Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:11
RSS

Vụ CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền: Người tố cáo phản bác ý kiến lãnh đạo Công an TP.HCM

Thứ năm, 11/06/2020, 13:51 (GMT+7)

Anh Thái Đăng Phú (tạm trú TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - người có đơn tố cáo một cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) - đội Tân Sơn Nhất, đòi tiền 6,2 triệu đồng - khẳng định nhớ rõ mặt CSGT đòi tiền, chứ không phải như lãnh đạo Công an TP.HCM công bố: “Phú không nhớ mặt CSGT”.

Sau hơn một tuần liên lạc, tối 10/6, anh Thái Đăng Phú đã gặp trực tiếp PV Dân Việt. Anh Phú khẳng định nội dung ông Nguyễn Thế Lâm - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM công bố ngày 4/6 là sai sự thật. Anh Phú cũng cho biết, hiện CSGT đội Tân Sơn Nhất vẫn giữ 2 triệu đồng và giấy phép lái xe (GPLX) của anh.

"Tôi nhớ rõ mặt CSGT"

Tại buổi họp báo báo về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM ngày 4/6, trao đổi với báo chí về vụ việc CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền người vi phạm, ông Nguyễn Thế Lâm - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã thông tin: "Anh Thái Đăng Phú không nhớ mặt CSGT, số điện thoại gọi đòi tiền không liên lạc được, nên đến thời điểm hiện tại chưa kết luận được sự việc" (?).

CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền người vi phạm: Người tố cáo phản bác ý kiến của lãnh đạo công an TP.HCM - Ảnh 1.
Đơn tố giác tội phạm và đơn trình bày các ý kiến phản bác của anh Thái Đăng Phú gửi báo Dân Việt.

Về vấn đề này, anh Thái Đăng Phú phản bác: "Tôi khẳng định đây là sự bịa đặt, không đúng sự thật; bởi từ lúc tôi có đơn tố cáo đến giờ, chưa hề tổ chức cho tôi nhận dạng người cưỡng đoạt tiền tôi. Tôi khẳng định là tôi nhớ rất rõ mặt người CSGT cưỡng đoạt tiền tôi".

Anh Phú lý giải nguyên nhân nhớ rõ mặt CSGT đã cưỡng đoạt tiền là vì nhiều lý do: Bị CSGT tên Minh ép xe vào lề, thông báo lỗi, đòi 6,2 triệu đồng tiền phạt; chở Phú về đồn; bắt Phú mượn tiền của bạn để đóng… "Tôi và CSGT Minh đối mặt với nhau rất lâu nên tôi nhớ rất rõ", anh Phú trình bày.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Thái Đăng Phú cho biết: Hiện số tiền 2 triệu đồng mà CSGT tên Minh "nhanh tay" lấy từ ví của anh Phú tại phòng làm việc ở đội CSGT Tân Sơn Nhất vẫn chưa được trả lại, GPLX cũng vậy.

Không đồng ý cách xin lỗi!

Trong đơn tố giác tội phạm, anh Phú kể lại nội dung vụ việc: Khoảng 9h ngày 12/5, anh chạy xe máy hiệu Exciter 150 mới mua từ cửa hàng về.

Đi đến đoạn gần công viên Hoàng Văn Thụ thì gặp tổ công tác của CSGT đội Tân Sơn Nhất yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ. Anh Phú đã trình GPLX và biên nhận giao xe của cửa hàng bán xe.

Cán bộ CSGT tên Minh (sau khi xác minh là trung úy Huỳnh Tấn Minh) thông báo lỗi vi phạm của Phú sẽ bị phạt 6,2 triệu đồng và yêu cầu đưa tiền sẽ trả bằng lái ngay lập tức. Tuy nhiên, anh Phú không đồng ý.

Sau đó, trung úy Minh đưa xe và người về trụ sở đội CSGT Tân Sơn Nhất. Tại đây, trung úy Minh hạ giá xuống còn 6 triệu đồng và tiếp tục đòi tiền anh Phú. Sau đó, trung úy Minh đưa anh Phú vào một phòng làm việc và tiếp tục đòi tiền.

Cũng tại phòng này, anh Phú cho biết khi anh mở ví cho CSGT kiểm tra thì thiếu úy Minh đã "nhanh tay" rút 4 tờ 500.000 đồng của anh Phú. Sau đó, anh Phú được phép lái xe về để đi mượn tiền, còn bằng lái thì vẫn bị giữ lại.

CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền người vi phạm: Người tố cáo phản bác ý kiến của lãnh đạo công an TP.HCM - Ảnh 2.
Chiếc xe mới mua của anh Phú khi bị CSGT bắt.

Quá bức xúc, ngày 14/5, anh Phú đã đến Thanh tra Công an TP.HCM để tố giác, nhờ mật phục bắt quả tang việc trung úy Minh o ép lấy thêm tiền. Ngay sau đó, anh Phú được hướng dẫn về Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) trình báo. Cán bộ phụ trách thanh tra của phòng tên Luân đã làm việc với anh Phú.

Anh Phú cho biết tiếp, chiều 14/5, cán bộ phụ trách thanh tra tên Luân đi ôtô xuống đội CSGT Tân Sơn Nhất và gọi anh qua để xác minh, làm việc. Tại đây, một cán bộ xưng là phó đội trưởng tên Hồng (trung tá Trương Thị Hồng - Phó đội trưởng) tiếp nhận thông tin. Lúc này, anh Phú đề nghị kêu trung úy Minh ra nói chuyện, xin lỗi. Trung úy Minh sau đó đã ra gặp và xin lỗi, mong được bỏ qua. Tuy nhiên, anh Phú không đồng ý và ra về.

CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền người vi phạm: Người tố cáo phản bác ý kiến của lãnh đạo công an TP.HCM - Ảnh 3.
Anh Thái Đăng Phú (bên trái) trao đổi với phóng viên Dân Việt.

Anh Phú lý giải lý do bỏ về: "Tôi bỏ về vì không đồng ý với cách làm của công an. Tôi đi tố giác với mục đích là để họ mật phục bắt quả tang CSGT nhận tiền. Họ lại đánh động xuống đội CSGT làm cho số điện thoại người bị tố không liên lạc được. Họ xin bỏ qua, yêu cầu rút đơn".

Nhiều "sếp" nhắn tin năn nỉ

Sau khi bỏ ra về, anh Phú cho biết những ngày sau đó gia đình anh ở quê nhà tại Hà Tĩnh và bản thân anh luôn bị "làm phiền". Nhiều "sếp" gọi điện, nhắn tin năn nỉ anh bỏ qua vụ việc... Anh cho hay: "Tại quê nhà, công an huyện, công an xã đã đến nhà gặp người thân vận động họ, gọi điện thuyết phục tôi rút đơn tố cáo".

Theo các bằng chứng chúng tôi có được, có nhiều "sếp" đã nhắn tin cho anh Phú sau ngày 14/5. Ngày 21/5, một số máy 0985…05 đã nhắn cho anh Phú 2 tin với nội dung "Phú rảnh không?? Anh nói chuyện xíu với em" và "Anh là sếp của Minh đây, anh xuống gặp em được không??? Em nghe điện thoại giùm cho anh!!".

CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền người vi phạm: Người tố cáo phản bác ý kiến của lãnh đạo công an TP.HCM - Ảnh 4.
Một “sếp” nhắn tin cho anh Phú.

Ngày 22/5, số máy 0913…45 đã nhắn tin cho anh Phú: "Chị Hồng đây Phú ơi. Em nghe máy giúp chị với". Anh Phú nhắn lại: "Em đi làm không nghe máy được. Mong anh, chị thông cảm!". Ngay lập tức anh Phú nhận được tin phản hồi "Vậy lúc nào em rảnh, em gọi lại giúp chị nhé!". Sau đó, anh Phú tiếp tục nhận tiếp tin nhắn "Em nghe máy nhe. Chị muốn gặp em có được không".

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Phú cho biết: "Tôi đi làm công nhân cơ khí, tới xưởng điện thoại cất vào tủ theo quy định nên đâu có nghe máy được. Sự việc nó không lớn nhưng tôi bức xúc hành vi cưỡng đoạt tiền và vòi tiền trắng trợn của CSGT tên Minh. Anh ta làm sai quy định, làm xấu hình ảnh của lực lượng công an nhân dân; vậy mà không  bị xử lý".

Quang Phương
Theo Dân Việt