Tối 16/9, bé gái L.H.A (6 tuổi, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh viện xác định, cháu bé đã tử vong từ trước, trên người có dấu hiệu bị bạo hành nên đã báo cơ quan Công an.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an phường Láng Thượng đã phối hợp Công an quận Bắc Từ Liêm và phường Xuân Đỉnh khẩn trương vào cuộc điều tra.
Sau khi cháu bé tử vong không lâu, anh L.T.C (43 tuổi, bố nạn nhân) bị cơ quan công an ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Hình ảnh bé gái 6 tuổi nghi bị bạo hành tới tử vong tại Hà Nội Ảnh:CL
Liên quan tới vụ việc trên, thông tin với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (người bào chữa cho bố cháu bé) cho biết: Bước đầu, tại CQĐT, anh C. thừa nhận vào buổi trưa 16/9 có dạy con học. Do cháu tiếp thu chậm nên trong cơn nóng giận đã dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh con nhiều phát vào chân, tay, mông và một phần lưng cháu trong thời gian học và sau khi kết thúc.
Đến 16h chiều cùng ngày, người mẹ cho bé A. ăn hết hộp cháo xong thì có biểu hiện nóng người nên gia đình cho cháu đi tắm, gội đầu. Thấy cháu bị sốt nên tiếp tục cho uống 1 viên thuốc panadol. Sau đó, cháu được bố bế và nôn vào vai. Thấy vậy, bố mẹ đưa cháu bằng xe máy đến Bệnh viện Nam Thăng Long cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương bằng xe cấp cứu. Mặc dù đã được các y bác sỹ sơ cứu trên xe cứu thương nhưng cháu đã tử vong trước khi vào viện...
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Thơm cho rằng: Hành vi của người bố sử dụng vũ lực đánh con, dù là để dạy dỗ đã không đúng, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của trẻ em được pháp luật bảo vệ.
Ngôi nhà nơi bé gái sinh sống cùng bố mẹ
Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết khi tác động vào cơ thể cháu bé sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả và kết luận giám định nguyên nhân chết và các cơ chế hình thành thương tích của cháu để có thể xử lý người bố tương ứng theo nhóm tội phạm liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.
Trong trường hợp cháu bé tử vong không phải do hành vi của người bố trực tiếp gây ra nhưng nó lại là nguyên nhân gián tiếp gây ra hậu quả vụ việc. Việc làm của người bố cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả.
Do đó, người cha có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a (Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015).
Ở đây cần phân biệt với tội "Giết người" khi hậu quả chết người xảy ra là do hành vi sử dụng vũ lực tác động trực tiếp gây nên.
Để xem xét cụ thể hành vi của người bố cần đợi kết luận cuối cùng từ phía CQĐT.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; ....................................................................... 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm: a) Làm chết người; |