Thứ ba, 23/04/2024 | 10:17
RSS

Vì sao nam sinh không mặn mà với ngành sư phạm?

Thứ hai, 27/12/2021, 07:00 (GMT+7)

Ở bậc tiểu học, giáo viên nam là của hiếm. Thế nhưng, ở những bậc học cao hơn, vẫn có sự mất cân bằng giới tính khi chỉ có khoảng từ 1/4 đến 1/3 nhân sự là nam.


Thầy Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu luôn thu xếp thời gian tham gia các hoạt động ngoài giờ với học sinh.

Theo các chuyên gia giáo dục điều này, về lâu dài, sẽ để lại những ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh và cả trong hội đồng sư phạm nhà trường. 

Yêu ngành nhưng không chọn nghề

Trong khi chờ điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT  2021, Đặng Văn Quang - chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam) đã xin cô giáo chủ nhiệm cho em được… dạy học. Quang “đứng lớp” chia sẻ về phương pháp học cho các em chuyên Văn vừa trúng tuyển vào trường được 10 buổi thì phải dừng lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My (Nam Trà My, Quảng Nam) duy trì mô hình trợ lý giáo viên chủ nhiệm. Theo đó, nếu giáo viên chủ nhiệm là nữ thì nhà trường sẽ phân công trợ lý giáo viên chủ nhiệm là nam.

Theo thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng nhà trường, với mô hình này, học sinh sẽ có sự tin tưởng để có thể chia sẻ những vấn đề khó nói, thầm kín về giới tính với thầy giáo, cô giáo mà không có rào cản về giới. Học sinh nhà trường đều ở nội trú, sự hỗ trợ của thầy cô giáo trong những vấn đề này là rất cần thiết. Ngoài ra, trong các hoạt động ngoại khóa, việc có cả thầy giáo, cô giáo phụ trách một lớp học sẽ đảm bảo hỗ trợ tốt cho học trò trong các hoạt động như cắm trại, văn nghệ, thể dục thể thao…

Bằng những trải nghiệm của bản thân, chủ nhân của điểm 10 môn Ngữ văn đã truyền cảm hứng học tập bộ môn cho những khóa sau, rằng lựa chọn học Văn sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống. Đặng Văn Quang hào hứng kể: “Em rất tự tin khi đứng lớp. Nếu lo sợ và hoài nghi về năng lực cũng như những kiến thức mình có thì rất khó để có thể truyền đạt trước chừng đó con người, nhất là các em khóa dưới.

Chính sự tự tin về năng lực, kinh nghiệm của mình cùng với niềm đam mê em muốn lan tỏa đến các em khóa dưới về phương pháp học thế nào cho phù hợp để môn Văn không trở thành môn học nặng nề”.

Trước đó, Quang trúng tuyển theo diện xét tuyển thẳng vào ngành Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Những ngày chia sẻ kinh nghiệm học tập với các em khóa dưới, Quang cũng đã từng thoáng qua suy nghĩ đến việc thay đổi ngành học, trường học.

“Nhìn các em say sưa nghe giảng, em chợt nghĩ hay mình thay đổi nguyện vọng, chọn theo ngành sư phạm. Em đã gắn bó với môn Văn trong một thời gian dài, có được một số thành tích nhất định. Nên em cũng muốn rẽ sang một hướng khác để thử sức”, Quang trải lòng.

Rất nhiều nam sinh giỏi đã không lựa chọn theo ngành sư phạm như Đặng Văn Quang. Châu Quang Hưng - Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) kể vì rất ngưỡng mộ cách dạy học của thầy giáo dạy môn Sinh học nên em ấp ủ theo đuổi ước mơ sẽ trở thành giáo viên. Hưng đầu tư nhiều thời gian để học tốt môn Sinh học với dự định sẽ nộp đơn xét tuyển vào một trường ĐH sư phạm nào đó. Nhưng rồi, theo sự tư vấn của gia đình, em chuyển hướng theo khối ngành sức khỏe

“Theo như ba mẹ em thì ngành sư phạm ra trường khó xin được việc làm, lương lại thấp, khó để lo được cho gia đình và bản thân. Kinh tế của nhà em cũng chỉ ở mức trung bình nên em phải cân nhắc nhiều khi chọn hướng đi cho tương lai. Cuối cùng, em quyết định đăng ký xét tuyển vào ngành răng – hàm – mặt”, Hưng kể.

Dù được gia đình ủng hộ theo ngành sư phạm, và trong suốt những năm học phổ thông vẫn rất thích trở thành thầy giáo nhưng Nguyễn Hữu Trọng (Trường THPT Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn quyết định chọn theo ngành CNTT để học đại học.

“Khi tìm hiểu thông tin về các ngành nghề, em thấy CNTT là ngành học có đầu ra rất rộng, thu nhập của một kỹ sư mới ra trường cũng khá cao. Trong khi đó, ngành sư phạm thì cơ hội việc làm không nhiều mà điểm đầu vào cũng không phải là thấp. Tuy nhiên, lý do lớn nhất để em không lựa chọn theo nghề sư phạm vì em tự thấy tình yêu của mình với nghề dạy học chưa đủ lớn”, Trọng cho biết.

Nhìn tỉ lệ nam – nữ đầu vào của các trường đào tạo sư phạm cũng có thể hình dung được sự mất cân bằng giới ở các trường học khối phổ thông. Mùa tuyển sinh năm 2021, khối các ngành đào tạo sư phạm thuộc Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng có 1.852 tân sinh viên, trong đó chỉ có 253  nam sinh, chiếm tỉ lệ 13,6%.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh Sinh – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm thì tỉ lệ sinh viên nam trúng tuyển vào ngành sư phạm giảm qua từng năm. Nếu năm 2016, sinh viên nam đạt 22,6% thì năm 2019 còn 15,2%, năm 2020 giảm xuống   còn 14,1% và đến năm 2021 chỉ còn 13,6%.


Những nam sinh học giỏi ngày nay không mấy mặn mà với ngành sư phạm. Ảnh minh họa

Vắng bóng “phái mạnh”

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có 3 nam trong tổng số gần 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong số này, có 2 nam là bảo vệ và cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Cho dù không thể định lượng được nhưng với một tập thể quá đông nữ thì sự mất cân bằng về tâm lý là có. Với những hoạt động ngoài giờ thậm chí là hoạt động lên lớp, nếu các cô giáo muốn có sự hỗ trợ của giáo viên nam thì gần như là không có. Trường chúng tôi chỉ có tôi là nam và đang làm công tác quản lý nhưng cũng gần như xắn tay tham gia cả công tác hậu cần cho những hoạt động cần sự xốc vác khi tổ chức hoạt động ngoài giờ, phòng chống bão…”.

Không chỉ ở bậc tiểu học, ở các bậc học khác, tỉ lệ giáo viên nam quá thấp so với nữ. Quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), ở bậc tiểu học có 10% giáo viên là nam, THCS: 20%, THPT: 30%. Đây gần như cũng là tỉ lệ chung của toàn thành phố Đà Nẵng. Ngay như bậc THPT được xem là bậc học có nhiều giáo viên nam hơn so với các bậc học khác thì trường nào nhiều nhất vẫn chỉ ở mức khoảng 35%.

Một cán bộ thuộc Phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho biết, nhiều trường THPT cứ đến mùa thi tuyển công chức thì lại liên hệ với Sở đề nghị được bổ nhiệm thêm giáo viên nam do quá thiếu. Thế nhưng, trong mùa thi tuyển công chức năm 2020, chỉ tiêu xác suất toàn thành phồ cũng chỉ có khoảng 30 giáo viên nam trong tổng số 100 thí sinh đỗ.

Có những môn học như Thể dục, Tin học… nếu hơn chục năm trước đây chủ yếu là do giáo viên nam giảng dạy thì những năm gần đây, tỉ lệ nam – nữ đã gần như cân bằng. Tổ Thể dục và Tổ Tin học của Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), mỗi tổ đều có 6 thầy giáo và 5 cô giáo. Có những trường có cả giáo viên nữ dạy môn Giáo dục Quốc phòng.

Số liệu thống kê của ngành sư phạm ở năm 2019, có 76% nhân lực sư phạm là nữ. Nhân sự nam chỉ chiếm chưa đến 1/4 mà trong số đó, nhiều người không trực tiếp đứng lớp mà đảm nhiệm công tác quản lý các cấp và lãnh đạo trường học, bảo vệ… Nghĩa là số giáo viên là nam không đáng kể so với số lượng giáo viên nữ.

Bà Trần Thị Thúy Hà -Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) - nhận xét: Có nhiều hoạt động và công việc ở trường cần sức nam giới như chèn chống trường lớp vào mùa mưa bão, sửa chữa, thay thế các trang thiết bị nhỏ bị hư hỏng như bóng đèn, vòi nước… hoặc có sự cố hay tổ chức đi cắm trại…

“Ở những trường ít hoặc không có giáo viên nam thì giáo viên nữ họ sẽ vẫn cáng đáng hết những công việc này. Nhưng nếu các trường học có sự cân bằng giữa giáo viên nam và nữ thì sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo viên nữ có điều kiện hơn để chăm lo cho gia đình sau giờ lên lớp”.

Không chỉ có các hoạt động ngoài giờ, việc mất cân bằng giới trong môi trường học đường còn là một thiệt thòi đối với cả học sinh nam lẫn nữ trong giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tâm lý, giới tính cũng như hình thành tính cách cho học sinh. Những vướng mắc, xung đột trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; những thay đổi về tâm sinh lý của tuổi học trò, nếu không được giải quyết kịp thời, có khi sẽ để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc.


Tỷ lệ giáo viên nam quá thấp so với nữ ở các cấp học. Ảnh minh họa

Những khoảng trống trong giáo án

Câu chuyện của Ngô H.P. (cựu học sinh Trường THPT Quang Trung, TP Đà Nẵng) như là một minh chứng về điểm tựa từ người thầy: “Đến lần thứ 5 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi mới có được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Thời đi học không suy nghĩ sâu sắc, chủ yếu làm theo cảm tính, mải chơi nên lơ là trong học tập, nghĩ chuyện học không quan trọng nên thi cử rớt lên rớt xuống”. Mất 3 năm, từ năm 2005 cho đến 2007, P. có 5 lần dự thi tốt nghiệp THPT.

“Năm nào cũng cắp sách vở đến trường xin học lại các môn dự thi tốt nghiệp với những học sinh khóa sau, cảm giác lúc đó mới thật thấm thía. Khi biết tôi để ý một cô bé trong lớp ôn thi, thầy giáo dạy Văn đã rủ tôi đi cà phê cùng rồi tìm cách khích lệ. Cách nói chuyện của thầy lúc đó đúng nghĩa như những người đàn ông với nhau, cũng không hẳn là khuyên nhủ theo kiểu sách vở nhưng đánh đúng vào tâm lý muốn khẳng định bản thân nên mình càng quyết tâm hơn để đỗ tốt nghiệp” – P. nhớ lại.

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, nhận định: “Dù chưa có một công trình nghiên cứu nào về vấn đề mất cân bằng giới trong môi trường giáo dục ảnh hưởng thế nào đối với học sinh, nhưng rõ ràng là có sự ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh là có”.

Giáo viên nữ thường nhẹ nhàng thì cũng có thể làm dịu và thu phục được những nam sinh có tính cách hiếu động, cá tính… Thế nhưng, có những trường hợp cũng cần phải có cách xử lý đòi hỏi sự mạnh mẽ, cứng rắn của giáo viên nam để các em không đi chệnh hướng. Chưa kể là công tác tư vấn tâm lý, định hướng cho học sinh nam cũng cần phải có vai trò của thầy giáo.

Đồng ý là tổ tư vấn tâm lý của các trường phổ thông đều có cơ cấu nam – nữ. Nhưng phải là những thầy giáo trực tiếp đứng lớp, có sự gần gũi nhất định với học sinh thì mới tạo được sự tin cậy để các em tìm đến chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tuổi mới lớn về vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (TP Đà Nẵng) - chia sẻ: “Tuy giáo viên nào cũng được đào tạo bài bản về kỹ năng xử lý các tình huống trong sư phạm nhưng giữa thầy giáo và cô giáo luôn có cách xử lý khác nhau. Sự khác nhau trong xử lý, ngoài kinh nghiệm, bản lĩnh của mỗi người, còn do những đặc trưng về giới tính quyết định. Nếu có sự cân bằng về giới tính trong đội ngũ giáo viên thì các trường sẽ thuận lợi hơn trong công tác tư vấn tâm lý cho HS – điều rất quan trọng ở bậc THCS và THPT”. 

Bảo đảm sự cân bằng về giới trong ngành Giáo dục là vấn đề mang tầm vĩ mô. Rất cần thiết phải có các diễn đàn để giới chuyên môn, các nhà tâm lý, xã hội học vào cuộc để hiến kế nhằm giải bài toán về nguồn nhân lực nam trong môi trường giáo dục. Nghề giáo là một nghề đặc thù và đặc biệt. Cần phải có cơ chế đặc thù mới mong giải được bài toán thu hút học sinh giỏi, đặc biệt là học sinh nam giỏi vào học.

Thời bao cấp, khi người học sư phạm được phân công công tác sau khi tốt nghiệp thì số lượng nam giới trong ngành nhiều hơn bây giờ. Bài toán đầu ra và thu nhập của giáo viên trẻ cũng phải được tính đến. Tâm lý chung là trong gia đình, người đàn ông bao giờ cũng là trụ cột kinh tế. Nếu so sánh mức thu nhập của một giáo viên với một kỹ sư CNTT, ngân hàng… thì có thể thấy được bài toán thu nhập cũng là một trong những lý do để nam sinh giỏi không chọn theo con đường sư phạm. - PGS.TS Lưu Trang

 

Hà Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại