Ngày 11/1, ông Võ Hồng Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết Viện Pasteur TP.HCM vừa công bố Bến Tre có ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên. Bệnh nhân tên Mỹ (25 tuổi, đã đổi tên), hiện mang thai được 18 tuần và đang sinh sống trên địa bàn huyện Châu Thành.
Một tháng trước (ngày 11/12/2016), chị Mỹ khởi phát với các triệu chứng như: phát ban toàn thân, mệt mỏi, đau cơ ở 2 chân, sưng đau khớp ngón tay... Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM). Các bác sĩ cho bệnh nhân điều trị nội trú và làm xét nghiệm với kết quả dương tính với vi rút Zika.
Sau khi tiếp nhận thông tin trên, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bến Tre đã khẩn trương ra kế hoạch điều tra dịch tễ học, xác định khu vực ổ dịch và tiến hành xử lý hóa chất, dập dịch xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. Dự kiến tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp xử lý nhằm dập dịch lần 2 trên địa bàn phát hiện virus Zika vào ngày 17-18/1.
Bác sĩ Đỗ Tấn Hồng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bến Tre cho biết, khu vực được xác định ổ dịch nằm trên địa bàn xã Quới Sơn, giáp ranh khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đây là nơi có nhiều nhà trọ, công nhân đông.
Ngoài việc tiến hành dập dịch bằng hóa chất xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống, trung tâm cũng sẽ giám sát các phòng khám tư nhân, chủ nhà trọ và y tế cơ quan của các công ty tại khu công nghiệp để theo dõi tốt tình hình bệnh phát ban ở công nhân. Đồng thời, điều tra, lập danh sách phụ nữ mang thai tại ổ dịch, hướng dẫn thai phụ khám, theo dõi sức khỏe thai định kì. Tăng cường tuyên truyền dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng bệnh do vi rút Zika trong cộng đồng.
Phòng tránh virus Zika cho bà bầu:
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, người dân không nên quá hoang mang, kể cả đối với phụ nữ mang thai vì không phải trường hợp nào nhiễm virus Zika cũng gây nên tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Đồng thời, Thứ trưởng Long cũng cho biết, với các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu sống trong vùng dịch (bán kính 200m so với điểm khởi dịch), nếu có các biểu hiện như sổ mũi, sốt, phát ban, có triệu chứng viêm kết mạc thì lập tức đến cơ sở y tế để được theo dõi. Nếu phát hiện dương tính với virus Zika nên siêu âm 2 tuần/ lần, bên cạnh việc siêu âm thai kỳ bình thường.
Cũng liên quan đến vấn đề này TS Trần Danh Cường- Phó GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong trường hợp phụ nữ mang thai dương tính với virus Zika, không có chỉ định bắt buộc họ bỏ thai vì hệ thống y tế hoàn toàn có thể giám sát được.
Thai phụ được tiếp tục siêu âm theo dõi để khi nào khẳng định chắc chắn thai nhi mắc hội chứng đầu bé thì mới có kế hoạch xử trí.
“Khi đã khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do bất kỳ nguyên nhân gì thì đều được khuyến cáo là nên dừng thai nghén.
Việc ngừng thai nghén tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần thai thì việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 22 tuần thì việc ngừng là khó khăn”, PGS.TS Trần Danh Cường cho biết.
Ông Trần Đắc Nhu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo: Virus Zika không lây qua đường hô hấp mà lây qua muỗi vằn truyền bệnh và quan hệ tình dục.
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cần tránh đi đến những nước có dịch; có biện pháp phòng ngừa bảo vệ mình không để muỗi vằn đốt; Khi có triệu chứng sốt nhẹ cần đến ngay cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏa sinh sản bà mẹ trẻ em để tầm soát, theo dõi chặt…Việc kiểm tra xét nghiệm virus Zika là miễn phí.