Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, nhu cầu về quê ăn Tết của người sinh sinh sống tại Hà Nội đang tăng lên. Tuy nhiên, nhiều người dân ở Hà Nội đang lo lắng trước việc sẽ phải cách ly 21 ngày khi trở về quê ăn Tết.
Hà Nội không cấm người dân về quê ăn Tết
Về việc này, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) Khổng Minh Tuấn khẳng định, Hà Nội không cấm người dân về quê ăn Tết, tuy nhiên, khuyến cáo người dân cần cân nhắc việc di chuyển, đi lại dịp Tết.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội.
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Hà Nội không cấm, không hạn chế người dân trở về các địa phương khác đón Tết. Chỉ riêng những người đang ở trong các khu vực phong tỏa, thuộc diện cách ly, theo dõi dịch bệnh thì không được về, bởi nguyên tắc khu vực phong tỏa là "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
"Ví dụ như ở chung cư 88 Láng Hạ, hiện tại chỉ cách ly hai khu vực là tầng 10 và tầng 21 do liên quan trực tiếp đến bệnh nhân 1956 thì những người nằm trong khu vực cách ly này không được rời khỏi khu vực cách ly để về quê ăn Tết. Còn lại, những người khác ở chung cư 88 Láng Hạ vẫn được phép di chuyển, về quê đón Tết", ông Tuấn nói thêm.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khuyến cáo những người ở chung cư 88 Láng Hạ không nên di chuyển nhiều, dù đã được xét nghiệm âm tính để tiếp tục đề phòng nguy cơ dịch bệnh, đồng thời, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu di chuyển về các nơi khác, phải thông báo, đăng ký với chính quyền địa phương để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Nhu cầu về quê ăn Tết của người dân sinh sống, học tập và làm việc ở Hà Nội là rất lớn.
Liên quan đến một số người dân đang sinh sống, học tập, làm việc ở Hà Nội có quê ở các địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng… lãnh đạo CDC Hà Nội cho hay, Hà Nội cũng không cấm người dân về các địa phương này, bởi nguyên tắc ở các khu vực đang có dịch, người từ nơi khác về cũng không thể vào trong khu vực đã phong tỏa.
"Nếu người dân về các địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh… đón Tết, sau đó lên lại Hà Nội, cần thông báo với chính quyền địa phương việc bản thân có đi qua, liên quan đến các vùng có dịch hay không để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Tuấn lưu ý và cho rằng, việc này phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân, vì nếu thông báo kịp thời các yếu tố liên quan đến dịch bệnh, có thể được xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
"Với những người ở lại Hà Nội đón Tết, Chỉ thị của UBND thành phố Hà Nội cũng đã nêu rõ, khuyến cáo việc hạn chế đi lại, tụ tập đông người để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh", ông Tuấn nói thêm.
Những người ở Hà Nội đang ở trong các khu vực phong tỏa, thuộc diện cách ly, theo dõi dịch bệnh thì không được về, bởi nguyên tắc khu vực phong tỏa là "nội bất xuất, ngoại bất nhập"".
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 931 ngày 5/2, trong đó Thủ tướng có chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát, tính toán làm sao khoanh vùng khu vực có dịch gọn nhất, hạn chế tối đa tác động tới sinh hoạt, đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh và vận chuyển hàng hóa.
"Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ y tế kiểm tra chỉ đạo xác định cụ thể vùng cách ly theo nguyên tắc khoanh gọn nhất có thể để phục vụ mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế", ông Hiền thông tin.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý thời gian trước, trong và sau Tết, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang, sát khuẩn. Tâm lý người dân cho rằng ngày Tết không ai xử phạt, vì thế cần phải thực hiện nghiêm túc để phòng chống dịch...
Người dân về quê ăn Tết quay trở lại Hà Nội có bị cách ly?
Liên quan đến việc Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đáng chú ý, Chỉ thị nêu: "Hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021", một cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP. Hà Nội nêu rõ: Hà Nội không cấm người dân về quê đón Tết. "Chỉ thị vừa ban hành ra cũng chỉ nêu là hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán", vị này nhấn mạnh.
Theo vị này, việc người dân ở Hà Nội về quê đón Tết hay không là quyền quyết định của mỗi người. "Tất nhiên, những khu vực đang bị phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 thì nội bất xuất, ngoại bất nhập", thì không thể về được, cũng không thể di chuyển đi đâu được", vị này phân tích.
Theo vị này, hiện, TP. Hà Nội đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đi về từ vùng dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh để phòng chống dịch bệnh. Đến nay, về cơ bản công việc này đã hoàn thành.
Chia sẻ về việc nếu người dân trở về Hải Dương hay Quảng Ninh đón Tết rồi lên lại Hà Nội, liệu có bị cách ly để phòng, chống dịch bệnh hay không, vị này cho rằng, Hà Nội chỉ quy định rà soát, cách ly, lấy mẫu các trường hợp đến từ vùng dịch. Còn lại, các khu vực không liên quan đến dịch bệnh thì không cần thiết phải cách ly, xét nghiệm…
"Tất nhiên, cũng tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Nếu dịch có diễn biến mới, phức tạp hơn, công tác phòng, chống dịch nâng thêm hơn lên thì lúc đó sẽ có các biện pháp mới", vị này nêu quan điểm.
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động như sau: Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: Nghỉ liền 7 ngày liên tục, từ thứ Tư ngày 10/2/2021 đến hết thứ Ba ngày 16/2/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu). Đối với người lao động không thuộc đối tượng trên, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu như: 1 ngày cuối năm Canh Tý và 4 ngày đầu năm Tân Sửu hoặc 2 ngày cuối năm Canh Tý và 3 ngày đầu năm Tân Sửu. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, Điều 13 Luật Cán bộ, công chức 2008 và Khoản 1 Điều 13 Luật Viên chức 2010. Cán bộ, công chức đi làm vào ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2021 được hưởng tiền làm thêm giờ theo quy định của pháp luật Viên chức đi làm vào ngày nghỉ Tết được hưởng tiền làm thêm giờ theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Người lao động đi làm vào ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 được trả lương ít nhất bằng 300% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Trường hợp làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày nghỉ tết. |