Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:07
RSS

13 chiến sĩ mất liên lạc khi vào cứu hộ nhóm công nhân thủy điện Rào Trăng 3

Thứ ba, 13/10/2020, 14:18 (GMT+7)

Lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, 13 người trong đoàn công tác đã mất liên lạc khi đi vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để thực hiện cứu hộ.

Đã có thương vong về người vụ sạt lở khu vực thủy điện Rào Trăng 3

Thủy điện Rào Trăng 3 khi chưa có lũ. Ảnh: SGGP

Ngày 13/10, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục điều động lực lượng tiếp ứng cho nhóm trên đường tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3. Đại diện Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết vẫn chưa liên lạc được với 13 cán bộ, chiến sĩ đang mất liên lạc khi đi cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.

Cụ thể, khoảng 13 giờ ngày 12/10, ngay khi có điện báo sạt lở đất vùi lấp hơn 10 lao động ở thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên -Huế, đoàn công tác của UBND tỉnh và Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cùng Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên -Huế và cán bộ chiến sĩ lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.

Đến 16 giờ, đoàn đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Đoàn quyết định vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn. Do mưa lũ, sạt lở, thêm suối chảy bất thường nên đi lại rất khó khăn nên khi đoàn quyết định nghỉ ở Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ. Tuy nhiên, giữa đêm đã xảy ra một vụ sạt lở đất rất lớn chôn vùi 2 căn phòng của lực lượng cứu hộ đang nghỉ tại đây. Hiện 13 người trong đoàn này đang bị mất liên lạc.

Nhận tin báo, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên -Huế lập tức điều động lực lượng cứu hộ. Đến sáng nay, đã liên lạc được 8 người, còn 13 người vẫn chưa liên lạc được.

Đưa phương tiện vào xử lý các điểm sạt lở để đi vào thủy điện Rào Trăng 3.

Hiện Bộ Tư lệnh Quân khu 4, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế đang tăng cường tìm kiếm số cán bộ, chiến sĩ đang mất tích. Đến nay, tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, còn 30 người chưa liên lạc được, gồm 17 công nhân thi công thủy điện và 13 người thuộc đoàn cứu hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4.

Hiện tại, khu vực ngã ba tỉnh lộ 11B nối đường vào thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng chức năng đã phong tỏa. Một số xe chuyên dụng phục vụ công tác xử lý sạt lở cũng được điều vào khu vực dẫn đến thủy điện Rào Trăng 3.

Một lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho SGGP biết, trụ sở tiền phương chỉ đạo công tác tiếp cận, cứu nạn vụ việc nói trên được lập và đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, cách khu vực xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 tầm hơn 20km. Thông tin ban đầu, đã có thương vong về người.

Trước đó, chiều ngày 12/10, một lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được cuộc gọi của lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 về sự cố sạt lở do mưa lũ, vùi lấp nhiều nhân viên đang làm việc tại đây. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện bất ngờ bị gián đoạn, đầu dây phía lãnh đạo công ty không liên lạc được.

Nhận được tin báo, UBND tỉnh cử lực lượng, phương tiện cứu hộ lập tức di chuyển đến địa bàn xảy ra sự cố, nhưng do mưa lũ và địa hình hiểm trở nên chưa thể tiếp cận được hiện trường. Được biết, khu vực thủy điện này cách trung tâm xã hơn 35 km và hiện nhiều điểm sạt lở, ngập nên chia cắt.

Nguồn tin trên NLĐ cho biết, tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, còn 30 người chưa liên lạc được, gồm 17 công nhân thi công thủy điện và 13 người thuộc đoàn cứu hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4. Trực thăng của Sư đoàn 372 tại sân bay Đà Nẵng cũng đã có lệnh cất cánh từ sân bay Đà Nẵng để vào khu vực sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 tìm kiếm, cứu nạn.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN