Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:05
RSS

Vụ án Nguyễn Quý Vượng: Xét xử tội danh Cố ý gây thương tích liệu có thoả đáng?

Thứ bảy, 02/06/2018, 12:31 (GMT+7)

Mặc dù bị cáo Nguyễn Quý Vượng đã dùng dao chuẩn bị sẵn từ trước, đâm 10 nhát vào các vùng xung yếu của bị hại nhưng vẫn được TAND quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội xét xử về tội Cố ý gây thương tích.

Vụ án Nguyễn Quý Vượng1
Bị cáo Nguyễn Quý Vượng tại cơ quan điều tra

Đánh tráo hành vi, bỏ lọt vùng xung yếu?

Theo nội dung Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HSST ngày 16/01/2018 của TAND quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội: Do mâu thuẫn cá nhân, bị cáo Nguyễn Quý Vượng (sinh năm 1995, trú tại xóm Đình, Phù Yên, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) đã dùng dao đâm nhiều nhát vào lưng, cố, vai, đầu của anh Nguyễn Văn T. (sinh năm 1990, trú tại huyện Yên Định, Thanh Hóa) gây tổn hại sức khỏe 12% tại tầng 2, nhà số 41 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 25/5/2016.

Tòa sơ thẩm đã kết tội bị cáo Vượng phạm tội “Cố ý gây thương tích” với khung hình phạt 36 tháng tù theo Khoản 2, Điều 104 Bộ Luật Hình sự. Đồng thời, yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền hơn 54 triệu đồng. Bị hại đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bị hại Nguyễn Văn T. cho biết: "Tôi không đồng tình với việc TAND quận Hoàn Kiếm xét xử bị cáo Nguyễn Quý Vượng phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, bị cáo bị xét xử chưa đúng với mức độ và hành vi phạm tội.

Bản án sơ thẩm chỉ nói chung chung là Vượng đã đâm tôi nhiều nhát vào cơ thể tôi chứ không làm rõ hành vi Vượng đã cố tình đâm tôi như thế nào, đâm vào đâu, mức độ đâm ra sao? Đặc biệt, bản án sơ thẩm đã bỏ lọt vị trí xung yếu mà Vượng đã đâm tôi là vùng ngực phải, vị trí có thể lập tức gây chết người. Tại vết thương vùng lưng, Vượng đã đâm thấu phối của tôi, khiến tôi phải mổ cấp cứu tràn khí màng phổi tại Bệnh viện Việt Đức và điều trị cùng các vết thương khác trong một thời gian dài".

Vụ án Nguyễn Quý Vượng2
Đơn Kháng cáo của bị hại

Trước đó, tại cơ quan điều tra, anh T. đã khai: "Khi phát hiện bị Vượng đâm trộm từ phía sau lưng, vai, rất bất ngờ rồi theo phản xạ, tôi quay lại tóm tay Vượng cố đẩy ra xa nhưng Vượng vẫn tiếp tục lao vào đâm tôi. Sự việc tôi cố đẩy Vượng ra, Vượng lại cố tình lao vào đâm tôi lặp đi, lặp lại nhiều lần. Cho đến khi, tôi vớ được con dao để trên bàn, khua khoắng loạn xạ chống cự và trúng vào má Vượng thì Vượng mới bỏ chạy".

Điều này, hoàn toàn phù hợp với lời khai của Vượng tại cơ quan điều tra: Tôi không nhớ là đâm bao nhiêu nhát…cuối cùng tôi thấy đau ở mặt, tôi nhận ra mình bị chém nên đã bỏ chạy (Bút lục số 89); ...Tiếp tục dùng dao đâm liên tiến vào người anh Tiến, tôi không nhớ là đâm bao nhiêu nhát…Đến khi tôi thay đau ở má trái, tôi nhận thức mình bị chém. Nên bỏ chạy ra ngoài (Bút lục số 92).

Cũng theo bị hại: "Tôi cho rằng, Tòa sơ thẩm đã cố tình đánh tráo hành vi, cố tình lái hành vi phạm tội của bị cáo là vụ xô xát thông thường rồi gây ra thương tích cho tôi chứ không phải là hành vi thực tế của Vượng đã cố tình tấn công tôi quyết liệt, đến cùng, cho đến khi tôi có công cụ phòng vệ thì Vượng mới bỏ chạy. Đồng thời, ngực là vùng xung yếu, có thể gây chết người ngay tức khắc, nhưng Tòa sơ thẩm đã không xem xét trong xét xử".

Đề nghị áp dụng án lệ số 01, hủy án sơ thẩm

Theo hồ sơ vụ án ngày 25/5/2016, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Quý Vượng đã được CQCSĐT Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khởi tố về tội “Giết người” quy định tại Khoản 1 Điều 93 Bộ Luật Hình sự. Tại Bản Kết luận điều tra số 162/PC45-Đ3 ngày 25/4/2017, CQCSĐT Công an TP. Hà Nội đã tiếp tục định tội danh và đề nghị truy tố bị cáo Vượng phạm tội “Giết người” phạm vào Khoản 1 Điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội lại căn cứ vào chính bản Kết luận điều tra 162 để ra Quyết định số 153/QĐ-VKS-P2 ngày 18/7/2017 quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu thay đổi tội danh cho bị cáo Vượng từ “Giết người” sang “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ Luật Hình sự.

Luật sư Giang Văn Quyết, Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật, Đoàn LS. TP Hà Nội cho rằng: Cấp sơ thẩm chỉ tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quý Vượng 36 tháng tù giam là quá nhẹ so với tính chất, mức độ mà hành côn đồ, hung hãn mà còn thể hiện sự coi thường tính mạng người khác.

Vụ án Nguyễn Quý Vượng3
Bản án sơ thẩm

Bản án sơ thẩm không làm rõ hành vi bị cáo Vượng là người đã trưởng thành, có đủ năng lực hành vi, nhận thức nên biết rõ (buộc phải biết rõ) việc dùng hung khí nguy hiểm (dao sắc nhọn) đâm liên tiếp 10 nhát vào các vùng trọng yếu (ngực, cổ, lưng, thái dương, đầu,…) trên cơ thể anh T. là vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của anh T, có thể làm anh T. chết ngay nhưng vẫn làm. Anh T. không chết là ngoài ý muốn của bị cáo Vượng, đó là một sự may mắn cho anh T.

Một người có đầy đủ nhận thức về hành vi, biết rõ việc dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào chỗ hiểm yếu của người khác có thể gây hậu chết người nhưng vẫn thực hiện để mặc hậu quả xảy thì phải bị truy tố về hành vi Giết người mới thỏa đáng. Không thể vì anh T. chỉ bị thương tích, không có hậu quả chết người xảy ra mà việc truy tố hành vi phạm tội bị thay đổi.

Cũng theo Luật sư Quyết, HĐXX cần xem xét việc áp dụng phần lập luận trong Án lệ số 01/2016 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để đánh giá tội danh của bị cáo. Án lệ số 01 là án lệ về tội Giết người, theo Quyết định giám đốc thẩm theo 04/2014/HS-GĐT ngày 16/4/2014.

Án lệ 01 chỉ ra rằng:  Nếu chỉ muốn gây thương tích cho nạn nhân, không muốn tước đi tính mạng của người khác, không muốn đâm bừa, đâm ẩu vào người khác thì hành vi đó phải biểu hiện ra bên ngoài bằng việc bị cáo chỉ tấn công vào tay, chân mà không tấn công vào những phần trọng yếu của cơ thể.

Do đó, Luật sư Quyết cùng bị hại T. đề nghị TAND TP. Hà Nội áp dụng án lệ số 01 vào trong xét xử. Đồng thời, xem xét hủy án sơ thẩm để xét xử lại, định lại tội danh, điều tra, truy tố và xét xử bị cáo Nguyễn Quý Vượng phạm tội “Giết người” theo Điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Đồng Diệm
Theo Đời sống Plus/GĐVN