Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:02
RSS

VEC không có quyền cấm vĩnh viễn 2 phương tiện trên đường cao tốc

Thứ hai, 11/02/2019, 20:29 (GMT+7)

Đường cao tốc là tài sản của nhà nước nên chủ đầu tư không có quyền từ chối phục vụ các phương tiện vì chủ đầu tư chỉ là đơn vị làm dịch vụ thu phí thay nhà nước.

VEC cấm vĩnh viễn 2 phương tiện là không đúng luật?
VEC cấm vĩnh viễn 2 phương tiện là không đúng luật?

Liên quan đến thông báo của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sẽ từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe mang biển số 51A-55… và 51G-77… trên tất cả tuyến đường do VEC quản lý, khai thác với lý do hai phương tiện này đã có hành vi cố tình gây rối tại trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trước sự việc trên, chia sẻ với PV, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, VEC không có quyền từ chối phục vụ các phương tiện lưu thông trên cao tốc.

Luật sư Tú phân tích, hiện nay, tất cả các thông tư về thu giá dịch vụ đường bộ và Luật giao thông đường bộ,... chưa có quy định nào cho phép chủ đầu tư tuyến đường cao tốc từ chối phục vụ các phương tiện tham gia giao thông, chỉ có duy nhất luật Hàng không là có quy định cấm bay.

Tuy nhiên, đối với máy bay khác với đường cao tốc, bởi vì máy bay là tài sản của doanh nghiệp nên có thể cấm bay hành khách, nhưng không thể cấm hành khách đến cảng Hàng không vì cảng hàng không là tài sản của nhà nước. Ngược lại, đường cao tốc là tài sản của nhà nước nên chủ đầu tư không có quyền từ chối phục vụ các phương tiện vì chủ đầu tư chỉ là đơn vị làm dịch vụ thu phí thay nhà nước.

Còn thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, ở Việt Nam mọi công dân đều có quyền tự do đi lại, tự do cư trú. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và các văn bản pháp luật quy định rất cụ thể và có đủ cơ chế để bảm bảo thực hiện.

Đối với các phương tiện giao thông đường bộ như ô tô, xe gắn máy thì khi đã có đăng ký, đăng kiểm, đủ điều kiện lưu hành thì sẽ được toàn quyền tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam thậm chí ngoài lãnh thổ Việt Nam theo các quy định của pháp luật.

Hiện nay ở Việt Nam, khi thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm thì các chủ phương tiện xe ô tô cũng đã phải trả phí bảo trì đường bộ theo từng chu kỳ đăng kiểm. Bởi vậy, các phương tiện này hoàn toàn có quyền đi lại, di chuyển trên các tuyến đường bộ của nhà nước Việt Nam.

Đối với những tuyến đường mà thực hiện việc đầu tư - kinh doanh - chuyển giao (hình thức BOT) thì chỉ được áp dụng ở những tuyến đường có khả năng lựa chọn của người tham gia giao thông, không được áp dụng với những tuyến đường độc đạo. 

BOT là hoạt động kinh doanh đặc thù, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước bởi vậy những quy định nội bộ của đơn vị kinh doanh này cũng phải phù hợp với các quy định của pháp luật và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, thông qua thì mới được áp dụng. 

Bản chất của BOT cũng là một hình thức kinh doanh, tuy nhiên đây là hoạt động kinh doanh đặc thù, đặc biệt có quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước bởi vậy đơn vị này không thể muốn bán dịch vụ cho ai thì bán, không thể tự đặt ra những quy định trái với các quy định pháp luật để cấm cản những phương tiện giao thông đi trên những tuyến đường của loại hình đầu tư kinh doanh này. 

Hiện nay luật giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đã có đầy đủ các quy định, các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm giao thông trong đó có kể cả các hành vi gây rối, mất trật tự, cản trở giao thông đường bộ... Nếu những lái xe ô tô có vi phạm các quy định pháp luật thì phải xử lý bằng pháp luật chứ không thể xử lý bằng quy chế nội bộ của đơn vị đầu tư BOT.

Những quy định có tính chất nội bộ cũng không thể áp dụng rộng rãi với tất cả những người dân được. Vì vậy hai chủ phương tiện này có thể gửi ý kiến đến bộ giao thông vận tải để xem xét lại vấn đề này.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN