Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:55
RSS

Xăng tăng giá mạnh, người dân Pháp bất bình kêu gọi biểu tình

Chủ nhật, 04/11/2018, 16:07 (GMT+7)

Do giá xăng tăng cao, người dân đã kêu gọi phong tỏa đường sá trên toàn quốc ngày 17/11 tới, để phản đối chính phủ.

Khí đốt, xăng tăng giá, dân Pháp kêu gọi biểu tình lớn
Giá nhiên liệu tăng cao đã gây ra sự tức giận ở một bộ phận dân Pháp trong những tuần gần đây

Theo TTXVN, báo Les Echos đưa tin giá khí đốt tại Pháp tăng vọt lên mức chưa từng thấy trong suốt nhiều năm qua, với mức tăng 5,4% kể từ ngày 1/11. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt đã tăng 16,4%. Điều này đã gây ảnh hưởng mạnh đối với các hộ gia đình có hệ thống sưởi ấm bằng khí đốt, chiếm khoảng 42% số hộ dân tại Pháp. 

Ủy ban Điều tiết Năng lượng (CRE) của Pháp giải thích giá tăng vì giá dầu mỏ thế giới tăng, chi phí liên quan đến thuế quan, vận chuyển và phân phối cũng tăng. Giá một thùng dầu hiện giờ là 80 đôla, so với 50 đôla hồi đầu năm, và 30 đôla năm 2016.

Không chỉ khí đốt, Giá xăng dầu tại Pháp cũng đang ở mức rất cao khiến nhiều người bất bình. Báo Petrotimes dẫn thông tin từ AFP cho hay, ngày 30/10, 550.000 người đã ký tên vào một chỉ trích trên mạng. Một số lời kêu gọi phong tỏa đường xá trên toàn quốc ngày 17/11 tới, để phản đối chính phủ để giá nhiên liệu tăng cao.

Việc giá xăng dầu tăng gây phản ứng mạnh tại các vùng nông thôn, nơi thu nhập thường thấp và xe ô tô gần như là phương tiện duy nhất. Thị trưởng một địa bàn nhỏ tỉnh Ille-et-Vilaine ước tính mức độ tăng giá hiện nay khiến nhiều người phải trả thêm tổng cộng đến hơn 1.000 euro/năm. 

Cuộc khủng hoảng tăng giá đang dần dần mang tầm vóc chính trị. Đảng Cộng Sản Pháp lên án các tập đoàn xe hơi. Cựu Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal cũng chỉ trích chính sách tài chính thô bạo của chính phủ. Nhiều lãnh đạo đảng cánh hữu LR đòi ngừng tăng thuế, trong lúc lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen ủng hộ kêu gọi xuống đường.

La Croix dự đoán thuế đánh vào xăng dầu, nhất là thuế carbon sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự kiến chính phủ sẽ tăng thuế carbon lên mức 86 euro/tấn, vào cuối nhiệm kỳ, tức gần gấp hai lần so với hiện nay. Thuế carbon, được đưa ra nhằm kìm hãm việc sử dụng năng lượng hóa thạch, mang lại cho ngân sách 11 tỷ euro trong năm 2017, và dự kiến là 19 tỷ euro vào năm 2019. 

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN