Thứ năm, 12/09/2024 | 08:11
RSS

Xã 'trường thọ' ở vùng đồng bằng chiêm trũng

Thứ sáu, 24/01/2020, 10:51 (GMT+7)

Xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, không chỉ nổi danh với làng ươm tơ Từ Đài nức tiếng mà còn được biết đến là “xã trường thọ” nhất vùng đồng bằng chiêm trũng Hà Nam với hơn 600 cụ già trên 80 tuổi.

Xã có hơn 600 cụ già trên 80 tuổi

Xã Chuyên Ngoại nằm dọc theo đê sông Hồng, được sông Hồng ban tặng những dải phù sa màu mỡ. Nơi đây được nhiều người biết đến với nghề ươm tơ tằm Từ Đài lâu đời. Nơi đây cũng chính là vựa cung cấp tơ tằm cho làng dệt lụa nổi tiếng Nha Xá.

Từ nhiều năm nay, xã Chuyên Ngoại còn được mệnh danh là xã “trường thọ” ở Hà Nam. Ở Chuyên Ngoại, nhiều cụ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh…

Xã 'trường thọ' ở vùng đồng bằng chiêm trũng
Đến Chuyên Ngoại, không khó để gặp hình ảnh những cụ già ở cái tuổi "xưa nay hiếm" vẫn đi bộ tập thể dục hàng ngày.

Nhiều người còn đùa rằng ở khắp mọi miền của Tổ quốc, chắc hiếm nơi nào được nhận lụa do Chủ tịch Nước trao tặng cho người thọ hơn 100 tuổi như ở nơi Chuyên Ngoại.

Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại cho biết, toàn xã Chuyên Ngoại có gần 9.000 nhân khẩu thì tổng số hội viên Hội Người cao tuổi là 1.644 người, các cụ tuổi từ 80 - 100 tuổi có 559 cụ, tròn 100 tuổi có 9 cụ, trên 100 tuổi trong toàn xã có 4 cụ.

Đến thăm nhà cụ Nguyễn Văn Thuần và cụ Nguyễn Thị Nghệ ở thôn Yên Mỹ xã Chuyên Ngoại, 2 cụ đều đã 100 tuổi. Cụ Thuần vẫn khoẻ mạnh, hàng ngày vẫn đi bộ thể dục, còn cụ bà thì vẫn đọc kinh vanh vách.

Cụ Thuần cho biết, ở làng này nhiều cụ thọ 100 tuổi, thậm chí hơn 100 tuổi nhưng cơ bản chỉ còn mỗi cụ bà. Chỉ duy nhất gia đình cụ hiện tại còn cả cụ bà và cụ ông.

Xã 'trường thọ' ở vùng đồng bằng chiêm trũng
Hai vợ chồng cụ Nguyễn Văn Thuần và cụ Nguyễn Thị Nghệ đều đã 100 tuổi những vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh.

Trước đây, ngày nào hai cụ cũng đi tập thể dục bằng cách đi bộ 2-3km. Thế nhưng một hai năm nay sức khỏe cụ bà Nghệ yếu nên cụ chỉ quanh quẩn ở nhà. Dù cao tuổi nhưng ở xã có bất cứ công việc hiếu hỷ gì cụ Thuần đều có mặt giúp đỡ và không cần nhờ con cháu chở đến tận nơi mà cụ tự đi bộ.

Do hai cụ có một người con trai đã mất sớm, nên hiện hai cụ sống với người cháu ruột là ông Nguyễn Xuân Đô (70 tuổi). Ông Đô cho biết, gia đình ông có 6 người con, 15 cháu nội, cháu ngoại.

Bà Nguyễn Thị Mái (70 tuổi), cháu cụ Thuần chia sẻ: “Ăn uống của vợ chồng cô chú Thuần cũng rất đơn giản, sáng ăn nhẹ, còn bữa trưa và tối cô chú cũng chỉ ăn 1 lưng cơm. Thời gian gần đây sức khỏe cô Nghệ yếu hơn nên con cháu bê cơm vào trong nhà, còn chú vẫn ăn uống sinh hoạt cùng con cháu. Hiện tại nhà tôi 3,4 thế hệ vẫn giữ nếp ăn uống chung và quây quần bên nhau vui vẻ, hoà thuận”.

