Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:15
RSS

Vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió: Nguyên nhân do đâu?

Thứ hai, 15/04/2024, 16:34 (GMT+7)

Cơ quan chuyên môn và chuyên gia đã đánh giá nguyên nhân ban đầu khiến hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa) bị sạt lở trong những ngày vừa qua.

Sự kiện:
Khánh Hòa

Vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió Nguyên nhân do đâu

Hầm Bãi Gió bị sạt lở trong những ngày vừa qua. Ảnh: Báo Người lao động

Liên quan đến sự cố sạt lở hầm Bãi Gió (thuộc đoạn đường sắt Bắc - Nam đi qua đèo Cả, giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), trao đổi với PV Báo Người lao động ngày 15/4, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ giao thông vận tải) cho biết, trong 2 ngày vừa qua đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải và các chuyên gia đã đến hiện trường hầm Bãi Gió để đánh giá nguyên nhân sạt lở và tìm kiếm phương án khắc phục sự cố.

Theo vị lãnh đạo này, nguyên nhân sạt lở ban đầu được cơ quan chuyên môn và chuyên gia đánh giá đưa ra là do hầm Bãi Gió đã hoạt động nhiều năm, địa chất phức tạp, đá phong hóa lâu năm nên đất đá không còn kết dính. Khi đơn vị thi công bóc từng phần kết cấu vỏ hầm thì xảy ra sạt lở. Hầm Bãi Gió có khối lượng đất đá sạt lở lớn nhất, còn 8 hầm yếu được cải tạo trên tuyến đều có hiện tượng đất đá sạt lở mức độ nhẹ và hót dọn ngay trong ngày. Các bước khảo sát, khoan thăm dò và thiết kế kỹ thuật đều đưa ra dự báo tình hình địa chất, phong hóa của đá.

Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cũng thông tin thêm, các đơn vị thi công bắt đầu khoan từ trên núi để đổ bê tông vào nóc hầm từ ngày 14/4. Khi bêtông đông kết, công nhân sẽ vào trong hầm thu dọn đất đá, vận chuyển ra ngoài. Hầm cũng được gia cố bên trong bằng neo và phun bêtông. Nhưng các thiết bị thi công lớn không thể tiếp cận hiện trường vì địa hình, mặt bằng thi công khó khăn nên. Điều này khiến cho thời gian xử lý sự cố kéo dài.

Vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió Nguyên nhân do đâu?

Công nhân được huy động khắc phục sự cố sạt lở hầm Bãi Gió. Ảnh:  Báo pháp luật TP HCM

Trả lời về sự cố này với PV Báo Nhân dân, ông Lê Châu Thắng - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả cho biết, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu của hiện tượng sạt lở hầm Bãi Gió là lớp kết cấu, địa chất ở hầm bị tác động nên đất đá sạt lở và để lại khoảng trống lớn. Do trần hầm yếu nên một số điểm phải chờ các kỹ sư chuyên ngành, có kinh nghiệm khảo sát, lập phương án sửa chữa sửa chữa mới thi công.

Hiện tại, hơn 200 công nhân cùng máy móc do Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh huy động đang nỗ lực giải phóng lượng đất đá bên trong hầm Bãi Gió. Hai đoàn tàu công trình được các đơn vị ngành đường sắt huy động vào hiện trường để dọn dẹp đất đá sạt lở và phun bêtông gia cố tạm vỏ hầm.

Hầm Bãi Gió (thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) được Pháp xây dựng năm 1930 với chiều dài khoảng 900 m, đến năm 1936 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vỏ hầm làm bằng bêtông cao 5m, rộng 4m và dài hơn 400m.

Hầm đã qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa. Hiện công trình hầm Bãi Gió đang được gia cố, cải tạo thuộc gói thầu số 11A, dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải.

Trong 3 ngày vừa qua, hầm Bãi Gió hứng chịu 3 đợt sạt lở. Đợt đầu tiên là vào chiều 12/4, khoảng 150 m3 đất đá rơi xuống vị trí cách cửa hầm phía bắc khoảng 85 m và kéo dài chừng 20 m. Đợt thứ hai là vào khoảng 4h15’ ngày 13/4, hầm tiếp tục sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 50 m3, được công nhân thu dọn cơ bản. Đợt thứ ba vào vào khoảng 17h45 ngày 13/4 đất, đá sạt kín vị trí vừa thu dọn trước đó. Đáng chú ý, các đơn vị chức năng phát hiện thêm một lỗ rộng khoảng 40cm phía trên đỉnh hầm.

Các đoàn tàu khách Bắc Nam hiện tại vẫn khởi hành hàng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, sau đó hành khách sẽ được chuyển tải bằng đường bộ khi đến khu vực gặp sự cố. Đến hết 14/4, hơn 10.122 hành khách trên 36 đoàn tàu đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trung chuyển.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại