Trường mầm non ở Hà Nội cho học sinh hơn 1 tuổi ăn mì tôm khiến các phụ huynh bất an
Mới đây, phụ huynh bức xúc phản ánh một trường mầm non ở Hà Nội cho học sinh hơn 1 tuổi ăn mì tôm. Ngoài 2 bữa ăn bằng mì tôm trong tuần, các con phải ăn vài bữa ăn cháo loãng và liên tục ăn món trứng tráng. Phụ huynh bức xúc vì số tiền ăn hàng ngày phải đóng là không nhỏ, nhưng con ăn thiếu dinh dưỡng.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, bà Trịnh Đan Ly, Trưởng Phòng GDĐT quận Đống Đa, Hà Nội xác nhận: "Vụ việc trên xảy ra tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập Zingzing, tại địa chỉ số 12 ngõ 4 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Hiện cơ sở giáo dục mầm non độc lập này đã bị đình chỉ hoạt động".
Trẻ mầm non đi học nhưng thường xuyên ăn mì tôm, cháo loãng, trứng tráng. Ảnh: CMH
Thời gian qua, nhiều vụ liên quan đến suất ăn bán trú của học sinh khiến phụ huynh bày tỏ lo lắng, sốt ruột với suất ăn bán trú của con hàng ngày ở trường.
Nói về suất ăn ở trường của con, chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh có 2 con học lớp 4 và lớp 5 tuổi ở Hà Nội cho hay: "Chỉ biết tặc lưỡi không để ý chứ cũng không có cách nào khác. Chỉ cần con không đói và không bị ngộ độc vì thực phẩm không đảm bảo chứ tôi cũng không mong con ăn đầy đủ chất".
Trường mầm non ở Hà Nội cho học sinh hơn 1 tuổi ăn mì tôm: Không đảm bảo chế độ dinh dưỡng
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Chu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Trẻ em ở giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển của trẻ. Vì thế người lớn và nhà giáo dục cần tạo điều kiện tốt nhất để cho trẻ phát triển toàn diện. Phát triển thể chất là một trong những phát triển quan trọng của giáo dục mầm non. Việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý đủ năng lượng là vô cùng cần thiết với trẻ ở giai đoạn này.
Theo chương trình giáo dục mầm non đã quy định rất rõ, tổng năng lượng nhà trường cần cung cấp cho trẻ một ngày là bao nhiêu calo, cần cân đối giữa các chất P (protein), L (lipit), G (gluxit) như thế nào...
Việc ăn mì tôm hay cháo loãng sẽ không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, mặt khác trong mì tôm còn có nhiều chất không tốt cho sức khỏe của các em.
Trẻ ăn uống thiếu chất, kéo dài trong một khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu chất và từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng. Điều này cản trở đến sự phát triển thể chất của trẻ".
Cũng theo TS Nhung, hiện nay các nhà trường đều đã áp dụng phần mềm tính dinh dưỡng. Có nghĩa phần mềm tính rất chi tiết tổng lượng thức ăn trong ngày của trẻ, sự cân đối giữa ba nhóm chất, nhóm vitamin và muối khoáng. Do đó, không thể chấp nhận sự tồn tại của một cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ ăn mì tôm, cháo loãng, trứng nhiều lần như vậy".
TS Nhung tư vấn, đối với các gia đình khi chọn trường cho con cần tìm hiểu các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện trông giữ trẻ hay không, đội ngũ giáo viên có đảm bảo chất lượng hay không... Bố mẹ không nên gửi trẻ ở những nhóm trẻ không được cấp phép.
Cần phối hợp đồng bộ, trách nhiệm từ nhiều phía
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập là cần thiết và cần được khuyến khích, tạo điều kiện để hỗ trợ hệ thống mầm non công lập, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.
Tuy nhiên, cùng với đó phải đảm bảo việc thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục, các cơ sở phải đảm bảo điều kiện hoạt động về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình... Đặc biệt, cần mạnh tay xử lý các cơ sở hoạt động không phép để người dân yên tâm gửi gắm con.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng nhấn mạnh, các địa phương cần chỉ đạo quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư nhằm đảm bảo đủ trường lớp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Để đảm bảo an toàn, chất lượng cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non, cần có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm từ nhiều phía với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải chờ đến khi có sự việc đau lòng xảy ra mới lại rốt ráo triển khai.
Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá, hệ thống văn bản pháp luật để quản lý việc tổ chức, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non nói chung, cơ sở mầm non ngoài công lập nói riêng đã được ban hành khá toàn diện.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành tại các địa phương, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự thường xuyên, chặt chẽ nên để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục thời gian qua. Do đó cần nhìn nhận lại việc xử lý vi phạm, phải thật sự nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe.