Thứ bảy, 27/04/2024 | 06:17
RSS

VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô: Bộ GTVT phải nhanh chóng lên tiếng

Thứ ba, 12/02/2019, 11:55 (GMT+7)

Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 ô tô có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Theo luật sư, Bộ GTVT phải nhanh chóng lên tiếng nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu.

Trong ngày 11/2, PV Thanh Niên đã hỏi thêm ý kiến luật sư Trần Hải Đức (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) về tính pháp lý của quyết định trên. Theo LS Trần Hải Đức, hành vi “từ chối phục vụ vĩnh viễn” do VEC đưa ra thực chất là chế tài đối với phương tiện tham gia giao thông và đây là hành vi trái pháp luật

LS Đức cho rằng tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Giao thông đường bộ 2008 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

VEC là doanh nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến đường cao tốc, được quy định theo Nghị định số 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Do đó, việc VEC ban hành Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc từ chối phục vụ các phương tiện là trái quy định pháp luật. VEC không có thẩm quyền xử lý hai phương tiện nói trên (nếu có vi phạm).

Luật sư Trần Hải Đức cho rằng VEC cần phải hủy bỏ ngay quyết định từ chối phục vụ hai phương tiện. Trong khi đó, Bộ GTVT cần phải nhanh chóng lên tiếng, vì nếu không xử lý nghiêm khắc thì đây là tiền lệ rất nguy hiểm khi các doanh nghiệp tự tiện đặt ra các chế tài đứng trên các quy định pháp luật.

VEC E có thể bị kiện, cần hủy ngay quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô
Trạm thu phí Dầu Giây nơi diễn ra sự việc. Ảnh: Internet

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng) cho hay, VEC E không có quyền được hạn chế quyền công dân, quyền đó được Hiến pháp quy định. Trong Hiến pháp ghi rõ, mọi công dân đều có quyền được tự do đi lại.

“VEC E căn cứ vào quy định nội bộ của công ty để cấm các xe này lưu thông trên các tuyến cao tốc do VEC E quản lý, khai thác. Về nguyên tắc các quyết định nội bộ không được trái luật và trái luật thì nó không có giá trị", vị luật sư thẳng thắn nói.  

Theo luật sư Hưng, quy định này là trái pháp luật, chắc chắn sẽ phải được rút lại. Trường hợp nếu hai chiếc xe trên lưu thông qua các tuyến đường cao tốc của VEC E mà không được phục vụ thì tài xế có thể khởi kiện ra tòa. Bởi, người dân lưu thông qua đường cao tốc, VEC E chỉ là đơn vị quản lý và khai thác, vận hành, tất cả việc quản lý, khai thác, vận hành phải tuân thủ theo luật Giao thông đường bộ và pháp luật nói chung.

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng khẳng định, việc từ chối phục vụ lưu thông của VEC E là vi phạm Hiến pháp, trái pháp luật. Mọi người đều có quyền đi lại ở bất cứ nơi đâu nếu pháp luật không hạn chế quyền đi lại. Đây là đường công cộng của Nhà nước chứ không phải đường của VEC E, VEC E chỉ là đơn vị thi công mặt đường để thu phí chứ không phải là đơn vị sở hữu đường nên không có quyền từ chối phục vụ.


Xẹm thêm: Nghi phạm sát hại nữ sinh đi giao gà chiều 30 Tết khai gì?

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN