Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:12
RSS

Xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: 725 tỉ đồng bị chiếm đoạt thế nào?

Thứ ba, 15/12/2020, 15:12 (GMT+7)

Ngày 15/12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Các bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT), Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và 18 bị cáo đồng phạm bị đưa ra xét xử về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Theo cáo trạng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ sử dụng pháp nhân doanh nghiệp (do Hệ đứng sau thao túng, trong đó có Công ty Yên Khánh) mua đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ năng lực tài chính của 2 doanh nghiệp nhằm tạo sự tin tưởng, đủ điều kiện tham gia đấu giá. Hợp đồng bắt buộc Tổng Công ty Cửu Long (thuộc Bộ GTVT) bàn giao nguyên trạng thiết bị thu phí về Công ty Yên Khánh. Doanh nghiệp sẽ báo cáo Tổng Công ty Cửu Long về doanh thu thu phí, tình hình bảo quản cơ sở vật chất, tài sản.

Dù biết rõ quy định nhưng bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo cấp dưới cắt giảm, che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí bằng mọi thủ đoạn. Thực hiện chỉ đạo từ Đinh Ngọc Hệ, nhân viên tận dụng phương pháp thu phí "thủ công", không qua hệ thống phần mềm quản lý. Công ty Yên Khánh không đưa vào báo cáo doanh thu số tiền thu về từ cách làm trên.

Với động cơ cắt giảm doanh thu nhiều hơn trên phần mềm quản lý, những bị cáo dưới quyền Đinh Ngọc Hệ nâng cấp, can thiệp vào phần mềm thu phí mà trạm thu phí sử dụng. Các đối tượng thiết lập, cài đặt phần mềm sao chép, đè lượt xe có mệnh giá vé nhỏ cho lượt xe mệnh giá vé lớn từ làn khác sang nhằm thay đổi mệnh giá vé. Sau đó, các bị cáo xóa hết dữ liệu trên 10 máy chủ lưu trữ dữ liệu về tình hình thu phí thực tế. Theo kết quả xác minh, số tiền bỏ ngoài hệ thống sổ sách là khoảng hơn 725 tỉ đồng.

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập giám định viên để làm rõ thiệt hại vụ án Đồng thời, triệu tập những người liên quan để làm rõ một số vấn đề trong việc kê biên tài sản của bị cáo Hệ. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng, trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ triệu tập những cá nhân, tổ chức có liên quan nếu thấy cần thiết.

Theo NLĐ, bị cáo Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh) là người đầu tiên trả lời thẩm vấn của HĐXX. Bị cáo khai chỉ đứng tên cổ phần vốn góp, làm giám đốc công ty theo yêu cầu của cậu ruột, là bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Mọi hoạt động của công ty đều do Hệ điều hành. Bị cáo khẳng định không ký các hồ sơ được làm giả để Công ty Yên Khánh tham gia đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Bà Vũ Thị Hoan cũng phủ nhận việc hủy chứng cứ liên quan đến vụ án sau khi bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị bắt.

Xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: 725 tỉ đồng bị chiếm đoạt thế nào?
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VTC

Theo PLO, tại tòa, bị cáo Diệt khai mình làm mọi việc theo sự chỉ đạo của bị cáo Hệ nhưng không được Hệ giao quyền điều hành Công ty Yên Khánh. Diệt khai công ty Yên Khánh là do bị cáo Vũ Thị Hoan đứng tên trên giấy tờ và các chứng từ quan trọng cũng do Hoan ký. 

Bên cạnh đó, Diệt thừa nhận mình là người trực tiếp tham gia đấu giá và tham gia ký hợp đồng nhưng mọi việc đã được Hệ sắp đặt sẵn. Sau khi Công ty Yên Khánh trúng đấu giá và tiến hành khai thác quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, Diệt tham gia cuộc họp để cắt giảm, che giấu doanh thu của trạm thu phí. 

Diệt phê duyệt phương thức nộp tiền thu phí theo số liệu can thiệp và doanh thu thực tế. Cơ quan điều tra xác định với hành vi cắt giảm doanh thu thực tế thì Hệ đã chiếm đoạt 725 tỉ đồng. Về số tiền chiếm đoạt, Diệt khai mình không được hưởng lợi mà chỉ nhận lượng hàng tháng với mức lương từ 40-50 triệu đồng tùy vào thời điểm. Một số nhân viên Công ty Yên Khánh thừa nhận hành vi phạm tội nhưng không thừa nhận tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo này cho rằng mình không có hành vi gian dối, không bàn bạc với Hệ và không được hưởng lợi. Về việc cài đặt phần mềm nhằm làm giảm doanh thu thực tế thì các bị cáo này khai thấy việc cài đặt phần mềm là sai trái nhưng chỉ làm công ăn lương nên không ý kiến.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Kim Huệ (nguyên kế toán Công ty Yên Khánh) khai không biết Đinh Ngọc Hệ mới là chủ thực sự tại Công ty Yên Khánh. Từ khi làm việc, bị cáo không nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Hệ mà chỉ làm theo phân công từ lãnh đạo trực tiếp ở công ty.

Ban đầu, bị cáo này không biết gì về số liệu thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương cũng như phần mềm cài đặt trong máy tính nhằm che giấu sai phạm trong quá trình thu phí. Sau một thời gian, bị cáo mới biết về phần mềm công nghệ nói trên. Tuy nhiên, bị cáo Huệ thừa nhận: "Bị cáo biết Công ty Yên Khánh có hai hệ thống sổ sách – sổ sách lưu giữ số liệu thực tế và sổ sách lưu giữ số liệu trên máy tính".

Bị cáo Ngô Bá Thắng (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh chi nhánh Long An) trình bày bị cáo nhận nhiệm vụ điều hành nhân sự ở chi nhánh, trong đó có các trạm thu phí. Bị cáo Thắng chưa bao giờ nhận chỉ đạo từ bị cáo Hoan. Bị cáo biết việc cài đặt phần mềm vào máy tính do những bị cáo thực hiện là sai trái nhưng bị cáo không có ý kiến. Bởi vì, bị cáo nghĩ bản thân là người làm công ăn lương.

Riêng bị cáo Tô Phước Hùng (kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) khai mình không nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Hệ mà từ những lãnh đạo trong công ty,  theo dõi ngân hàng, nhận chứng từ liên quan kế toán, không biết về số liệu thu phí, không biết về phần mềm. Sau một thời gian làm việc, bị cáo mới biết, không được cho biết trước đó.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN