Việt Nam đang có khoảng 10000 tàu cá 'mắc cạn', tạm nằm bờ. Ảnh minh họa theo báo Quảng Bình.
Tổng cục Thủy sản vừa cho biết nước ta đang có khoảng 10.000 tàu cá dài 15-24 mét chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, có nguy cơ phải tạm nằm bờ.
Thông tin trên báo Tiền Phong, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các tỉnh, thành ven biển đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT – ông Nguyễn Quang Hùng cho biết: “Theo Luật Thủy sản, tàu cá đánh bắt xa bờ (dài 15 mét trở lên) phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Chủ tàu phải trả tiền mua thiết bị và chi phí dịch vụ thuê bao kèm theo.
Theo Nghị định 26/2019, tàu dài 24 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị GSHT trước 1/7/2019; tàu dài 15-24 mét phải lắp trước 1/1/2020 với nghề câu, lưới kéo, hoặc trước 1/4/2020 với các nghề cá khác”. Việc lắp đặt thiết bị GSHT trên các tàu cá là bắt buộc, nhằm quản lý và giúp nghề cá phát triển bền vững, chống lại việc khai thác bất hợp pháp. Hiện, Bộ NN&PTNT đã thành lập Trung tâm Giám sát tàu cá Trung ương đặt tại Tổng cục Thủy sản để theo dõi, kiểm soát toàn bộ tàu số tàu đã được lắp đặt thiết bị GSHT, đồng thời phân quyền quản lý cho 28 địa phương theo dõi số tàu cá của mình.
Hiện nay, một bộ thiết bị GSHT có giá 20-25 triệu đồng/bộ, phí dịch vụ vệ tinh khoảng 300.000 đồng - 500.000 đồng/tháng. Ông Hùng nói: “Việc lắp đặt một phần do nhiều chủ tàu chưa ý thức tuân thủ các quy định, một bộ phận chủ tàu do khai thác khó khăn nên chưa có kinh phí triển khai”.
Nhiều địa phương đã tạm dừng việc cho phép tàu chưa lắp đặt thiết bị GSHT ra khơi, nên hàng nghìn tàu cá có nguy cơ phải tạm nằm bờ. Ngoài ra, có tình trạng tàu cá đã lắp thiết bị, nhưng khi khai thác trên biển lại tắt thiết bị, ngắt kết nối. Cả nước đang có 2.600 tàu cá dài 24 mét trở lên và hầu hết tất cả ở thời điểm hiện tại đã hoàn thiện lắp đặt thiết bị GSHT. Đối với tàu cá dài từ 15-24 mét hiện mới chỉ 18.000/28.000 tàu lắp đặt. Được biết, các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế… đạt tỷ lệ lắp đặt 90% trở lên. Một số tỉnh, thành khác tỷ lệ chỉ đạt 20-30%.
Theo quy định hiện hành, việc chủ tàu không tuân thủ việc lắp đặt này sẽ bị phạt rất nặng. Tàu cá dài 24 mét trở lên không lắp thiết bị khi khai thác trên biển sẽ bị phạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng; với tàu 15-24 mét, mức phạt là 300-500 triệu đồng, thậm chí 500-700 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần. Tàu 24 mét trở lên đã lắp đặt nhưng không bật hoặc vô hiệu hóa thiết bị trong quá trình khai thác sẽ bị phạt 300-500 triệu đồng. Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân sớm lắp đặt thiết bị GSHT để tất cả các tàu cá đều được hoạt động bình thường, tránh tình trạng “mắc cạn” kéo dài.