Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:21
RSS

Viện phí 2,2 triệu đồng, BOT phí 2,8 triệu đồng

Thứ hai, 10/04/2017, 14:07 (GMT+7)

Bị đau ruột thừa, từ bên này sang bên kia cầu để mổ và điều trị hết 2,2 triệu đồng viện phí nhưng tiền qua lại trạm thu phí BOT tốn gần 2,8 triệu đồng dù không đi mét đường nào trên dự án BOT!

Đó là một trong nhiều nỗi khổ và phi lý mà người dân H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh phản ánh họ phải gánh chịu nhiều năm nay, liên quan đến Trạm thu phí đường bộ Bến Thủy (TP.Vinh, Nghệ An).

Nỗi sợ hãi của người có ô tô

Tích cóp mãi mới sắm được chiếc ô tô bán tải, khi có việc thực sự cần thiết, anh Nguyễn Xuân Hải (ngụ TT.Xuân An, H.Nghi Xuân) mới dám chạy ô tô qua TP.Vinh dù nhà chỉ cách trung tâm TP này khoảng hơn 3 km vì phải mất 80.000 đồng đi, về qua Trạm thu phí Bến Thủy.

Mỗi khi mưa gió, lái xe chở con đi học thêm ở TP.Vinh, khi con vào lớp, anh Hải lại tấp xe vào lề đường, ngả ghế nằm đợi đón con về, không dám về nhà rồi quay lại vì sợ tốn phí đường bộ. “Nhiều bữa con đòi đi TP.Vinh chơi nhưng nghĩ phải mất oan 80.000 đồng qua trạm thu phí nên thôi, bấm bụng ở nhà”, anh Hải nói. 

Chị Nguyễn Thị Lan Hương (ngụ TT.Xuân An) cho biết cách đây 3 tháng, con chị bị đau ruột thừa, phải chuyển sang Bệnh viện đa khoa Nghệ An để mổ.

Do con điều trị tại bệnh viện nên vợ chồng chị phải thay nhau lái ô tô đi về nhà nhiều lần trong ngày, riêng tiền mua vé qua Trạm thu phí Bến Thủy cho việc đi lại chăm con trong 8 ngày tốn gần 2,8 triệu đồng, trong khi tiền viện phí chỉ tốn 2,2 triệu đồng.

“Từ nhà chúng tôi sang TP.Vinh không có mét đường nào của dự án BOT nhưng cứ phải đóng tiền, tại sao chúng tôi phải gánh chịu sự phi lý này”, chị Hương bức xúc.

Người dân tụ tập trước khu vực BOT Bến Thủy để phản đối. 

Còn anh Trần Văn Toàn (ngụ TT.Nghi Xuân) kể sáng sớm vợ anh lái ô tô 4 chỗ chở con gái sang TP.Vinh học. Từ nhà, đi khoảng 4 km lên TT.Xuân An, vợ anh để ô tô lại, mượn xe máy của một người bà con “tăng bo” qua TP.Vinh để khỏi mất phí qua trạm Bến Thủy.

Nhưng cách này cũng chỉ áp dụng được với những ngày nắng, còn ngày mưa vẫn phải bấm bụng mất 80.000 đồng để lái xe chở con đến trường và chừng ấy tiền để buổi chiều đón về dù xe không đi mét nào trên đường BOT.

Không chỉ bức xúc vì mất tiền oan cho trạm thu phí, anh Trịnh Ngọc Hòa (ngụ TT.Xuân An, công tác tại Trường ĐH Vinh) nói hằng ngày anh phải đi làm nên mua vé tháng, quý nhằm tiết kiệm hơn khi qua trạm Bến Thủy.

Nhưng mỗi tháng trạm vé chỉ dành 3 ngày trong giờ hành chính để bán vé quý và tháng (người dân địa phương được giảm giá thấp hơn) trong khi có cả ngàn xe cần mua nên luôn bị quá tải.

