiểm đối với nhân loại.

Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của Cơ quan An ninh Y tế Anh, cho biết số sinh sản hiệu quả R của biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Gauteng của Nam Phi, là 2 - mức độ lây truyền chưa từng được ghi nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng nổ. Với con số lây truyền lớn hơn 1, dịch bệnh sẽ phát triển theo cấp số nhân; các nhà khoa học mô tả Omicron là biến thể “tồi tệ nhất” kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch.

Minh Châu
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại