Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:49
RSS

Vụ 2 thiếu niên bị bảo vệ dân phố đánh đập dã man: Xử lý như thế nào những người liên quan?

Chủ nhật, 04/04/2021, 09:56 (GMT+7)

Chuyên gia pháp lý cho rằng, ngoài việc xử lý đối với những người đánh đập dã man 2 em nhỏ thì cũng cần làm rõ động cơ, mục đích của người quay và phát tán clip.

Liên quan đến vụ 2 thiếu niên bị bảo vệ dân phố đánh đập dã man tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố gây xôn xao dư luận, Công an quận 10 (TP.HCM) phối hợp cùng các lực lượng chức năng địa phương đang làm rõ vụ việc.

Trước đó, chiều 1/4 trên mạng xã hội lan truyền clip dài hơn một phút, ghi cảnh hai học sinh bị một người mặc quần áo dân phòng đánh dã man, xung quanh có nhiều người chứng kiến vì nghi ăn trộm. Người mặc quần áo dân phòng liên tục đá, tát vào mặt hai học sinh trên, một trong số hai em liên tục nói "không phải con”.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng khi xem clip lan truyền trên mạng xã hội thì rất nhiều người đã rất bức xúc bởi hành vi sử dụng vũ lực trái phép của hai người trong clip được cho là dân phòng đối với hai em học sinh còn rất nhỏ tuổi.


Người mặc áo bảo vệ dân phố liên tục chửi bới, đánh đập hai thiếu niên (Ảnh cắt từ clip).

"Dù bất cứ lý do gì thì hành vi đánh người như vậy là hành vi vi phạm pháp luật hành vi này xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe danh dự nhân phẩm của người khác, nếu đánh vào chỗ hiểm đối với trẻ em thì có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân", Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Bởi vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ những đối tượng đã đánh cho em đồng thời xác định làm rõ nguyên nhân, hành vi và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

"Do đó, dù vì bất cứ nguyên nhân gì mà người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác mà không nhằm mục đích phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết,… thì hành vi này là trái quy định pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị xem xét, xử lý theo quy định", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Đối với người có chức vụ quyền hạn, người hỗ trợ giúp việc cho cơ quan tiến hành tố tụng bắt giữ người phạm tội, thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì càng phải có ý thức tôn trọng quyền con người, tôn trọng tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của công dân, chỉ được phép thực hiện những công việc mà pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ. Hành vi bức cùng, dùng nhục hình trong tố tụng hình sự cũng là hành vi vi phạm pháp luật, người nào vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Trong vụ việc này, hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của hai em học sinh và hành vi đánh đập tàn nhẫn hai em học sinh như vậy là vi phạm pháp luật, bởi vậy nếu hành vi của những người này gây tổn hại sức khỏe cho hai em học sinh dù chỉ từ 1% thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết phạm tội với người dưới 16 tuổi", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.


Hình ảnh 2 thiếu niên bị đánh đập dã man trong phòng giám thị khiến dư luận phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip).

Trường hợp nếu hành vi không gây thương tích, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì những người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài chế tài xử lý nêu trên thì người vi phạm còn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại do có hành vi xâm phạm sức khỏe người khác, bao gồm chi phí điều trị hợp lý, tổn thất tinh thần,…. cho người bị hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Chuyên gia pháp lý này cho rằng, đối với người quay clip và đăng tải lên mạng xã hội, cơ quan chức năng sẽ làm rõ động cơ mục đích là gì, nếu nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của hai em học sinh này thì người này cũng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm nhục người khác.

Vấn đề này cần phải xác minh làm rõ để giải quyết triệt để các vấn đề theo nguyên tắc ai sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó, để đảm bảo xã hội công bằng, văn minh.


Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Riêng đối với hai em học sinh, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, nếu có căn cứ xác định các em có hành vi trộm cắp tài sản thì cần xem xét độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, giá trị tài sản bị trộm cắp thì mới có căn cứ xử lý theo quy định.

"Cụ thể, nếu các em học sinh chưa đủ 14 tuổi thì không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Trộm cắp tài sản. Trong trường hợp các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Do đó, trong trường hợp này cần xác định hành vi cụ thể và giá trị tài sản bị trộm cắp thì mới có căn cứ xử lý hình sự đối với các em học sinh này", Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Vụ việc này các cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ các đối tượng đã đánh hai em học sinh, làm rõ trách nhiệm pháp lý có liên quan.

Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, nếu đến mức có thể xem xét xử lý hình sự thì cần xử lý hình sự để đảm bảo dân ta, phòng ngừa chung cho xã hội. Với các đơn vị, tổ chức sử dụng lực lượng này thì cũng phải xem xét đến trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng lực lượng trong thi hành công vụ.

Nam Anh
Theo Gia Đình Việt Nam