Vụ chui túi nilon vượt lũ: Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Điện Biên xin lỗi VOV
Liên quan đến việc ông Đoàn Trần Hiệp, Chánh văn phòng Sở giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Điện Biên viết trên trang Facebook cá nhân của mình cho rằng "VOV phải nhận trách nhiệm vì bịa lên câu chuyện học sinh bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chui túi bóng đi khai giảng" đã gây nhiều ý kiến trái chiều, làm hoang mang dư luận.
Về sự việc này, sau khi kiểm tra, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã chính thức khẳng định trên báo điện tử VOV rằng, sự việc VOV phản ánh là chính xác, tỉnh sẽ xem xét xử lý và yêu cầu Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên xin lỗi VOV.
Tuy nhiên, sau khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên có ý kiến chính thức như vừa nêu, ông Đoàn Trần Hiệp, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên lại nhắn tin vào điện thoại của phóng viên Vũ Lợi (VOV Tây Bắc) với nội dung: “Hơn 50 học sinh cấp II của bản phải chui túi nilon nhờ người lớn kéo qua suối để đến trường cho kịp ngày khai giảng năm học mới 2018-2020. Ông viết vậy đồng nghĩa với việc 50 học sinh trường THCS Na Sang không ở bán trú, bỏ học ngày thứ 2,3. Trách nhiệm này ai gánh nổi. Tôi nể lãnh đạo nên mới gỡ bài phản đối của tôi trên Facebook xuống”.
Status trên Facebook của ông Đoàn Trần Hiệp - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biê
Để làm sáng tỏ vấn đề này, VOV Tây Bắc đã cử một nhóm phóng viên đi xác minh, làm rõ sự thật tại Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên.
Tại buổi làm việc với VOV, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên khẳng định: Những phản ánh của VOV về nội dung học sinh bản Huổi Hạ, xã Na Sang phải chui túi nilon vượt suối lũ đến trường là hoàn toàn đúng sự thật.
Ông Kiên cũng khẳng định đây là chuyện rất bình thường đối với một tỉnh miền núi như Điện Biên và không phải chỉ diễn ra đối với riêng học sinh bản Huổi Hạ, mà còn diễn ra tại nhiều địa phương khó khăn khác trên địa bàn.
Theo quan điểm của ông Kiên, đây không phải là điều gì quá xấu hổ. Bởi với tỉnh nghèo như Điện Biên, việc không có cầu, khi nước suối lên cao, chảy xiết thì phương án người dân lựa chọn cho học sinh chui vào túi nilon đưa qua suối lũ là khả thi hơn cả, là điều bình thường và diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn.
Liên quan đến việc có những phát ngôn trên trang Facebook của ông Đoàn Trần Hiệp - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên không mang tính xây dựng, bóp méo sự thật, cho rằng VOV đã bịa đặt câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cho rằng: Đây chỉ là ý kiến cá nhân của ông Hiệp trên mạng xã hội chứ không phải quan điểm, nhận định của Sở về sự việc này.
Do đó, ông Đoàn Trần Hiệp phải tự chịu trách nhiệm trước những phát ngôn gây ảnh hưởng đến VOV và niềm tin của thính giả và bạn đọc của VOV, gây xôn xao dư luận xã hội.
Tuy nhiên, do ông Hiệp là cán bộ thuộc biên chế của Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, cho nên Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên sẽ yêu cầu ông Hiệp làm bản tường trình về nội dung này.
Ông Đoàn Trần Hiệp thừa nhận đã đăng bài viết trên mạng xã hội từ trang Facebook của mình với nội dung cho rằng "VOV phải nhận trách nhiệm khi bịa ra câu chuyện học sinh chui túi bóng đi khai giảng" là hành động bồng bột, suy nghĩ nhất thời của cá nhân ông.
Từ việc không tìm hiểu sâu các nội dung thông tin mà phóng viên VOV đã phản ánh chân thực tại bản Huổi Hạ, ông Hiệp đã nhất thời không suy nghĩ, sau đó đăng bài viết trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của VOV trong những ngày vừa qua.
Ông Hiệp tỏ ra hối hận và đã nhận ra lỗi của mình, đồng thời gửi lời xin lỗi tới thính giả và bạn đọc trong cả nước của VOV.
“Tôi nhận lỗi với tất cả thính giả của VOV, những bạn đọc của VOV trên cả nước vì status trên mạng xã hội mà tôi đưa là bồng bột. Ông Hiệp tỏ ra hối hận vì dòng tin nhắn nhất thời đó của mình: “Nếu VOV khởi kiện tôi ra tòa, tôi nhận là mình sai”.
Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 5/9, ông Nguyễn Minh Phú - Chủ tịch Huyện Mường Chà cho biết, hình ảnh học sinh chui vào túi nilon có thật nhưng không phải hình ảnh đại diện mà chỉ là hình ảnh cá biệt do đợt lũ này quá mạnh nên bà con không thể đi qua cầu tạm.
Cũng theo ông Phú, bình thường vào mùa nước cạn, con suối này có tiết diện nhỏ như cái rãnh mương. Bà con dựng chiếc cầu tạm theo phương thức xã hỗ trợ một ít và người dân đóng góp một ít.
Nhưng khi lũ, nước đổ từ thượng Lào về, suối trở nên hung dữ và gây lũ lụt cho bà con. Khi nước lớn, người dân thường bỏ cầu tạm bằng tre hoặc cũng có thể bị trôi.
“Ở cấp xã, chúng tôi có những điểm trường đóng ở trung tâm. Các cháu đều được học nội trú theo hình thức bán trú dân nuôi. Theo đó, các cháu được ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6. Vào chiều thứ 6, sau khi kết thúc buổi học cuối cùng của tuần, các cháu sẽ về nhà.
Hình ảnh mà độc giả nhìn thấy trên mạng internet là hình ảnh bố mẹ đón cháu sau một tuần học ở trung tâm xã về hoặc đưa các cháu đến trung tâm sau mấy ngày nghỉ cuối tuần.
Trao đổi về việc có thể xây dựng một cây cầu ở đây hay không, ông Phú cho hay, trước khi làm cầu phải làm đường trước bởi đoạn đường 20km nhưng chỉ đi được xe máy vào mùa không sẽ rất khó khăn trong vận chuyển vật liệu.
“Làm cây cầu khoảng 6 tỉ đồng nhưng muốn làm được cầu phải mất khoảng vài chục tỉ đồng để làm đoạn đường khoảng 20km vì hiện tại, không thể đưa vật liệu vào điểm này bởi chỉ đi được xe máy. Và huyện cũng mong được Chính phủ sớm hỗ trợ chi phí để xây dựng đoạn đường này giúp nâng cao đời sống của người dân quanh khu vực”, ông Phú chia sẻ.
Xem thêm: Hành trình lên kế hoạch chế tạo súng và cướp nhiều ngân hàng của 2 tên cướp