Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:04
RSS

Thăng quân hàm cho 3 cán bộ CSGT hy sinh trong vụ sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc

Thứ hai, 31/07/2023, 11:55 (GMT+7)

Bộ Công an đã có quyết định truy thăng quân hàm 3 cán bộ CSGT Trạm Madaguoi hy sinh trong vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Sự kiện:
Lâm Đồng

Liên quan đến vụ sạt lở đất vùi lấp 3 chiến sĩ CSGT và 1 người dân trên đèo  Bảo Lộc (Lâm Đồng), thông tin trên Báo Người lao động sáng 31/7 cho biết, theo Công an TP Bảo Lộc, Bộ Công an đã có quyết định truy thăng quân hàm 3 cán bộ CSGT Trạm Madaguoi hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Theo đó, Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi) được thăng quân hàm lên Trung tá; Thượng úy Lê Quang Thành (46 tuổi) được thăng quân hàm lên Đại úy; Thượng úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) được thăng quân hàm lên Đại úy.

Thăng quân hàm cho 3 cán bộ CSGT hy sinh trong vụ sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc

Đại diện Cục CSGT viếng Đại úy Lê Ánh Sáng. Ảnh: Báo Người lao động

Trong sáng 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra công điện "Khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh".

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã ký ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Công điện gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương.

Cụ thể, công điện nêu rõ, trong những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân; đặc biệt ngày 30/7, trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 chiến sĩ CSGT và 1 người dân bị vùi lấp. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.

Hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: Báo Người lao động

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới. Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công điện về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt thiên tai, mưa lớn vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang.

Riêng Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát bị nạn theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở; kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục xử lý hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: Báo An ninh thủ đô

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, nhất là UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và tuyến quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất, cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết thiên tai, nguy cơ sạt lở để phục vụ công tác ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập thuỷ lợi, thuỷ điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao.

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an theo dõi sát tình hình thiên tai, sự cố được yêu cầu chủ động chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Trước đó, vào khoảng 14h30’ chiều 30/7, tại khu vực đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng đã xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng sau nhiều ngày mưa lớn. Sạt lở đất khiến 3 chiến sĩ CSGT của Trạm CSGT Mađaguôi (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đóng trên địa bàn huyện Đạ Huoai) gồm thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (SN 1981), thượng uý Lê Ánh Sáng (SN 1990), thượng uý Lê Quang Thành (SN 1977) và một người dân bị vùi lấp. Thi thể của 4 nạn nhân đã được lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng tìm thấy và đưa ra khỏi hiện trường sạt lở đất.

Đến sáng 31/7, ước tính đã có trên 70% khối lượng đất đá của vụ sạt lở đã được giải phóng khỏi hiện trường sạt lở. Hiện tại công tác khắc phục vụ sạt lở đất nghiêm trọng này vẫn đang được các lực lượng tích cực triển khai.

 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại