Thứ ba, 23/04/2024 | 01:21
RSS

Xử lý nữ Trưởng phòng chưa tốt nghiệp cấp 3 ở Tỉnh ủy Đắk Lắk thế nào?

Thứ bảy, 05/10/2019, 07:50 (GMT+7)

Vụ việc bà Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk), sử dụng bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến hiện đang gây xôn xao dư luận.

Trưa 4/10, tại buổi làm việc với báo chí, ông Nguyễn Thượng Hải xác nhận, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (Trưởng phòng Quản trị thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk; có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo SN 1975) đã dùng bằng cấp 3 của chị gái mình để công tác. Nữ trưởng phòng được xác định sử dụng bằng cấp 3 của chị gái để làm việc và sau đó thăng tiến "thần tốc".

Cũng theo ông Hải, hiện bà Thảo đã nộp đơn xin nghỉ việc và thừa nhận "Do điều kiện khó khăn, tuổi đời còn trẻ nên nhận thức chưa đầy đủ. Việc dùng bằng cấp của chị chỉ nhằm mục đích kiếm một công việc để sinh sống chứ hoàn toàn không có một mục đích nào khác".

Trong đơn, bà Thảo cũng nhận thấy việc làm của mình là hoàn toàn sai trái và sẽ chấp nhận mọi hình thức kỷ luật.

Tuy nhiên, ông Hải cho biết hiện Tỉnh ủy chưa chấp nhận cho bà Thảo thôi việc, do việc xử lý sai phạm của bà Thảo phải được thực hiện theo đúng quy định và phải chờ kết quả xử lý sai phạm của bà Thảo được hoàn tất.

Cũng theo ông Hải, Văn phòng Tỉnh ủy đang rà soát lại toàn bộ quá trình. Tất cả các cá nhân, tập thể liên quan đến sai sót này đều sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm. 

Xử lý nữ Trưởng phòng chưa tốt nghiệp cấp 3 ở Tỉnh ủy Đắk Lắk thế nào?
Chân dung bà Thảo. Ảnh: Dân Trí

"Đối với sai phạm của bà Thảo, có thể sẽ xử lý kỷ luật ở mức cao nhất. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che"- ông Hải nhấn mạnh với Dân Trí.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại Điều 16 Nghị định 138/2013, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa sẽ bị phạt tiền 2-8 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, ở đây là bằng giả đã sử dụng. Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích nếu bằng bà Thảo sử dụng là bằng giả thì người này sẽ có thể bị truy tố hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên ở trường hợp này, bằng là thật nên theo luật định chưa có chế tài xử lý hình sự. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như trên.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN