Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:04
RSS

Vấn đề "sống còn" của Nokia và sự thật cuộc chiến Smartphone

Thứ bảy, 06/02/2021, 11:00 (GMT+7)

Nokia sụt giảm mạnh doanh số smartphone trong năm 2020, rất cần một hướng đi mới, đúng đắn hơn cho "cựu vương".

Sau thời gian vắng bóng trên thị trường smartphone, năm 2017, Nokia do HMD Global chủ quản đã chính thức quay lại sân chơi di động với những hy vọng và thách thức mới.  

Hành trình quay trở lại của cựu vương đến từ Phần Lan bước đầu "rộng đường sáng lối". Năm 2018, Nokia đã cho thấy những tiềm năng khi chiếm giữ 25% thị phần di động ở Việt Nam và lọt vào top 10 thương hiệu di động bán chạy nhất thế giới.

Tuy nhiên, đà phát triển vẫn chưa duy trì được bao lâu, Nokia bắt đầu có dấu hiệu lao dốc về thị phần trong những giai đoạn trở lại đây. Nhà sản xuất đến từ Phần Lan đang gặp phải vấn đề gì, tương lai của "cựu vương" sẽ đi về đâu? 

Tình hình đầy thăng trầm

Cho đến năm 2019, số liệu từ Counterpoint cho thấy rằng, doanh số smartphone Nokia bán ra đã sụt giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trầm trọng hơn, quý đầu tiên trong năm 2020, con số này lại giảm đến 45.2% so với cùng kỳ 2019, có thể một phần là do tác động từ đại dịch Covid-19.


Số liệu doanh thu từ Q1/2017 đến Q1/2020 của Nokia

Mặc dù vậy, theo báo cáo số liệu tổng quan năm 2020 của Counterpoint, nếu so sánh quý 03/2020, doanh số điện thoại Nokia ở quý 04/2020 tăng mạnh lên 30%. Trong đó, điện thoại phổ thông vốn được xem là "đặc sản" đã tăng 26% và smartphone cũng tăng 35% theo quý.

Được biết, trong quý 04/2020, HMD Global chỉ xuất xưởng khoảng 2.8 triệu smartphone nhưng đối với các sản phẩm điện thoại phổ thông, con số này lại lên đến 12.7 triệu máy.

Có thể nhận thấy, Nokia là thương hiệu điện thoại phổ thông lớn thứ 02 trong quý 04/2020 chiếm giữ 16% thị phần. Trong đó, các smartphone Nokia lại cho thấy sự "thăng trầm" khi chỉ với 0.7% thị phần.

Vấn đề Nokia đang gặp phải

Sau khi được HMD Global tiếp quản, Nokia đã quay trở lại thị trường với bộ ba Nokia 3.5 và 6 trực tiếp cạnh tranh tại phân khúc giá rẻ và tầm trung cùng mức giá và những trải nghiệm mang lại tương đối ấn tượng.

Nhìn chung, các smartphone Nokia giai đoạn 2017- 2018 vẫn tạo được sức hút từ thiết kế, phần cứng lẫn phần mềm với Android One và cuối cùng là giá bán.

Tuy nhiên, sau màn đột phá với tai thỏ, giọt nước và nốt ruồi. Từ giai đoạn này, các model của Nokia đã giảm đi đáng kể chất riêng của mình, hòa vào mặt bằng chung về thiết kế. Chưa kể, chiến lược về giá bán lại rất "thạo" bởi các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc Nokia sẽ dần bị "hụt hơi" về mặt cạnh tranh.


Nokia 6.1 Plus. Nguồn: GedgetMatch

Ngoài ra, nếu nhắc đến đặc trưng của các smartphone Nokia thì có thể đề cập ngay đến hệ điều hành Android One do Google phát triển. Android One được hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm với giao diện thuần khiết, mượt mà và khả năng cập nhật rất ấn tượng.

Mặc dù cung cấp một phần mềm hệ thống sạch sẽ nhưng khả năng cập nhật lại là yếu tố đáng để quan ngại. Thực tế, các thiết bị Nokia vẫn phải đợi đến quý 01/2021 để tiến hành "lên đời" Android 11.

Sự thiếu hụt về tính đặc trưng của giao diện và tính năng đi kèm của Android One cũng là lý do lớn khiến các smartphone Nokia gặp khó khăn về khả năng nhận diện thương hiệu sản phẩm.

Một dự án "chết đi sống lại" rồi trở thành cuộc chơi không còn ai theo đuổi ngoại trừ cái tên đầy "nghị lực" - Nokia.

Chưa dừng lại ở đó, việc Nokia tiếp tục duy trì sự vắng bóng của các thiết bị "flagship" đã làm hạn chế đáng kể việc ứng dụng đột phá những công nghệ mới cũng như thu hút truyền thông và nhận diện thương hiệu.

Tương lai Nokia sẽ đi về đâu?

Nếu tình hình vẫn còn tiếp tục và kéo dài, Nokia rất có thể sẽ trở thành cái tên tiếp theo lao mình vào thế khó, trước đó đã có HTC, LG và kể cả Sony.

Sau 15 năm góp mặt tại thị trường di động, dường như nhà sản xuất đến từ Phần Lan chỉ dừng lại ở các thiết bị phổ thông. Đối với họ, smartphone là một bài toán đau đầu và vẫn đang loay hoay tìm cách chinh phục.

Giải pháp nào cho Nokia?


Hình ảnh minh họa. (Nguồn: CNN)

Việc thay đổi tình hình của Nokia để trở nên tốt hơn không thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, mình vẫn chia sẻ những quan điểm riêng về những giải pháp trước mắt cho vấn đề này.

Như đã đề cập, nhà sản xuất đến từ Phần Lan nên có kế hoạch xây dựng một nền tảng giao diện mới. Điều này sẽ tạo điểm nhấn đặc trưng phần mềm riêng cho hãng và tránh được những tác động xấu trong tương lai bởi Android One.


Nokia 9 Pureview (Nguồn: TechRadar)

Thực tế, Nokia sở hữu công nghệ PureView và ống kính Zeiss và có khả năng làm chủ công nghệ 5G. Nếu họ có sự kết hợp tốt giữa phần mềm và phần cứng, điều này sẽ tạo nên tiền đề quan trọng nhằm phát triển các thiết bị cao cấp có sức hút mạnh mẽ trong thị trường.

Sự thay đổi và đột phá mạnh mẽ về mặt thiết kế, tính năng, công nghệ tích hợp cũng như việc định giá phù hợp cho từng phân khúc sản phẩm. Những yếu tố này có thể giúp "cựu vương" tiếp tục hành trình trở lại cuộc đua một cách hiệu quả hơn. 

Tổng kết

Nokia đang đứng trước những thử thách lớn, họ còn nhiều việc phải làm hơn nữa để tiếp tục tồn tại trong thị trường smartphone đầy khốc liệt như hiện nay.

Mong rằng câu nói "Chúng tôi không làm gì sai nhưng bằng một cách nào đó, kết cục là thất bại!" của nguyên Giám đốc điều hành Nokia sẽ không được nhắc lại một lần nữa trong tương lai!

Lê Nhật Nam
Theo Dân Việt