Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:22
RSS

Vụ án băng cướp sát hại 17 người: Khép chặt vòng vây bắt kẻ ác thú

Thứ sáu, 23/06/2017, 07:00 (GMT+7)

Kế hoạch ra tay bắt băng cướp sát hại 17 mạng người được vạch ra. Thế nhưng, một điều bất ngờ không nằm trong dự đoán của các chiến sĩ công an...

Kế hoạch bắt băng cướp sát hại 17 mạng người

Tại ban chỉ huy tiền phương, ông Nguyễn Rã cùng đại diện các lực lượng đưa ra nhận định: Vào thời điểm này, Minh bớt cùng các thuộc hạ của mình đã cướp được trong tay khá nhiều súng đạn. Bọn chúng đã giết hại nhiều người nên rất có thể chúng sẽ tiếp tục gây nợ máu để gây tiếng vang.

Địa bàn ẩn náu của chúng là ngay trên ngọn núi Bằng Trĩ và có thể là những vùng phụ cận, bọn chúng có bốn tên gồm: Nguyễn Minh (Minh bớt) cầm đầu, Hoàng Công Dũng (tức In), Huỳnh Luyến và Lương Lực (cậu ruột Minh).

Băng cướp sát hại 17 mạng người

Núi Bằng Trĩ - Nơi băng cướp giết 17 mạng người ẩn nấp

Xác định, chúng ở phía trên cao, là những tay súng bắn tỉa rất tốt, nhất là Minh bớt là một tay súng thiện xạ… chúng đã từng có kinh nghiệm trong chiến đấu, lại am hiểu và thành thạo địa hình, nên rất nguy hiểm. Tuy nhiên, Ban chỉ huy tiền phương yêu cầu phải tiêu diệt bọn chúng bằng mọi cách, không thể để chúng tiếp tục gây ra nhiều thương vong cho cán bộ, người dân và lực lượng của ta…

Đại tá Nguyễn Thanh Hùng (người được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1976, lúc tham gia vụ án này là Đại đội phó lực lượng Cảnh sát bảo vệ C32) kể lại với chúng tôi rằng: Sau khi nhận lệnh từ ban giám đốc Công an tỉnh, chúng tôi hành quân ngay trong đêm. Lúc bấy giờ, địa bàn của xã miền núi Quế Phước là vô cùng phức tạp, Ban chỉ huy tiền phương đã phải dùng bản đồ của chế độ cũ để điều nghiên, định vị những vị trí có rừng rậm, có khe suối, hang đá, những nơi mà bọn Minh bớt có thể ẩn nấp.

Với chiến thuật được thống nhất là ban ngày lực lượng của ta sẽ tổ chức đi truy lùng, ban đêm tập trung quân để mai phục. Tất cả các lực lượng tham gia đánh án đều sẵn sàng trong tư thế chiến đấu cao…

Lúc này, tình hình ngày một căng thẳng, việc truy lùng dấu vết ngày một khó. Biết ở bên kia đồi, có những đường công sự, có khi chúng ta vào bên mé phía tây, tuy cao hơn phía chúng ẩn nấp, nhưng lại khuất tầm nhìn, còn chúng ở phía đông, thấp hơn nhưng thấy chúng ta rõ mồn một. Nguy hiểm nhất là khi chúng ta ở dưới triền đồi, chúng ở trên đỉnh thì mọi di biến động của ta đều bị chúng phát hiện…

Thế nhưng, lực lượng C32 xác định “một chết một sống”, vì nếu mình không tiêu diệt nó thì nó cũng tiêu diệt mình, lại càng giết hại cán bộ, nhân dân trong xã nên vòng vây ngày một xiết chặt. Phía bên kia một ngọn đồi khác, một trung đội thiện chiến của huyện đội cũng “xiết” vào. Dần dần lực lượng của ta mỗi lúc mỗi áp sát với bọn chúng.

Ông Bốn Dư kể tiếp: Trong khi tình hình ở địa phương đang rối như tơ vò thì chẳng biết phía tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ đạo tình hình như thế nào mà ông Đông (lúc bấy giờ là Bí thư huyện ủy Quế Sơn) viết thư đưa xuống với nội dung chỉ đạo là: Yêu cầu đồng chí Dư rà soát, gom tất cả những người đã từng là lính ngụy để đề phòng bạo loạn khó kiểm soát...

Nhận lệnh xong, ông Bốn Dư bần thần như người mất hồn, bởi lẽ tại địa phương đang diễn ra những chuyện quá kinh hoàng, tất cả các lực lượng từ tỉnh, huyện, địa phương đều tập trung để đấu tranh với bọn bạo loạn. Bây giờ, nếu thực hiện mệnh lệnh của cấp trên th́ì chắc là không thuận, mà “chống lệnh” thì lại càng khó hơn.

Ông Bốn Dư phân tích: Nếu gom hết 570 người (lính ngụy cũ) trong xã Quế Phước về thì lấy chỗ đâu để chứa, rồi còn ăn uống, chỗ ngủ, nghỉ, vệ sinh của họ ra làm sao… Đặc biệt, điều lo lắng nhất, khi gom họ về, nhỡ xảy ra bạo loạn thì mình xoay trở cách nào với số lượng đông như vậy, trong khi đó lực lượng mình thì lại quá mỏng.

Thế rồi, với sự cương quyết, tính toán thiệt hơn, ông Bốn Dư báo cáo với Ban chỉ huy tiền phương và quyết định không gom những người này, cứ để yên xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, lúc đang phân vân quyết định gom hết hay không thì du kích xã cũng đã đi gom được vài chục người về trụ sở UBND xã.

Minh bớt

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Dư kể lại câu chuyện

Lúc đó, ông Dư phải đưa ra quyết định thả họ về. Nhưng ông nói họ không nghe, vì họ sợ về thì sẽ mắc tội chống lệnh xã… Ông Dư và ông Tiếp - xã trưởng ký vào mo cau (lúc bấy giờ người dân hay sử dụng mo cau) và nói: “Tôi quyết định cho các anh về, tôi chịu trách nhiệm, nếu ai đến mời đi thì các anh đưa chữ ký của tôi ra thì không ai dám đưa các anh đi đâu hết, nhờ vậy sau đó họ mới yên tâm về”.

Đại tá Trương Văn Thanh (sau này là Trưởng phòng An ninh kinh tế - Công an Đà Nẵng, vừa mới nghỉ hưu tại Đà Nẵng, lúc tham gia vụ án là lính của C32) kể rằng: Sau 3 ngày vây ráp quanh ngọn núi Bằng Trĩ, tình hình vẫn trôi qua trong nặng trĩu những lo âu. Anh em các lực lượng có dấu hiệu thấm mệt vì phải thức trắng đêm để nằm mai phục dưới tiết trời gió lạnh. Quanh chân núi lúc bấy giờ không còn một kẻ hở, vì nếu để chúng thoát xuống có nghĩa là có thể có chết chóc thương vong…

Trong làng, lúc này thì mọi công tác mai táng người xấu số đã cơ bản hoàn tất. Người dân cũng an tâm trở lại khi lực lượng công an, quân đội đã “khóa” chúng. Đến ngày thứ 4, phương án bao vây, thu hẹp khoảng cách vẫn được tiếp tục thực hiện. Lúc bấy giờ, chúng bị vây hãm trong vòng tròn, anh em nhận định chắc chắn chúng khó có thể thoát ra bên ngoài vòng vây.

Siết chặt vòng vây để bắt băng nhóm của Minh bớt

Đến khoảng 8h tối, khi các lực lượng đang căng mắt quan sát thì bỗng nghe tiếng súng nổ liên hồi từ phía trên núi. Lực lượng ta vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng nghe tiếng súng hết sức cảnh giác. Vì thời đó không có bộ đàm liên lạc, lại vào ban đêm nên lực lượng C32 tưởng lực lượng quân đội, hay du kích bắn mục tiêu, nên tinh thần sẵn sàng chiến đấu càng cao độ hơn. Sau đó, nghe im ắng, do đêm tối nên chúng ta vẫn tiếp tục mai phục chứ chưa triển khai tập kích.

Sáng ngày 25/1/1980, vào khoảng tầm 10h, khi các lực lượng bao vây chuẩn bị nhận lệnh “tổng tấn công”, thì từ trên núi có một tên giơ tay đầu hàng đi xuống, ngay lập tức kẻ quy hàng được xác định là Minh bớt. Lực lượng C32 được lệnh xông ra, khống chế đối tượng.

băng cướp độc ác nhất lịch sử Việt Nam

Đại tá Trương Văn Thanh - người từng tham gia vây bắt tên tướng cướp máu lạnh

Ngay khi mới tra tay vào còng, Minh bớt khai rằng các thuộc hạ của hắn đã bị hắn bắn chết để ra đầu hàng. Nghe tiếng súng nổ lúc tối, với lời khai của Minh, lực lượng bao vây tiếp cận hiện trường thì quả thật 3 đối tượng còn lại đã chết. Sau khi lập biên bản hiện trường, Ban chỉ huy tiền phương cho phép người nhà lên đưa ba thi thể về để mai táng theo phong tục địa phương.

Tại hiện trường, tang vật vụ án thu được gồm 7 khẩu súng các loại, một số đạn, lương thực cùng một số tang vật khác.

Xét hỏi nhanh, Minh bớt khai: Thấy tình thế đã bị bao vây, khó có thể thoát nên hắn đã bàn với Lực là bắn chết Luyến và Dũng (In) để xuống hàng rồi đổ tội cho hai tên này. Minh chỉ đạo bốn người quay về bốn hướng để quan sát lực lượng bao vây, lợi dụng khi Dũng, Luyến không để ý, Minh ra hiệu cho Lực bóp cò.

Khi Dũng, Luyến vừa ngã xuống thì nòng súng của Minh lại hướng về phía Lực, hắn nhanh chóng siết cò để kết liễu số phận của người cậu ruột của mình, Lực ngã gục chết tại chỗ mà sẽ không bao giờ hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Minh còn khai, do lúc đó trời tối, nên Minh không giám ra hàng vì sợ bị tiêu diệt mà phải đợi đến sáng hôm sau mới dẫn xác xuống núi…

Đại tá Nguyễn Thanh Hùng nhớ lại: Khi mới bị bắt, Minh bớp đã chỉ thẳng mặt ông và ông Trương Văn Thanh của C32 (hai người đi đầu) nói với giọng ngông nghênh: “Tôi thấy người đi đầu mang khẩu AR15 (ông Hùng) có cột gút đỏ phía trước và cả người (ông Thanh) đi phía sau, mấy người kia định bắn nhưng tôi can lại vì thấy bắn cũng chẳng được gì, vòng vây xiết chặt không thể thoát được nên thôi”

Minh bớt còn chỉ vào mặt ông Dư, nói: “Ngày hôm trước tôi thấy bác Dư - Bí thư xã cùng anh Phòng, Thư ký Ủy ban cùng chị Hoàng văn thư đi phía dưới đồi nhưng tôi cũng không ra tay”. Ông Dư hỏi vì sao? Minh bớt nhanh miệng: “Thấy bắn cũng không có ích gì, hơn nữa lương thực hết, lực lượng bao vây quá đông cũng khó thoát”.

Ông Dư hỏi tiếp: “Sao mày lại làm vậy?”, Minh bớt trả lời tỉnh bơ: “Mấy đứa nó xúi em”.

Ông Dư hỏi dồn: “Sao mày lại bắn mấy đứa kia?”, Minh liếu tháu kiểu chạy tội: “Thằng Dũng nó có mưu đồ xuống đánh ban chỉ huy tiền phương, sau đó xuống huyện để làm lớn chuyện. Tôi nói với cậu Lực mỗi đứa xoay mỗi hướng canh giữ, hai cậu cháu tôi thông đồng bắn hai đứa kia. Bắn xong, tôi nghĩ phải tiêu diệt cậu Lực thì mới ra hàng được nên tôi bắn”.

Sau khi Minh bớt sa lưới pháp luật ,những đồng bọn khác đã bị hắn thủ tiêu, người dân ở vùng quê nghèo Quế Phước mới thở phào nhẹ nhỏm. Nhiều người nói rằng, khi Minh bớt bị bắt, chúng tôi thấy như cắt bỏ được cái ung nhọt bấy lâu làm người dân trong làng luôn nơm nớp lo sợ.

Mừng vui vì bọn bạo loạn, cướp bóc đã bị xử lý, người dân trong làng đã mang rất nhiều thứ sản vật ngon đến mời lực lượng công an, bộ đội ăn liên hoan trước khi trở về đơn vị cũ. Ông Trương Văn Thanh vẫn nhớ như in ngày đó, để bồi dưỡng sức khỏe cho một số chiến sĩ sau gần một tuần thức trắng mật phục, có gia đình đã hầm chim bồ câu non để mang đến làm quà…

Khi lực lượng công an, bộ đội của tỉnh, huyện rút đi, ông Bốn Dư (Nguyễn Văn Dư) đã tổ chức họp dân trong xã để thông báo tình hình, đã thông tư tưởng người dân để họ trở lại sản xuất và sinh hoạt. Tình hình an ninh trật tự ở địa phương được trở lại bình thường, ban đêm những nhà dân không còn cảnh chốt cửa, tắt đèn sống trong sợ hãi…

Khoảng 5 ngày sau khi vụ án được triệt phá, đoàn cán bộ khám nghiệm quay trở lại để xác định rõ cái chết của ba tên đồng bọn của Minh bớt. Khi khai quật tử thi lên, tất cả đều đã trương phình, nhưng bằng các phương pháp kỹ thuật hình sự, đoàn khám nghiệm đã xác định được đích danh cái chết của Lực, Dũng và Luyến.

Đại tá Nguyễn Thanh Hùng nói: Để đánh vụ án này, anh em phục kích gần cả tuần cũng rất vất vả nhưng cuối cùng có được kết quả thành công như thế nên ai cũng hài lòng. Bản thân tôi đã đi qua chiến tranh, từng được phong anh hùng ngay sau ngày đất nước thống nhất, rồi làm cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, rồi làm trưởng phòng cảnh sát bảo vệ cơ động của công an Đà Nẵng cho đến lúc nghỉ hưu. Khoảng thời gian gần cả đời người ấy, tôi chưa bao giờ chứng kiến vụ án nào mà mức độ tàn sát tàn nhẫn đến như vậy.

Sau này, ông Ngô Trà, người phụ trách công tác điều tra, xét hỏi Minh bớt kể lại rằng: Trong bản cung, Minh bớt khai: “Nguyên nhân chính dẫn đến việc gây bạo loạn, giết người, cướp tài sản là vì bất mãn, bản chất hung dữ, không chịu khuất phục ai, muốn tự do làm gì thì làm”. Trong bản cung ngày 10/4/1980, Minh bớt khai: “Tôi bắn chết  đồng bọn để ra đầu thú là vì thấy không thể chống cự nổi với lực lượng đang bao vây đông đúc như vậy”…

Người trực tiếp chứng kiến sự hung tàn của Minh bớt và đồng bọn, ông Phạm Văn Quý khai với cơ quan điều tra, xét hỏi rằng: “Chính tên Minh là người ra lệnh cho đồng bọn bắn chết anh Hường tại chỗ”.

Sau khoảng ba tháng điều tra, tại sân vận động của thôn Đông An (xã Quế Phước) HĐXX của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam-  Đà Nẵng đã tổ chức phiên xử sơ thẩm hình sự để xét xử Nguyễn Minh (Minh bớt). Hàng vạn người dân không chỉ ở Quế Phước mà của nhiều địa phương khác khắp tỉnh đã đến dự khán bởi tính chất tàn ác của Minh bớt và đồng bọn.

Nguyễn Minh bị xét xử với nhiều tội danh: Bạo loạn, giết người, cướp tài sản xã hội chủ nghĩa, cướp tài sản công dân. Tuy Minh bớt khai do bị xúi giục, đổ tội cho những người đã chết, nhưng HĐXX nhận định: Hành vi tổ chức, cướp vũ khí, giết cán bộ và nhân dân, cướp tài sản của nhân dân, rải truyền đơn kêu gọi dân bạo loạn, chống chính quyền của Minh và đồng bọn diễn ra từ đêm 18 đến 21/1/ 1980 là vô cùng nghiêm trọng. Bọn chúng đã cướp 7 súng, giết 11 người và hành vi của Nguyễn Minh giết đồng bọn (3 đối tượng) để bịt đầu mối, chạy tội vào đêm 24/1/1980 trước tình thế bị bao vây là hết sức dã man…

Trước những tội ác đó, Nguyễn Minh bị tuyên án tử hình trước sự đồng tình cao của đông đảo quần chúng nhân dân.

Kể chuyện với chúng tôi về vụ án này, ông Đỗ Xuân Lập (người từng thoát chết) Bí thư chi bộ thôn 5 cho biết: Sau khi tòa xử Minh bớt vài năm. Có một đoàn cán bộ công an về ở tại địa phương một thời gian dài để điều tra tội phạm, nhưng phải đến lúc họ quay lại để đóng dấu công lệnh, các anh ấy mới công khai với chính quyền xã rằng: Khi Minh bớt đang bị giam giữ ở một trại giam ở phía Nam của Bộ Công an, hắn đã cùng với một tên cướp khét tiếng cùng bị giam tổ chức cướp súng, bắn chết 2 cán bộ công an để vượt ngục. Sau đó, Minh bớt trốn lên địa bàn Tây Nguyên và ở đó hắn đã giết thêm 1 người dân địa phương trước khi bị bắt lại…

Lam Thạch Giang
Theo Đời sống Plus/GĐVN