'Vết chàm' của ông Phan Văn Vĩnh và lời thú nhận muộn màng
Chiều 6/4, hình ảnh và thông tin nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng vì liên quan đường dây đánh bạc qua mạng quy mô hàng nghìn tỷ đồng xuất hiện trên trang chủ nhiều báo điện tử. Thông tin ban đầu từ các nguồn tin chưa mô tả rõ vai trò của ông Vĩnh. Độc giả hôm đó đã gửi hàng nghìn bình luận bày tỏ quan điểm cá nhân về sự việc được đồn đoán lâu nay trên mạng xã hội.
Cuối giờ chiều, Bộ Công an phát đi bản tin thông báo việc bắt ông Vĩnh. Dòng tin ngắn gọn không giải đáp hết thắc mắc của độc giả về việc tại sao người từng 6 năm đứng đầu Tổng cục Cảnh sát vi phạm pháp luật, ông Vĩnh có vai trò như thế nào trong đường dây đánh bạc được đánh giá là có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Phan Văn Vĩnh (sinh năm 1955, quê Nam Định) từng là đại biểu Quốc hội khóa XII, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước khi làm Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) vào năm 2014, ông là Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, sau đó được bổ nhiệm chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm.
Tên tuổi ông Vĩnh gắn với nhiều vụ án lớn như vụ bắt giữ "bầu" Kiên, vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê Văn Luyện thực hiện hay vụ thảm sát ở Bình Phước.
Trước khi bị bắt tạm giam, trên mạng xã hội đã xuất hiện tin đồn ông Vĩnh cùng một số thuộc cấp của mình nghi có liên quan đến đường dây đánh bạc qua mạng có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong một số cuộc họp báo, giới phóng viên nhiều lần đề cập đến vụ án tuy nhiên trong các phát ngôn đưa ra, Bộ Công an và Tổng cục An ninh đều từ chối thông tin chi tiết.
Từ những phản ứng cũng như diễn biến liên quan đường dây đánh bạc qua mạng, nhiều người có chung nhận định việc khởi tố, xử lý ông Phan Văn Vĩnh chỉ là vấn đề thời gian.
Ngày 6/4, Chủ tịch nước ký quyết định tước danh hiệu công an nhân dân đối với ông Vĩnh. Cùng ngày, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đến nay, cơ quan chức năng xác định ông Vĩnh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để giúp Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) và Nguyễn Văn Dương (một trong những người cầm đầu đường dây) tổ chức đánh bạc trên mạng bằng hình thức game bài RikVip. Việc ông Vĩnh có được hưởng lợi gì hay không đang được cơ quan công an làm rõ.
Tối hôm đó, cuộc khám xét nhà ông Vĩnh ở TP Nam Định diễn ra lặng lẽ, trong mưa phùn lạnh. Lực lượng công an không đi ôtô biển xanh, cũng không xuất hiện rầm rộ. Cửa chính nhà ông Vĩnh đóng kín, người làm nhiệm vụ vào trong khám xét theo lối phía sau, nơi có nhiều cảnh sát chốt chặn.
Căn nhà 3 tầng trên khu đất rộng hàng trăm m2 của ông Vĩnh được cảnh sát khám xét trong gần 4 giờ. Đến 24h hôm đó, cơ quan chức năng mới rời đi.
Chia sẻ với Zing.vn sau khi ông Vĩnh bị bắt, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), nói quyết định khởi tố, bắt tạm giam một cựu lãnh đạo cấp cao trong ngành công an đã thể hiện đúng tinh thần của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm trong xử lý tội phạm.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, có một thực tế đau lòng là dù lực lượng công an làm được hàng nghìn việc tốt, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân nhưng cũng có người không vượt qua được cám dỗ. Tướng Cương cảm thấy tiếc khi "ông Vĩnh tham gia hàng trăm trận đánh án, nhiều lần đối mặt với cái chết đều vượt qua nhưng lại hủy hoại thanh danh trước mấy đồng tiền".
"Ông Vĩnh, ông Hóa đã quên mất lời thề trước Đảng, đó là đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân lên trên hết", tướng Cương nói nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng công an là thâm nhập, lặn sâu vào những góc khuất của xã hội để triệt hạ những tệ nạn, cái ác. Môi trường họ làm việc nhiều cám dỗ và lệch chuẩn, từ đó dẫn đến việc người được giao nhiệm vụ triệt phá tội phạm lại tiếp tay cho tội phạm.
