Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:18
RSS

Chân dung của kẻ cầm đầu máu lạnh trong băng cướp tàn bạo sát hại 17 mạng người

Thứ ba, 20/06/2017, 07:00 (GMT+7)

Là một kẻ ranh mãnh, Minh bớt không từ một thủ đoạn nào để có thể đạt được mục đích của hắn. Hắn được mệnh danh là tên cướp độc ác nhất trong lịch sử Việt Nam.

LTS:  Hơn 30 năm về trước, trên địa bàn của xã Quế Phước, huyện Quế Sơn (Quảng Nam - Đà Nẵng) đã xảy ra một vụ án gây chấn động dư luận xã hội khi có một nhóm du thủ du thực ngang nhiên cướp 7 khẩu súng rồi gây tội ác kinh hoàng. Bọn chúng đã lạnh lùng giết chết 11 người rồi kéo nhau đến cố thủ ở một hang núi. Cho đến khi bị các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương khép chặt vòng vây nhiều ngày liền, biết không còn lối thoát, kẻ cầm đầu nhóm sát thủ trên đã nổ súng tiêu diệt 3 tên đồng bọn để quy hàng.

Theo những đồng chí lãnh đạo của địa phương kể lại, khi vào thụ án ở một trại giam thuộc Bộ Công an ở phía Nam, kẻ cầm đầu của nhóm này đã đào tẩu và giết hai cán bộ công an, sau đó trốn lên Tây Nguyên giết thêm một người dân nữa trước khi sa lưới pháp luật lần thứ hai.

Những điều tra viên giàu kinh nghiệm của lực lượng Công an Quảng Nam- Đà Nẵng cho rằng, đây là một trong những vụ án “kinh điển” có tính chất dã man nhất trong lịch sử án an ninh - hình sự từ sau năm 1975 đến nay. Từ nhiều manh mối, chúng tôi đã cất công tìm gặp nhiều nhân chứng sống từng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ án này…

Chân dung kẻ cầm đâu băng cướp sát hại 17 người

Kẻ cầm đầu máu lạnh trong vụ án giết người hết sức ghê rợn này có tên khai sinh là Nguyễn Minh (biệt hiệu là Minh bớt, vì hắn có một cái bớt thâm sì trên mặt). Minh bớt sinh năm 1950, tại xã Quế Phước, huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Cha chết từ nhỏ nên năm Minh bớt lên 7 tuổi, mẹ hắn đi bước nữa với một người đàn ông cùng làng.

Băng cướp sát hại 17 mạng người

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Dư kể lại diễn biến vụ án băng cướp sát hại 17 mạng người

Minh có 3 người em cùng mẹ khác cha, nhưng trong trận lụt lớn năm 1964, 2 người em và mẹ hắn đã bị nước cuốn trôi tử nạn, chỉ có cha dượng và 1 người em khác được dân làng cứu sống. Năm đó, Minh bớt đi học ở trường Cao Đài tuốt dưới thị xã Tam Kỳ nên không bị ảnh hưởng của thiên tai.

Học hết lớp 9, Minh bớt quay trở lại làng mưu sinh bằng nghề chăn trâu, cắt cỏ, đến tuổi trưởng thành hắn đăng lính, rồi vào lực lượng nhảy dù thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày đất nước thống nhất, Minh bớt bị chính quyền Cách mạng lập danh sách để đưa đi tập trung cải tạo.

Sau khi được tha về địa phương, Minh bớt lấy vợ sinh được 2 đứa con và sống bằng nghề làm nông như bao nhiêu người khác trong làng… cho đến khi cầm đầu một băng nhóm gây ra vụ án kinh hoàng gây chấn động dư luận.

Từ thành phố Đà Nẵng, chúng tôi vượt gần 100 cây số đường loằng ngoằng đèo dốc để tìm về địa bàn xã Quế Phước (nay được tách thành xã Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lộc, thuộc huyện Nông Sơn, Quảng Nam) để tìm gặp lại những con người đã từng là chứng nhân của vụ án đau lòng làm rúng động dư luận xã hội năm xưa.

