Nhắc đến bão số 5 vừa càn quét qua địa phận tỉnh Bình Định, nhiều người dân ở xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn) sau khi “chạy” bão quay về không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng loạt nhà cửa, bờ kè ven biển bị sóng đánh đổ sập.
“Lúc đấy, người dân ở đây được sơ tán đi để tránh bão, trời tối và cúp điện nữa. Khi quay về nhà, con rể của tôi ra xem thì thấy sóng đánh sập hết rồi. Đồ đạc trong nhà bị vùi lấp, sóng đánh to quá, cũng hơn 20 năm rồi mới thấy cảnh này”, bà Ngô Thị Liên (64 tuổi, có nhà bị sóng đánh sập) kể lại.
Trước tình huống cấp bách, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở kè biển xã Nhơn Hải.
Nội dung tình huống khẩn cấp là dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Nhơn Hải với chiều dài 900m. Lý do quyết định tình huống khẩn cấp là vì bão số 5 ngày 30/10 làm sạt lở hoàn toàn 100m kè, có nguy cơ gây hư hỏng thêm 1,1km kè khác và đe dọa cuộc sống của 111 hộ dân dọc kè.
Tỉnh Bình Định đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ sạt lở kè biển Nhơn Hải là đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và hạ tầng trong thời gian ngắn.
Kè biển Nhơn Hải bị sóng đánh tan nát, đe dọa cuộc sống của 111 hộ dân ven biển.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định giao chính quyền TP.Quy Nhơn khẩn trương tổ chức khắc phục tạm, không để hư hỏng thêm kè biển Nhơn Hải cho đến khi Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tổ chức triển khai đầu tư xây dựng. TP.Quy Nhơn đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Lực lượng chức năng, người dân được huy động cứu kè Nhơn Hải.
Tỉnh giao Ban quản lý dự án NN&PTNT Bình Định làm chủ đầu tư, tổ chức thực hiện dự án theo tình huống khẩn cấp, nguồn vốn thực hiện dự án này từ ngân sách nhà nước.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, trước mắt tỉnh Bình Định lên phương án di dời khẩn cấp người dân ở khu vực nguy hiểm thuộc thôn Hải Đông, xã bán đảo Nhơn Hải đến nơi ở mới an toàn.
Sau bão số 5, lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn tích cực chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các cấp khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai. Bởi, tổng thiệt hại ban đầu của tỉnh Bình Định ước tính lên đến 350 tỷ đồng.
Bão số 5 đổ bộ đã khiến 144 nhà dân bị sập, 1.120 nhà hư hỏng…, tổng thiệt hại ban đầu của tỉnh Bình Định ước tính 350 tỷ đồng.
Chưa hết bàng hoàng, bà Trương Thị Gái (53 tuổi, ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), bần thần nói: “Hai vợ chồng chỉ có một đứa con gái nhưng chẳng may bị mù. Ngôi nhà là tài sản lớn nhất nhưng đã bị bão giật đổ, không biết lấy đâu ra tiền xây lại nhà để ở. Vợ chồng tôi đang dựng lều tạm, con gái thì gửi ở nhà ông bà nội. Giờ nhà sập, chưa biết cuộc sống phía trước sẽ như thế nào”.
Theo ông Châu Văn Nhân (chồng bà Gái), ngôi nhà này ông xây dựng khoảng 15 năm về trước khá kiên cố. Tuy nhiên, nhà gần sông thường bị bão lũ nên nhanh xuống cấp, đến khi gặp bão lớn thì ngôi nhà đã không trụ nổi.
“Chưa lần nào bão mạnh mà quần thảo lâu trong đất liền như lần này. Bão lớn kèm gió nồm giật rất mạnh khiến ngôi nhà đổ sập, tài sản hư hỏng và bị cuốn trôi”, ông Nhân đau xót.
Nhà dân "vụn nát"... sau trận bão dữ.
Cách nhà ông Nhân không xa, được xây dựng từ năm 1964 sau vài lần nâng cấp nhưng căn nhà của gia đình ông Huỳnh Thanh Thi (55 tuổi, thôn Bình Thái) cũng không thể đứng vững trước bão dữ.
“Tôi cũng chủ quan, cứ nghĩ bão vào bình thường nên không chuyển lên nhà con trai. Tối tôi vẫn ở lại nhà, nhưng đến đêm gió rít mạnh thì mới chuyển lên nhà con trai. Chuyển lên ít phút thì gió mạnh giật đổ sập ngôi nhà, may chứ không hôm đó chết rồi”, ông Thi nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trực tiếp thị sát, thăm hỏi người dân có nhà bị hư hỏng do bão.
Ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết, bão số 5 gây thiệt hại rất lớn khi có đến 25 nhà bị sập, 11 nhà tốc mái… và hàng loạt công trình hư hỏng.
“Ngay khi bão tan, xã đã hỗ trợ nóng cho các gia đình có nhà bị sập 1 thùng mì tôm và 1 lốc nước suối, còn sau này các nhà sập, hư hỏng sẽ theo chế độ chính sách của UBND tỉnh”, ông Khoa nói.
Đau xót ... khi nhà dân ở Bình Định chỉ còn là đống đổ nát sau bão.
Trực tiếp đi thăm hỏi các hộ dân gặp nạn trong bão, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ dân có nhà sập, nhà bị hư hỏng, trích ngân sách hỗ trợ cho người dân xây dựng nhà ở.
"Không bỏ rơi người dân trong lúc khó khăn, cam go này, chính quyền phải sát cánh cùng người dân vượt qua tổn thất do bão gây ra. Mặt khác, chủ động triển khai các biện pháp đề phòng hoàn lưu của bão gây mưa, xảy ra lũ lớn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân", ông Dũng yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu khẩn trương giúp dân xây dựng chỗ ở mới, chính quyền phải sát cánh cùng người dân lúc cam go.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, từ ngày 2/11, hai đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH tỉnh này đã có chuyến khảo sát ban đầu tại 2 địa phương là “điểm nóng” về thiệt hại nhà ở do ảnh hưởng cơn bão số 5 là huyện Tuy Phước và TP.Quy Nhơn. Sắp tới, UBND tỉnh Bình Định sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp để giúp người dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định về chỗ ở.