Xã 'trường thọ' ở vùng đồng bằng chiêm trũng
Đại gia đình nhà cụ Thuần.

 “Dù là cháu nhưng tôi thương cô chú như bố mẹ đẻ của mình vậy. Ở tuổi 70 lên chức bà và sắp có chắt nhưng vẫn chỉ là con cháu trong lòng các cụ thôi. Nói gì mà sai ý là các cụ mắng luôn”, bà Mái cười nói.

Bí quyết sống lâu ở làng trường thọ

Chia sẻ về kinh nghiệm sống thọ, không bệnh tật, cụ Thuần cho biết, cụ sống khoa học, không rượu bia hay thuốc lá gì, hàng ngày có tập thể dục và luôn giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể. Hơn nữa con cháu đều có công việc ổn định, nghe lời ông bà và sống hoà thuận cũng khiến tinh thần vợ chồng cụ thảnh thơi lúc về già.

Xã 'trường thọ' ở vùng đồng bằng chiêm trũng
Chia sẻ về kinh nghiệm sống thọ, không bệnh tật, cụ Thuần cho biết, cụ sống khoa học, không rượu bia hay thuốc lá gì, hàng ngày có tập thể dục và luôn giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể...

Năm nay đã 105 tuổi nhưng cụ bà Đào Thị Thuận vẫn còn khoẻ mạnh. Chồng cụ và con trai đều đã mất, các cháu thì đi làm xa, nên cụ ở một mình trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại.

Cụ Thuận kể, cứ cơm nước chiều xong là cụ lại sang nhà bà Lương Thị Nghi (gần 90 tuổi, ở cùng thôn) nói chuyện cho đỡ buồn. Bà Nghi cũng đã lớn tuổi, loanh quanh mấy cụ già chơi với nhau, ngày nào cũng đi sang nhà nhau. Ở một mình nên việc ăn uống, sinh hoạt cụ đều tự lo được hết.

“Con cá dưới sông, con gà trong vườn, cứ chăm rồi con cháu, hàng xóm họ bắt về giúp cho. Lúa thì giờ không ra cấy gặt được nữa, tôi thuê người. Rau thì vẫn tự trồng, có sẵn trong vườn”, cụ Thuận giải thích và cho biết, gắn bó với công việc, vườn tược, cụ đã quen với sương gió, hiếm khi có bệnh tật.

Xã 'trường thọ' ở vùng đồng bằng chiêm trũng
Bà Nguyễn Thị Chiến (68 tuổi), Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi thôn Yên Mỹ cho biết, trong thôn có 163 cụ từ 60 đến hơn 100 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Chiến (68 tuổi), Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi thôn Yên Mỹ cho biết, trong thôn có 163 cụ từ 60 đến hơn 100 tuổi. Các cụ đều có cuộc sống vô tư không giận giữ ai. Đó cũng là bí quyết giúp các cụ trường thọ.

Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại cho biết, đã nhiều năm nay, Chuyên Ngoại vẫn thường được nhiều người nhắc đến là xã trường thọ, bởi ở đây có nhiều cụ sống thọ hơn 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, dẻo dai. "Bí quyết thì tôi chả thấy gì, các cụ ăn uống cũng rất giản dị, hầu hết là tự cung tự cấp. Chỉ có điều, các cụ hay tập thể dục, có thể cũng có yếu tố gen di truyền giúp người dân nơi đây có tuổi thọ cao hơn mức bình quân chung", ông Sơn nói.

Nếu ai đó đến Chuyên Ngoại một lần không quá khó để thấy cảnh các cụ già đi bộ hàng cây số quanh sườn đê sông Hồng vào mỗi buổi sáng sớm tinh mơ hay buổi chiều tà. Nhiều người đến với Chuyên Ngoại thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn, nhưng lại có nhiều cặp vợ chồng sống với nhau đến “bách niên giai lão”, thì đều nhận xét rằng nơi đây quả là một vùng đất đáng sống.

 

Đức Văn
Dân Trí