Sáng 17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49 - Công an tỉnh Đắk Nông) phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở chế biến cà phê bằng cách trộn với bột màu đen trong lõi pin.
Tại cơ quan chức năng, chủ cơ sở khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn... sau đó mua các cục pin về đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường. Cơ sở chế biến này cũng hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn.
Trao đổi với PV Đời sống Plus, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong pin có chứa rất nhiều kim loại nặng như chì, kẽm, niken, thủy ngân... Đây đều là những chất có hại đối với sức khỏe con người.
"Pin nói chung và pin sau khi đã được sử dụng nói riêng được liệt kê vào danh mục rác thải độc hại. Nếu chôn các cục pin xuống đất, kim loại nặng sẽ thấm vào đất, nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm nguồn nước. Còn khi đốt pin, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc của pin đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí. Lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm.
Do vậy, việc dùng pin để nhuộm cà phê sẽ mang đến hậu quả khôn lường. Độc tố từ pin thông qua đường ăn uống sẽ phát tán khắp nơi trong cơ thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch"- TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Cũng theo TS.BS Trương Hồng Sơn, chì là nguyên tố có độc tính cao đối với sức khỏe. Chất này độc cho hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Người bị nhiễm độc chì sẽ bị rối loạn tuỷ xương. Tuỳ theo mức độ nhiễm độc có thể bị đau bụng, đau khớp, viêm thận, cao huyết áp, tai biến não, nhiễm độc nặng có thể gây tử vong. Với đặc tính nổi bật là sau khi xâm nhập vào cơ thể, chì ít bị đào thải mà tích tụ theo thời gian rồi mới gây độc. Nếu chì tích tụ ở xương, chì sẽ làm kìm hãm quá trình chuyển hoá canxi.
Trong khi đó, thuỷ ngân có khả năng phản ứng với axit amin chứa lưu huỳnh, các hemoglobin, abumin, liên kết màng tế bào, làm thay đổi hàm lượng kali, thay đổi cân bằng axit bazơ của các mô, làm thiếu hụt năng lượng cung cấp cho tế bào thần kinh. Nếu nuốt phải thủy ngân vô cơ (điển hình là pin), bệnh nhân có thể bị phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu, thậm chí hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong sau đó vài ngày.
Pin được đập lấy lõi để nhuộm đen cà phê
Không chỉ vậy, trong pin cũng chứa Cađimi. Đây là kim loại được sử dụng trong công nghiệp luyện kim, chế tạo đồ nhựa. Chất này xâm nhập vào cơ thể người qua con đường hô hấp, thực phẩm và được tích tụ ở thận và xương; gây nhiễu hoạt động của một số enzym, gây tăng huyết áp, ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, làm rối loạn chức năng thận, phá huỷ tuỷ xương, gây ảnh hưởng đến nội tiết, máu, tim mạch.
Ngoài ra, trong pin còn chứa Asen, Niken... Đây đều là những chất cực độc đối với sức khỏe con người. Và nếu Asen có thể gây ra 19 căn bệnh khác nhau, gây ảnh hưởng chính đối với sức khoẻ con người: gây ung thư tiểu mô da, phổi, phế quản, xoang…thì nhiễm độc niken còn có thể gây rối loạn chức năng thận, da liễu, nhồi máu cơ tim, ung thư…
"Thực tế trong pin còn có rất nhiều kim loại nặng và chất độc hại khác. Chúng không chỉ gây độc cho người sử dụng các sản phẩm có chứa pin, nhuộm pin mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe người công nhân thao tác với pin hay phế phẩm, rác thải từ pin. Đồng thời, cũng gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh"- TS.BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh thêm.
Xem thêm Từ vụ cà phê bị nhuộm bằng pin đen, học ngay 10 cách phân biệt cà phê thật giả