"Tôi sai rồi" - Lời thú nhận của ông Vĩnh sau khi bị bắt cho thấy nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát từ một người là khắc tinh của tội phạm đã không vượt qua được cám dỗ, không ngăn chặn hay báo cáo Bộ Công an triệt phá đường dây đánh bạc liên quan đến cán bộ dưới quyền.
Gần một tháng trước khi ông Phan Văn Vĩnh bị bắt, người từng là thuộc cấp của ông ta - Nguyễn Thanh Hóa (sinh năm 1958, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao) - cũng bị khởi tố, bắt giam về tội Tổ chức đánh bạc. Việc bắt giữ nhân vật này được Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo, xin ý kiến Ban Bí thư sáng 11/3.
Ban Bí thư cho rằng đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng công an, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Ít phút trước cơ quan điều tra tống đạt lệnh bắt, qua điện thoại, ông Hóa vẫn thanh minh với Zing.vn rằng mình không làm gì sai trái. Nguyên Cục trưởng C50 kể ông đã nằm viện nhiều tháng nay và chưa bao giờ phải làm việc với Công an tỉnh Phú Thọ liên quan đến đường dây đánh bạc.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ cơ quan tố tụng nói rằng ông Hóa không có bệnh tật gì, việc ông ta nằm Viện 198 của Bộ Công an sau khi bị đình chỉ công tác chỉ là cái cớ thể hiện sức khỏe kém. Cơ quan điều tra có những căn cứ xác định tình trạng sức khỏe của ông Hóa mà không cần giám định y khoa.
Ngay sau khi bị bắt tại bệnh viện, ông Hóa được di lý về Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, nhốt tại khu vực biệt giam. Tình trạng sức khỏe và tinh thần của cựu Cục trưởng C50 được đánh giá là phù hợp để cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai.
Nguồn tin từ cơ quan tố tụng cho biết bằng hình thức chuyển khoản qua nhiều tài khoản lòng vòng dưới dạng hợp đồng kinh tế, ông Hóa đã nhận từ Nguyễn Văn Dương (một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây đánh bạc xuyên quốc gia) 17 tỷ đồng, trong đó có 12 tỷ đồng thể hiện là tiền nguyên Cục trưởng C50 vay của trùm cờ bạc. Ngoài ra, ông Hóa còn nhận 700 triệu đồng của các bị can dưới dạng quà biếu cám ơn lễ tết, tiền đi nghỉ mát...
Phan Sào Nam, người cầm cầm đầu đường dây, từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc tại Công ty Cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online), cũng khai cho ông Hóa vay tiền, hiện chưa đòi.
Nhiều người thắc mắc vì sao vụ án quy mô đặc biệt lớn, được Ban Bí thư đánh giá là phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương lại được Bộ Công an giao cho Công an Phú Thọ thụ lý mà không phải các cục nghiệp vụ?
Theo trung tướng Hoàng Phước Thuận (Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công an), đầu năm 2017, Bộ Công an đã xác lập chuyên án do Bộ trưởng Tô Lâm làm trưởng ban để đấu tranh với đường dây đánh bạc qua mạng. Cuối tháng 8/2017, ban chuyên án quyết định phá vụ án này và nhập một số vụ án do công an địa phương điều tra giao Công an tỉnh Phú Thọ điều tra theo thẩm quyền. Quá trình phá án, Ban Bí thư, Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo theo tinh thần điều tra triệt để, xử lý nghiêm minh.
Về phía Công an tỉnh Phú Thọ, họ lần ra manh mối đường dây đánh bạc nghìn tỷ khi điều tra vụ chiếm đoạt 110 thẻ cào trị giá 55 triệu đồng qua Facebook. Kẻ gây án khai đã dùng tài sản chiếm hưởng trái phép để đổi thành tiền ảo để đánh bài trực tuyến qua game bài Rikvip.
Mở rộng điều tra, đơn vị này đã áp dụng biện pháp tố tụng với một số đối tượng là đại lý cấp 1 trong đường dây, sau đó khởi tố, bắt tạm giam hàng chục người trong đó có nhóm cầm đầu đường dây đánh bạc trực tuyến.