“Thái độ của nhân viên bán vé lại rất trịch thượng, kiểu ban ơn, coi thường người mua. Chúng tôi tập trung phản đối, mục đích là đề nghị không được thu phí đối với người dân địa phương hai bên trạm thu phí này vì chúng tôi không hề sử dụng dịch vụ BOT của Cienco 4”, anh Hòa bất bình.

Trả lời Thanh Niên, ông Võ Nghệ Sĩ, Giám đốc chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh, cho rằng do lượng nhân viên có hạn nên trạm vé chỉ bố trí người để bán vé tháng, quý mỗi tháng 3 ngày. Còn thái độ nhân viên bán vé tháng, ông Sĩ nói: “Chúng tôi kiểm tra lại thái độ nhân viên bán vé, nếu đúng như người dân phản ánh chúng tôi sẽ xử lý”.

Xe buýt cũng đóng phí oan

Không chỉ người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt tại Hà Tĩnh cũng phải đóng oan hàng trăm triệu đồng mỗi năm tiền phí qua trạm Bến Thủy. Xe buýt Thọ Lam hoạt động từ đầu năm 2015, chạy tuyến Hương Sơn - Hồng Lĩnh - TP.Vinh. Dù lộ trình không hề có mét đường nào thuộc dự án BOT nhưng khi qua trạm Bến Thủy, vẫn phải nộp phí.

Ông Phạm Văn Hữu, cán bộ điều hành xe buýt Thọ Lam, cho biết doanh nghiệp có 20 đầu xe chuyên chạy tuyến cố định trên, sau nhiều lần gửi văn bản đề nghị, Cienco 4 mới “ban đặc ân” cho 13 xe được áp phí 1,2 triệu đồng/tháng, 7 xe còn lại vẫn phải đóng 1,65 triệu đồng/tháng như các loại xe khác đi trên đường BOT.

“Mỗi tháng chúng tôi phải đóng bình quân 30 triệu đồng tiền phí qua trạm dù không hề sử dụng dịch vụ BOT, thử hỏi ai không bức xúc!”, ông Hữu than thở.

Hàng trăm xe ô tô của người dân H.Nghi Xuân, cùng ra Trạm thu phí Bến Thủy để phản đối việc họ không đi trên đường BOT vẫn bị thu phí.

Cùng cảnh ngộ, 11 đầu xe buýt chạy tuyến TP.Hà Tĩnh - Lộc Hà - Nghi Xuân - TP.Vinh của Công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh dù không chạy trên đường BOT nhưng khi qua trạm Bến Thủy vẫn phải đóng phí.

Ông Nguyễn Mậu Đức, cán bộ doanh nghiệp này, cho biết mỗi tháng, mỗi đầu xe phải đóng 1,2 triệu đồng qua trạm Bến Thủy. “Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản cho Cienco 4 phản đối việc thu phí vô lý này nhưng họ không phản hồi”, ông Đức nói.

Vạ lây dân nghèo

Anh Hoàng Thanh Chung, người chuyên chạy xe tải nhỏ sang TP.Vinh lấy hàng về H.Nghi Xuân, cho biết do khoảng cách quá gần, người dân ở H.Nghi Xuân thường xuyên sang TP.Vinh mua hàng tiêu dùng. Nhưng sản phẩm khi vận chuyển về, dù xe không đi trên đường BOT vẫn phải trả phí qua trạm, buộc chi phí đội lên và người dân phải gánh.

Từ Nghi Xuân có việc phải gọi xe taxi sang TP.Vinh hoặc ngược lại, mỗi lần đi, người dân phải gánh thêm 80.000 đồng qua trạm thu phí này dù không đi đường BOT. Có khi tiền phí qua trạm còn cao hơn cả tiền cước taxi. Nhiều khách sạn, nhà hàng ở TT.Xuân An cũng ế ẩm khi trạm thu phí này hoạt động khiến nó trở nên xa cách với TP.Vinh dù chỉ cách một cây cầu Bến Thủy.

Tài xế chơi lầy dùng hàng xấp tiền lẻ mua vé. Nguồn: Nguyễn Hải
 

Khánh Hoan
Theo Thanh Niên