Qua giới thiệu, chúng tôi đã gặp được các ông Nguyễn Văn Dư (Bốn Dư), trước đây là Bí thư Đảng ủy xã Quế Phước, sau này lên làm trưởng Ban Tuyên giáo huyện Quế Sơn. Khi tách huyện, ông qua làm Chủ tịch Ban Dân vận, kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Nông Sơn. Sau ngày về hưu, ông Dư về làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nông Sơn; ông Đỗ Xuân Lập, Bí thư Chi bộ thôn 5 (Đông An, Quế Phước); ông Lê Phước Ba, Phó Chủ tịch HĐND xã Quế Ninh (tách ra từ xã Quế Phước), anh Phạm Quý Viễn, Chủ tịch UBND xã Quế Phước và nhiều người lớn tuổi từng chứng kiến và rất tường tận câu chuyện đau lòng này…

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Bốn Dự nhớ như in từng chi tiết bởi lúc bấy giờ ông là Bí thư xã Quế Phước nhiều năm liền. Ông là người chỉ huy tình hình khi vụ việc mới xảy ra trước khi chờ lực lượng Công an, quân đội từ huyện, tỉnh hành quân về phá án.

Ông Bốn Dự nói rằng, ngày trước Minh bớt suốt ngày tụ bạ quanh các quán nhậu trong vùng, nhậu quắc cần câu xong thích thì trả tiền cho chủ quán, không thích thì hắn rút quả lựu đạn bên lưng ra hù dọa, làm cả chủ lẫn khách trong quán chạy thoát thân tứ tán…

Với uy danh của mình, Minh bớt ra chợ, hắn thích lấy gì thì lấy, từ con gà cho đến nải chuối, bà con nghe danh Minh bớt đã hồn xiêu phách lạc nên không ai dám nói gì với hắn. Mỗi lần thấy Minh bớt xuất hiện đâu, ai cũng ớn nhưng không biết làm gì, đành ngậm đắng nuốt cay. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, đám bạn của Minh là Huỳnh Dũng (tức In) và Phạm Luyến cũng ngông cuồng đáo để. Ngoài ra, còn có Lương Lực là cậu ruột của Minh cũng chung một bản tính lưu manh…

Sau khi cải tạo, rồi về làm nông tại làng, thấy Minh bớt cũng có chút chữ nghĩa nên xã Quế Phước sử dụng Minh làm thống kê nông nghiệp, ghi biểu mẫu thuế, với hy vọng mở ra cho hắn con đường hoàn lương… Làm được một thời gian thì Minh chứng nào tật đó, nhậu nhẹt, ăn chơi lêu lổng, bỏ bê vợ con, nên chẳng bao lâu sau đã bị lãnh đạo địa phương sa thải.

Từ đây, Minh lại càng trượt dài trên con đường sai phạm, hắn lại nhậu nhẹt, gây gổ với nhiều người, tính khí ngày một cục cằn bặm trợt hơn. Vì thế, ai trong làng, trong xã nhìn thấy Minh bớt cũng bụng bảo dạ là “né cho nó lành”.

Hành trình trở thành tướng cướp máu lạnh

Ngày 18/1/1980, Minh cùng đồng bọn tổ chức ăn nhậu, uống rượu mía thiếu tiền. Không có tiền trả nợ, nên Minh bớt rủ Lương Lực (cậu ruột Minh) đi trộm tiền để trả nợ. Minh nói với Lực là mình có quen với một người tên Nghĩa nên rủ Nghĩa tham gia. Sau khi cả đám cùng nhau bàn bạc, Nghĩa bảo nhà bố dượng của mình là ông Phan Nhung - Trưởng ban cách mạng thôn Đông An (xã Quế Phước) có nhiều tiền nên Minh bớt và đồng bọn bày mưu tính kế để đột nhập vào trộm tiền của nhà này.

Minh bớt

Đại tá Nguyễn Thanh Hùng - kể lại câu chuyện bao vây bắt Minh bớt

Khi vào nhà ông Nhung, lợi dụng ông này đi tiểu, Minh và đồng bọn đã nhanh chóng lấy tiền, dao phay và nhiều tài sản khác… rồi bỏ chạy. Vào nhà, phát hiện tủ bị mở, tiền mất, ông Nhung cầm súng đuổi theo ra đến tận ngõ, nhằm vào bóng đêm, ông Nhung nổ súng chỉ thiên nhưng tất cả những tên trộm trong băng nhóm Minh bớt đã nhanh chân tẩu thoát…

Nghe thông tin của vụ việc, lãnh đạo xã đã cử lực lượng xuống gặp ông Nhung và gia đình để nắm bắt tình hình, ông này trình bày nghi nhóm của Minh bớt lấy tiền của gia đình ông. Sáng hôm sau, xã chỉ đạo lực lượng Công an xã do ông Tào Viết Song- Trưởng Công an xã xuống làm việc với Minh bớt và các đối tượng liên quan, nắm tình hình sơ bộ, báo cáo tình hình cho lãnh đạo xã. Ông Dư, Bí thư xã Quế Phước đã viết thư cho người mang xuống báo cáo cho anh Đỗ Kim Anh - Phó  Trưởng Công an huyện Quế Sơn lên điều tra làm rõ.

Sau khi công an huyện điều tra, thấy có dấu chân của Minh bớt để lại trùng khớp tại nhà ông Nhung. Hơn nữa, cán bộ điều tra phát hiện thấy có cây dao phay mà chúng trộm của gia đình ông Nhung tại nhà Lương Lực. Với những chứng cứ đó, khi bị buộc tội, Minh bớt và đồng bọn đã hết đường chối cãi. Bọn chúng khai rằng, số tiền trộm được ở nhà ông Nhung chúng đã tiêu xài hết.

Tiếp tục mở rộng điều tra, lực lượng công an xã đã làm rõ thêm rất nhiều vụ việc liên quan đến băng nhóm Minh bớt, ví dụ như lấy trộm gỗ be ghe (dùng để đóng thuyền) của vợ chồng bà Xa…

Với những tội trạng trên, công an xã viết giấy hẹn cho Minh bớt và đồng bọn là phải mang tiền, tài sản lên xã để trả lại cho các nạn nhân. Về nhà mấy ngày, Minh bớt cùng đồng bọn nghĩ ra đủ cách để kiếm tiền nhưng không tìm ra cách nào khả thi trước mắt. Gần đến ngày hẹn vẫn chưa kiếm ra tiền khiến cho Minh bớt cùng đồng bọn càng rối hơn. Minh rủ Huỳnh Văn Dũng (In) và Huỳnh Luyến xuống thôn 1 (xã Quế Lộc) nhậu thịt cầy và bàn kế hoạch kiếm tiền để trả nợ. Tuy nhiên, uống đến mềm môi nhưng bọn chúng vẫn không tìm được cách giải quyết. Cuối cùng, cả bọn cùng nhau nâng chén, rồi hạ quyết tâm chỉ còn cách đi trộm tài sản mới có tiền một cách nhanh chóng để thanh toán mọi nợ nần…

Trên đường từ quán nhậu quay về, bọn chúng lẻn vào Hợp tác xã thôn Đông An để lục lọi nhưng không có tiền. Bí quá, chúng tiếp tục bàn nhau chỉ đi cướp thì mới có tiền nên nảy sinh ý định đi mượn súng để hành động. Chúng vào nhà ông Trương Thành Tá giả nói mượn súng để đi bắn con nai chạy lạc, nhưng khi vào đến nhà thì thấy ông Tá đang ngồi lau súng. Cả bọn sà đến xung quanh ông tá đề cập chuyện mượn súng, ông Tá linh tính thấy chuyện không bình thường nên to tiếng dọa bắn, khiến cả bọn co giò bỏ chạy.

Tên cướp máu lạnh

Đại tá Trương Văn Thanh - người từng tham gia vây bắt tên tướng cướp máu lạnh

Khoảng 16 giờ ngày 19/10/1980, Minh bớt, Dũng phân công Luyến đến nhà anh Võ Sáu - thôn đội để cướp súng nhưng không có anh Sáu ở nhà, lục súng cũng chẳng có. Rời nhà anh Sáu, Luyến chạy bộ sang nhà anh Dũng - du kích để tìm cách lấy súng. Đến nơi, Luyến gặp mẹ anh Dũng, rồi nói dối với bà là anh Dũng nhờ chạy về nhà để lấy súng đi bắn heo rừng, hình như súng để trong bồ lúa.

Bà mẹ anh Dũng tưởng thật, vội vàng chạy đến mở bồ lúa ra, không ngờ lại có khẩu súng anh Dũng để trong đó thật. Có súng trong tay, chúng càng quyết tâm thực hiện hành động cướp bóc và trả thù của mình.

Do có thù hằn với cán bộ địa phương từ trước nên Minh bớt nghĩ ra việc thành lập lực lượng để cướp bóc, bắn giết cán bộ địa phương để gây tiếng vang. Nghĩ là làm, hắn hô hào đồng bọn hành động ngay tắp lự. Từ đó, ở nơi đâu có bóng dáng của băng nhóm do Minh bớt cầm đầu là y như rằng ở đó có tiếng súng nổ, có chết chóc tang thương. 

Còn nữa

Lam Thạch Giang
Theo Đời sống Plus/GĐVN