I - Vi khuẩn HP dạ dày dương tính là gì?
Helicobacter Pylori (Vi khuẩn HP) -là một loại trực khuẩn gram (-), thường sống ký sinh trong dạ dày người. Enzym urease do vi khuẩn tiết ra có khả năng phân giải urê thành NH3, tạo thành một lớp bảo vệ bên ngoài, giúp chúng không bị tiêu diệt trong môi trường axit cao.
Đồng thời, enzym cat glico proteinase, lipase và catalase trong loại vi khuẩn này có khả năng phá hủy lớp nhầy ở niêm mạc dạ dày. Việc này tạo điều kiện cho chúng xâm nhập và bám chắc và các thụ thể tế bào, cùng với NH3 gây độc cho thành niêm mạc.
Sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày có thể gây bệnh viêm dạ dày HP dương tính cùng một số bệnh về đường tiêu hóa. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng Viêm loét dạ dày
Ước tính, 70% dân số Việt Nam và 50% dân số thế giới bị nhiễm khuẩn HP trong dạ dày. Trong đó, trẻ em là đối tượng có tỷ lệ mắc cao nhất do hệ miễn dịch còn non yếu, không cẩn thận vệ sinh ăn uống và dễ bị lây nhiễm từ người lớn.
II - Các nguyên nhân gây HP dạ dày dương tính
Viêm dạ dày HP dương tính do vi khuẩn HP có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Ăn uống không hợp vệ sinh, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, đồ sống hoặc chưa chế biến kỹ.
- Tiếp xúc với người bị viêm dạ dày HP dương tính qua đường nước bọt, ăn uống chung. Đặc biệt là thói quen hôn hoặc mớm cơm cho trẻ con ở người lớn.
- Dùng chung các vật dụng cá nhân như thìa, đũa, bát, cốc, bàn chải đánh răng... với người bị viêm dạ dày HP dương tính.
- Tiếp xúc với phân hoặc chất thải của người bị nhiễm khuẩn HP.
- Sử dụng dụng cụ y tế chưa được vệ sinh, khử trùng đúng cách sau khi thăm khám cho người bệnh, đặc biệt là thủ thuật nội soi bằng ống trong chẩn đoán tổn thương ở thực quản và dạ dày.
- Không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
III - Chẩn đoán HP dạ dày dương tính thế nào?
Thông thường, người bệnh rất khó để tự nhận biết bản thân bị nhiễm khuẩn HP do loại bệnh lý này không biểu hiện bằng những triệu chứng cụ thể khi ở giai đoạn ban đầu. Khi tình trạng đã diễn tiến nặng, người bệnh mới xuất hiện một số biểu hiện bất thường như đau thượng vị, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đi ngoài ra phân có lẫn máu... Nếu không chẩn đoán và xử lý kịp thời, bệnh có nguy cơ tái phát và phát triển thành dạng mạn tính, rất khó điều trị dứt điểm.
Để chẩn đoán viêm dạ dày HP dương tính, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm như:
- Nội soi: Sử dụng ống nội soi có gắn camera đưa vào dạ dày thông qua thực quản để xác định vị trí niêm mạc bị tổn thương, quan sát hình dáng vết loét và có thể lấy sinh thiết để xét nghiệm Clo Test. Thủ thuật này được ứng dụng phổ biến vì nó có thể giúp các bác sĩ dễ dàng đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh, tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có thể đáp ứng được loại xét nghiệm này.
- Kiểm tra hơi thở: Sử dụng thiết bị test vi khuẩn HP dạng giống thẻ ATM hoặc quả bóng, yêu cầu bệnh nhân thổi vào đó và tiến hành kiểm tra, phân tích các chỉ số để xác định bệnh nhân có bị nhiễm khuẩn HP hay không. Phương pháp này dễ thực hiện, thời gian test nhanh và có thể áp dụng với nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, đặc biệt là trẻ em vì không gây đau đớn hay khó chịu như nội soi.
- Xét nghiệm máu: Khi dạ dày bị nhiễm khuẩn HP, cơ thể sẽ tự động sản sinh kháng thể HP để chống lại hoạt động của vi khuẩn. Người bệnh sẽ được lấy máu và tiến hành xác định xem có kháng thể trong máu không. Tuy nhiên phương pháp này có độ chính xác không cao do kháng thể có thể không xuất hiện trong máu mà tồn tại ở đường ruột hoặc khoang miệng, hoặc nồng độ kháng thể HP trong mẫu bệnh phẩm thấp hơn độ nhạy của kit thử. Chính vì thế, cần kết hợp với biện pháp khác để có kết luận chính xác.
- Xét nghiệm phân: Kháng nguyên chống lại vi khuẩn HP có thể được tìm thấy trong phân của người bệnh. Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghi viêm dạ dày HP dương tính, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tự lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà, với điều kiện không dùng thuốc kháng sinh, bao vết loét dạ dày, thuốc trung hòa axit, kháng axit trong 2 tuần trước khi tiến hành xét nghiệm. Hóa chất phản ứng với vi khuẩn HP và chất tạo màu đặc biệt được sử dụng để xác định sự tồn tại của khuẩn trong mẫu phân.
IV - Viêm dạ dày HP dương tính có nguy hiểm không?
Tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng việc nhiễm vi khuẩn HP gây nên viêm dạ dày HP dương tính trong suốt thời gian dài có khả năng dẫn đến biến chứng và gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm.
Một số biến chứng có thể gặp phải do vi khuẩn HP dương tính:
- Viêm loét dạ dày cấp và mạn tính.
- Xuất huyết dạ dày.
- Viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Hẹp môn vị.
- Chứng khó tiêu chức năng.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
- Thủng dạ dày.
- Ung thư dạ dày.
Ngoài ra, các triệu chứng điển hình của viêm dạ dày HP dương tính như đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, khó thở, da tái, tụt huyết áp, lạnh tứ chi... cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
V - Điều trị vi khuẩn HP dạ dày dương tính thế nào?
Khi được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh sẽ phải tuân theo phác đồ điều trị tương ứng với thể trạng bệnh. Mục đích chính là loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể, phục hồi niêm mạc dạ dày, ngăn không cho vết loét lan rộng và hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng. Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm dạ dày HP dương tính bao gồm:
- Nhóm thuốc ức chế bơm proton, thường là omeprazol.
- Thuốc kháng sinh: Amoxicillin, Clarithromycin, Metronidazole, Tinidazole.
- Bismuth subsalicylate.
Người bệnh sẽ được yêu cầu thăm khám và thực hiện các xét nghiệm nêu trên sau khi kết thúc tối thiểu 4 tuần điều trị để đánh giá mức độ đáp ứng với phác đồ điều trị. Nếu xác định được vi khuẩn HP trong mẫu bệnh phẩm thì người bệnh sẽ được yêu cầu điều trị tiếp đợt 2. Phác đồ điều trị sẽ thay đổi ít nhất 1 loại thuốc so với đợt 1. Bệnh nhân không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng uống thuốc khi chưa có sự can thiệp của bác sĩ.
VI - Lưu ý để ngăn ngừa viêm HP dạ dày dương tính
Tình trạng nhiễm khuẩn HP hoặc tái nhiễm có nguy cơ rất cao xảy ra khi bệnh nhân có lối sống không lành mạnh hoặc không tuân thủ theo đúng yêu cầu của bác sĩ. Chính vì thế, để ngăn ngừa viêm dạ dày HP dương tính và tái viêm, bạn hãy thực hiện một số lưu ý quan trọng như sau:
- Không ăn thực phẩm không hợp vệ sinh, đồ ăn tái, sống, cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ chua, đồ ôi thiu, hết hạn sử dụng.
- Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Ăn đúng giờ, đủ bữa, không ăn kiêng quá độ, nhịn đói hoặc ăn quá no.
- Dùng nước sạch để chế biến thức ăn, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu và nhà bếp để an toàn sức khỏe
- Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, kích thích cơ chế thải độc tự nhiên của cơ thể.
- Giữ tâm trạng lạc quan, vui vẻ, nghỉ ngơi khoa học, không làm việc quá sức.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân và hạn chế tiếp xúc với người bị nhiễm khuẩn HP.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các vấn đề về đường tiêu hóa sớm nhất.
Việc ngăn ngừa và chữa trị viêm dạ dày HP dương tính cần được thực hiện theo đúng chỉ định từ bác sĩ để mang đến hiệu quả tốt nhất, giảm nguy cơ biến chứng và bảo vệ tốt hệ thống tiêu hóa của cơ thể. Hy vọng thông tin từ bài viết cung cấp đến khách hàng những kiến thức quan trọng về bệnh dạ dày HP dương tính.