Những ngày gần đây, trên mạng xã hội truyền tay nhau chia sẻ một bài viết có kèm theo hình ảnh bé trai (12 tuổi) trên tay bế theo em mình (1 tuổi) dong duổi khắp Sài Gòn đi xin ăn vì thương mẹ vất vả đã khiến nhiều người không khỏi xót thương.
Nội dung câu chuyện nói về việc tình cờ gặp được hai anh em (bé lớn tên Cường, sinh năm 2008 và bé nhỏ tên Minh, sinh năm 2019) ngồi xin ở khu Lê Đại Hành. Bé kể sẽ ngồi ở đó xin ăn nguyên ngày, vì mẹ đi làm nên tối nào hai anh em cũng phải tự về chợ Bà Lát.
Câu chuyện về hai anh em Cường và Minh được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: FB
"Tình cờ gặp được 2 anh em rất dễ thương nhìn 2 bé mà mình thấy rất thương. Bé lớn tên Cường sinh 2008 và bé nhỏ tên Minh sinh 2019, mới 1 tuổi thôi mà bé đi theo anh hiểu chuyện lắm.
Bé ngồi xin ở khu Lê Đại Hành. Theo như bé nói thì sẽ ngồi ở đó nguyên ngày. Vì mẹ 2 bé phải đi làm nên tối nào 2 bé đều phải tự về Chợ Bà Lát, nghe thấy thương lắm. Nên bạn nào có đi ngang qua chỗ này mà thấy 2 bé thì xin giúp cho mấy bé bữa ăn hay ít tiền bạc nha”, trích bài chia sẻ bài viết trên Facebook chia sẻ.
Cường bồng trên tay đứa em 1 tuổi rong ruổi xin ăn khắp Sài Gòn vì thương mẹ. Ảnh: FB
Người đăng tải bài viết cũng cho biết, ban đầu thấy hai anh em Cường ngồi xin ăn ở đó thì định chạy xe đi qua luôn, nhưng thấy thương quá không nỡ nên người này đã “vét 117k cuối cùng để đưa hết cho bé”. Sau đó giúp hai bé đặt xe grap về chợ Bà Lát vì trời đã tối.
Theo người đăng tải câu chuyện, mặc dù nhỏ tuổi nhưng cả hai bé đều rất hiểu chuyện, đặc biệt là bé Minh. Khi được người lạ đặt xe giúp cho thì các bé cảm ơn rất nhiều lần, “bé Minh mới 1 tuổi mà rất hiểu chuyện còn vẫy tay bye bye mình, thương lắm”.
Đằng sau gương mặt nhem nhuốc là một cậu chuyện thật sự khiến người ta cảm thấy vô cùng xúc động bởi tình cảm của những đứa con dành cho cha mẹ. Từ ấy mà chúng ta có cái nhìn bao dung, rộng lượng hơn và tin rằng không phải tất cả những người ăn xin đều xấu, đều chỉ biết lợi dụng lòng thương người.
Hai anh em thường ngồi ở ngã tư trên đường Lê Đại Hành, quận 11 để xin ăn
Theo thông tin trên báo Đất Việt được biết, cậu bé ấy là Trần Văn Cường (sinh năm 2008, ngụ tại huyện Bình Chánh). Mỗi ngày, khoảng 5, 6 giờ chiều, Cường sẽ bế theo em trai là Trần Thụ Minh (sinh năm 2019), bắt xe bus từ chợ Bà Lát (huyện Bình Chánh) lên đến ngã tư trên đường Lê Đại Hành, quận 11 để xin ăn.
Cách đây hơn hai năm, Cường sống tại An Giang với dì ruột, được đi học như bạn bè cùng trang lứa, lúc đấy hoàn cảnh gia đình còn ổn định. Sóng gió ập đến, nhiều câu chuyện xảy ra, ba Cường vướng vào vòng lao lý, để lại một mình mẹ em nuôi 3 người con, và cả Thụ Minh đang còn nằm trong bụng. Ngày Minh chào đời, Cường cũng rời quê, bỏ ngang lớp 4 rồi lên Sài Gòn phụ mẹ trông em, để mẹ đi làm, kiếm tiền lo cho gia đình.
Thời gian đầu Cường chỉ ở nhà chơi cùng bé Minh, mẹ đi làm ở công ty rác, được bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, mấy mẹ con sống lay lắt qua ngày. Hơn một tháng trở lại đây, vì ăn uống không đều độ và làm việc lao lực, sức khỏe mẹ Cường yếu dần, hay bị mệt mỏi, thở gấp, tay tê không cầm nắm được. Từ đó, mẹ Cường nghỉ làm nhiều hơn, hoàn cảnh gia đình cũng vì vậy mà trở nên túng thiếu, khó khăn.
Thương mẹ, Cường bắt đầu đi kiếm tiền bằng việc phụ giúp ở các quán cơm, nhưng vì phải mang theo Minh nên không thể làm tốt được. Vậy rồi, mượn cớ xuống làm ở quán cơm, cứ tối đến em lại trốn mẹ đi tận trong thành phố, ngồi bên vệ đường để xin tiền.
‘Lúc đầu em đi em cũng thấy ngại với sợ lắm, sợ vì đi xa, không quen biết ai và không có gì để liên lạc, còn ngại thì em ngại người quen của ba mẹ nhìn thấy, rồi người ta nói mẹ em này kia nữa. Cũng vì thương mẹ nên em mới làm’ – cậu bé chia sẻ.
Hình ảnh hai anh em mưu sinh từng ngày khiến ai cũng xót xa
Thời gian đầu đi xin, Cường còn dắt theo một em gái 5 tuổi, nhưng hiện tại đã được gửi về An Giang sống với dì. Nhớ lại khoảng thời gian đó, Cường tâm sự, khi mẹ biết thì khóc nấc, đánh và cấm không cho đi nữa. Nhưng hạn tiền nhà gần đến, chi tiêu thiếu hụt, có mỗi chiếc điện thoại mua trả góp vẫn chưa xong cũng phải cầm đi khi bé Minh lên cơn sốt cao, phải chữa ở viện. Vậy là em thuyết phục mẹ, mãi thì mọi chuyện cũng được chấp nhận.
Đến hiện tại, dường như Cường đã dần quen với những ngại ngùng, những nỗi sợ vẫn còn nhưng không thể lấn át được lòng hiếu thảo của em. ‘Em thấy vui vì nhiều người biết đến mình, vậy là sẽ có nhiều người cho tiền em hơn, em đủ tiền nhanh hơn và có thể về nhà sớm với mẹ’ – em cười ngây ngô. Có lẽ, Cường chưa đủ lớn để biết được rằng thế giới ngoài kia, tương lai phía trước còn nhiều thứ hơn đang cản trở em.
Và khi được hỏi ếu được đi học lại em muốn tương lai mình sẽ làm nghề gì, Cường trả lời một câu chua chát, khiến người ta không khỏi xót xa: ‘Ước mơ của em là được đi học trở lại…Em chỉ muốn đi học lại thôi, còn chuyện tương lai làm gì thì em chưa biết, tại em còn nghèo quá nên em không dám nghĩ’.
Được biết, Cường học giỏi, từ hồi em lên Sài Gòn sống, thầy giáo ở quê hay nhờ dì em gọi lên bảo em về quê đi học lại, nhưng mà em không về, vì em không thể bỏ lại mẹ một mình.
Về phía mẹ của Cường và Minh, bản thân là một người mẹ mà dám để ba đứa con còn rất nhỏ dắt díu nhau ra những con phố đông đúc ở Sài Gòn xin ăn, giữa những dòng xe đông nghẹt đã nhận không biết bao phán xét của người đời, nhưng đã mấy ai biết về câu chuyện đằng sau.
"Có mấy đêm thằng Cường về trễ, tôi cứ ngồi khóc mà không ngủ được, sáng vẫn phải đi làm kiếm tiền, ở trong công ty mà đứng muốn không vững, mãi cho đến khi chị kế bên nhà trọ cho hay là bé về rồi thì mới yên tâm. Mình cũng thương con đứt ruột, nhưng mà vì hoàn cảnh của mình, mình phải cắn răng mà chấp nhận’ – mẹ Cường kể lại.
Giữa đất Sài Gòn hoa lệ vẫn còn những mảnh đời cơ cực đến thế. Hình ảnh người anh bồng trên tay đứa em nhỏ rong ruổi khắp các nẻo đường xin ăn, gương mặt và nụ cười của các em khiến bất cứ ai cũng phải nhói lòng, vì thương, vì xót…
Dù khó khăn là vậy hay nhiều hơn đi chăng nữa, niềm tin và tình thương của hai anh em dành cho mẹ có lẽ vẫn chảng thể nào thay đổi, gia đình vẫn luôn là tất cả. Hi vọng, những tháng năm sau này các em vẫn sẽ giữ cho mình một trái tim hồng ấm áp như vậy…