Lời khai những người liên quan thể hiện Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương có vai trò chủ mưu, còn Hoàng Thành Trung (40 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt) giữ vai trò thực hành. Nhóm này nhận được sự giúp sức của nhiều người ở Công ty CNC như Lưu Thị Hồng (Tổng giám đốc), Nguyễn Quốc Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm thanh toán), Phạm Tuấn Anh (Trưởng phòng kỹ thuật vận hành)… Ngoài ra, nhiều cán bộ, nhân viên Công ty VTC Online, Công ty Nam Việt, Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí số Việt Nam cũng bị cáo buộc liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố gần 90 bị can về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán hóa đơn trái phép, Rửa tiền, Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Vụ án vẫn đang tiếp tục được mở rộng để điều tra. Gần chục người có liên quan đang bị cơ quan chức năng phát lệnh truy nã.
Bộ Công an cho biết tiền đánh bạc được lưu thông qua 2 đường chính là hệ thống đại lý và cổng thanh toán hợp pháp và bất hợp pháp. Bước đầu cơ quan chức năng xác định tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.500 tỷ đồng (342 tỷ đồng/tháng), trong đó tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game chiếm 97%, tương đương 9.300 tỷ đồng. Tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng (chiếm 1,75%), tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng khoảng hơn 5.600 tỷ đồng.
Số tiền giao dịch hơn 9.500 tỷ đồng thu được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức và trả thưởng cho con bạc.
Ước tính các doanh nghiệp viễn thông hưởng hơn 1.400 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông), doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng hơn 250 tỷ đồng. Nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỷ đồng, nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỷ đồng. Khoảng 2.600 tỷ đồng được dùng để trả thưởng cho con bạc.
Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết ông Hóa đã ký với Nguyễn Văn Dương một hợp đồng liên quan đến việc công ty của Dương được hoạt động. Theo thỏa thuận, Phan Sào Nam được ăn chia 60% lợi nhuận từ đường dây đánh bạc, còn Dương hưởng 40% lợi nhuận.
Sau khi chiếm hưởng, nhóm tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài. Riêng Phan Sào Nam đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng của Singapore. Cơ quan điều tra đang xác minh về số tiền từng bên được hưởng để thu hồi.
Quá trình phá án, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa, niêm phong tổng tài sản trị giá hơn 1.200 tỷ đồng (gồm hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 192,6 tỷ đồng) và 12 ôtô.
Liên quan đến vụ việc, trong một lần khám xét ở Quảng Ninh, cơ quan tố tụng phải thuê xe tải để di chuyển vật chứng. Một lần khác tại TP.HCM, cơ quan điều tra cũng đã hơn 6 giờ để kiểm đếm số vàng và USD trị giá hàng trăm tỷ đồng mà Phan Sào Nam có ý định chuyển hóa vào bất động sản.
Đề cập đến vai trò của các nhà mạng có liên quan gì đến vụ án, cơ quan điều tra cho rằng hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip không thể có quy mô hàng nghìn tỷ đồng nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Do quản lý lỏng lẻo nên thẻ cào viễn thông dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, trong đó có hoạt động đánh bạc trực tuyến.
Số liệu hệ thống cho thấy tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng giao dịch qua các cổng trung gian thanh toán. Và nhờ việc này, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, Vinaphone, Mobifone được hưởng 15,5 đến 16,3%.
Việc quản lý các cổng trung gian thanh toán cũng thiếu hành lang pháp lý dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số… dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để phục vụ việc đánh bạc trong thời gian dài.
Với những tài liệu chứng minh của mình, đến chiều 9/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục khởi tố thêm 4 người có liên quan đến vụ án. Trong số này có 2 giám đốc của VNPT EPAY.
Ai sẽ tiếp tục “nhúng chàm” vì liên quan đường dây đánh bạc nghìn tỷ? Đến nay cơ quan điều tra vẫn tiếp tục mở rộng. Để kết bài, xin mượn chia sẻ của thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), nói với Zing.vn: Điều rút ra là ranh giới giữa cái tốt và cái xấu trong từng cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp rất mong manh.
“Tôi đánh giá cao tính công khai, minh bạch của lực lượng công an nhân dân trong sự việc này. Cán bộ công an giữ vị trí nào, kể cả cấp trung tướng nếu có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh”, tướng Cương chia sẻ và cho biết ông Vĩnh không phải là cán bộ công an cấp cao nhất bị bắt tạm giam, khởi tố. Trước đây, Bộ Công an từng bắt, khởi tố ông Bùi Quốc Huy, nguyên là trung tướng công an, Thứ trưởng Bộ Công an, về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để băng nhóm của Năm Cam lộng hành ở TP.HCM.
Ông Phan Văn Vĩnh liên quan thế nào đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ?