2 trong số những giấy khai sinh trắng thông tin có dấu đỏ và chữ ký tươi của người đứng đầu UBND xã Sơn Thủy
Liên quan đến vụ việc lãnh đạo xã ký khống, đóng dấu vào giấy khai sinh ở xã Sơn Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ) đã được Đời sống Plus phản ánh, trao đổi với PV, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp đã có những chia sẻ về vụ việc dưới góc nhìn pháp lý.
Theo Luật sư Cường, việc cấp giấy khai sinh theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật hộ tịch 2014
Theo đó, người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.
Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Cũng theo Luật sư Cường cho biết, việc cấp giấy khai sinh trắng thông tin nhưng được ký và đóng dấu là vi phạm các quy định của pháp luật và có thể tạo điều kiện cho người khác có giấy khai sinh trong khi không thực hiện việc khai sinh cho con đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, việc tự ý ghi các thông tin, nội dung khai sinh sai lệch có thể được sử dụng vào các mục đích xấu như: Lợi dụng để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Lợi dụng để hưởng các chế độ ưu đãi đối với đối tượng là trẻ em bởi hiện nay có nhiều dịch vụ áp dụng ưu đãi giảm giá hoặc miễn phí đối với trẻ em có độ tuổi nhất định (ví dụ đi máy bay, tham gia trò chơi tại công viên, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim .).
Và lợi dụng giấy khai sinh có thông tin giả mạo nhằm trục lợi như hưởng thừa kế... và các mục đích thương mại khác,...
Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết hành vi cấp giấy khai sinh trắng thông tin nhưng được ký và đóng dấu là vi phạm các quy định của pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng
Luật sư Cường phân tích, hành vi cấp giấy khai sinh trắng thông tin nhưng được ký và đóng dấu là vi phạm các quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
“Theo quy định pháp luật thì sau khi nhận và kiểm tra các giấy tờ theo quy định, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, trình Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh. Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
Điều 12 Luật hộ tịch 2014 thì pháp luật về hộ tịch nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hành vi sau đây: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ tịch; Lợi dụng việc đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi hoặc trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào.
Trường hợp việc ký và đóng dấu vào giấy khai sinh không có thông tin với mục đích làm sai lệch hoạt động đăng ký hộ tịch hoặc nhằm trục lợi thì là hành vi vi phạm pháp luật.
Cá nhân thực hiện hành vi quy định pháp luật về hộ tịch thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật về hộ tịch thì ngoài bị xử lý như trên còn bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức”, Luật sư Cường cho biết.
Xem thêm:
Người dân, tài xế mắc màn, căng băng rôn phản đối BOT Tân Đệ