Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:05
RSS

'Vỡ trận' dịch tả lợn châu Phi hay công tác phòng chống chưa nghiêm?

Thứ hai, 13/05/2019, 10:26 (GMT+7)

Sau gần 4 tháng dịch được phát hiện vào Việt Nam, nhiều nơi vẫn không kiểm soát dập dịch tả lợn châu Phi hiệu quả. Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình... lợn chết vứt bừa bãi, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Lao Động dẫn nguồn báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đã xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy lên tới trên 1,22 triệu con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước.

Dịch ASF là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh. Virus dịch ASF có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh); có khả năng chịu được nhiệt độ 56°C trong 70 phút, 70°C trong 20 phút, 100°C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Khi xâm nhiễm vào Việt Nam dịch bệnh đã liên tục lan rộng do đường lây truyền của virus dịch tả lợn Châu Phi rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra; việc sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi còn phổ biến; việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh và chống dịch tại một số nơi còn nhiều tồn tại, bất cập…

Nhiều nơi có biểu hiện 'vỡ trận' trong kiểm soát dập dịch tả lợn châu Phi
Sông Hóa đoạn qua cầu phao, thuộc xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ảnh: VNE

Đáng nói, sau gần 4 tháng dịch được phát hiện vào Việt Nam, nhiều nơi đã có biểu hiện “vỡ trận” trong kiểm soát dập dịch. Theo Dân Việt, đoạn video ghi lại cảnh rất nhiều xác lợn chết bốc mùi hôi thối trôi dọc con mương thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang khiến người dân vô cùng bức xúc.

Tương tự, người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) phản ánh, khu vực cầu phao sông Hóa, đoạn qua xã Cổ Am xuất hiện nhiều xác lợn trong bao tải hoặc vứt thẳng xuống sông, nổi lềnh bềnh, trôi theo dòng nước chảy từ thượng nguồn đổ ra cửa biển Thái Bình, đến đoạn cầu phao thì bị chặn lại cùng các loại rác thải khác, ruồi nhặng bám đầy phía trên.

Ngay sau đó, đại diện lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) thừa nhận trên địa bàn dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp diễn và một số hộ chăn nuôi thiếu ý thức lén lút vứt lợn chết ra kênh.

Hiện nay, đa phần các tỉnh thành đã và đang có dịch tả lợn châu Phi hiện mới chỉ công bố dịch ở mức độ diện hẹp quy mô cấp xã. Tuy nhiên, thực tế một số huyện thuộc các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh… sau một thời gian dài chống dịch, lượng lợn phải tiêu hủy quá nhiều khiến một bộ phận cán bộ thú y xã bị quá sức và có tâm lý buông xuôi.

Nhiều nơi có biểu hiện 'vỡ trận' trong kiểm soát dập dịch tả lợn châu Phi
Tiêu hủy lợn bệnh ở Thanh Hóa. Ảnh: Lao Động

“Lợn chết nhiều quá, không còn đất chôn, dân có kêu thì chúng tôi cũng đành chịu”, một cán bộ thú y xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên chia sẻ.

Theo Bộ NNPTNT, chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ ở nước ta còn trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, mật độ chăn nuôi rất cao, đan xen trong các khu dân cư, nhất là tại các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Do vậy việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền bệnh mầm bệnh như chuột, gián và các loại côn trùng khác... để cắt đứt các nguồn lây nhiễm là rất khó. Mặt khác, diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan ở các vùng miền của cả nước.

Trước đó, nhóm chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần cân nhắc “công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch tả lợn châu Phi”. Tuy nhiên, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã bác bỏ khuyến nghị này.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã có chuyến kiểm tra thực tế tại Bắc Giang. Chứng kiến nhiều xác lợn chết trôi nổi trên sông, người dân nói lớn chết từ Thái Nguyên trôi về, ngay lập tức, Thứ trưởng Tiến đã chỉ đạo 2 địa phương cùng ngồi lại với nhau bàn cách xử lý, phải huy động thêm lực lượng, thậm chí phải huy động công an vào cuộc điều tra, xử lý những trường hợp vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường như vậy.

Lợn chết đầy sân tại một hộ chăn nuôi ở Việt Yên (Bắc Giang), nhưng không được đưa đi tiêu hủy. Ảnh:  NNVN

Nói về tình hình thực tế dịch tả lợn Châu Phi hiện nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ trên Dân Việt: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, rồi lãnh đạo Bộ NNPTNT, lãnh đạo Cục Thú y, lãnh đạo nhiều địa phương thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo liên tục, có tỉnh thi hành chỉ đạo tốt, song vẫn có nhiều tỉnh không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trước pháp luật trước Thủ tướng là chưa nghiêm, để xảy ra việc chôn lợn chết, tiêu huỷ lợn bệnh ở một số địa phương chưa đúng quy trình.

Qua kiểm tra một số tỉnh làm rất tốt, nhưng một số nơi như Bắc Giang, Thái Nguyên hay Hải Phòng cũng phải vớt gần 400 con lợn chết trôi trên kênh mương. Hay như ở Nam Định, để lợn chết mấy ngày trong nhà dân mới kiểm tra đem đi chôn. Trong khi đặc thù của bệnh này không có thuốc chữa, virus tồn tại lâu trong môi trường và khó tiêu diệt, nhiệt độ 70 độ C trong 20 phút mới chết.

Đường lây truyền dịch bệnh này vô cùng phức tạp, qua phương tiện vận chuyển, qua vật chủ trung gian, chim chóc, rồi chuột, ve mềm… trong khi mật độ chăn nuôi của chúng ta rất cao, lợn chết vứt bừa ra môi trường không kiểm soát được. Nguồn dịch bệnh trôi nổi khắp nơi thế này thì việc chống dịch không thể hiệu quả.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN