Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:32
RSS

Gia đình người lùn nhất Việt Nam và ước mong cháy bỏng kéo dài suốt 4 đời

Thứ bảy, 21/10/2017, 11:30 (GMT+7)

Suốt 4 đời nay, gia đình lùn nhất Việt Nam ở Quảng Nam đã phải trải qua những tháng ngày chật vật với ước mong cháy bỏng được cao hơn qua mỗi đời.

 Gia đình người lùn ở Quảng Nam.

Đến chợ Bà Rén, nằm trên quốc lộ 1A (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) vào một ngày đầu tháng 10, hỏi nhà “gia đình người lùn” ai cũng biết. Theo chỉ dẫn của một vài tiểu thương, chúng tôi tìm đến dãy hàng bán heo con. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi, là cảnh hai người đàn ông thấp bé chưa tới 1,3m, đang phụ giúp tiểu thương ở chợ bồng những chú heo con lên xe. Đã sang trưa nhưng hai thành viên trong gia đình người lùn vẫn miệt mài, tranh thủ đưa số heo con lên xe để kịp về với bữa cơm nhà.

4 đời một ước mơ

Theo sự dẫn đường của hai người lùn, chúng tôi cùng đến nhà của gia đình người lùn. Nằm trong một con hẻm dài chừng 200m là căn cấp 4 đã xuống cấp, nền nhà cao hơn mặt đường hơn 1 m, muốn lên nhà 2 thành viên này phải “ì ạch” mới lên được bậc tam cấp để vào nhà. Căn nhà của những người lùn rất hoang sơ, không có gì đáng giá nhưng lúc nào cũng đầy ắp những tiếng cười.

Là chủ gia đình người lùn, ông Lưu Qươn (86 tuổi, Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam) có chiều cao khiêm tốn chỉ 1,2m và đôi chân bị dị tật từ nhỏ nên việc đi rất khó khăn, phải có người trong gia đình dìu dắt mới di chuyển được. “Tôi sinh ra và lớn lên cũng bình thường như người ta nhưng không hiểu sao không cao lên được. Đến tuổi thanh niên trong xóm ai cũng cao, chỉ có tôi cao được hơn mét. Trong khi đó dòng tộc tôi ai cũng cao bình thường”, ông Quơn chia sẻ.

Đã qua 4 đời, nhưng gia đình ông vẫn không được, theo ông Quơn gia đình ông lùn là do từ đời bố ông lùn, sinh ông ra cũng không cao lên được. Trải qua những thăng trầm, đến nay gia đình ông gia đình ông Qươn được hàng xóm gọi với cái tên thân thuộc gia đình “7 chú lùn và nàng bạch tuyết”.

“Được mọi người gọi gia đình 7 chú lùn và nàng bạch tuyết cũng vù, tôi và 6 đứa người con đều lùn, lần lượt: Lưu Ngoạn (65 tuổi, cao 1,3m); Lưu Trịn (61 tuổi, cao 1,29m); Lưu Tám (58 tuổi, cao 1,27m); Lưu Mười (56 tuổi, cao 1,25m); Lưu Hai (54 tuổi, cao 1,1m); Lưu Thị Hoa (51 tuổi, cao 1,1m). Riêng bà vợ Phạm Điểm (82 tuổi cao 1,45m) là nàng bạch tuyết”, ông Quơn nói.

Đặc biệt hơn, ba người con của ông Quơn đều lấy vợ cao hơn mình một cái đầu và con cháu sinh ra đều bị căn bệnh lùn từ cha mẹ để lại. “Nghĩ rằng lấy vợ cao sẽ sinh con cao hơn, nhưng con của tôi vẫn cao hơn nỗi. Đã qua 4 đời nhưng nhà tôi vẫn không cao lên nổi. Ước mong được cao hơn luôn trong suy nghĩ anh, em chúng tôi và tôi sẽ truyền ước mong được cao hơn cho con cháu về sau. Cao hơn để lao động tốt hơn, con cái bớt khổ hơn các chú à”, anh Lưu Tám thở dài.

Một góc sinh hoạt nhỏ của gia đình người lùn.

Sức sống luôn cao hơn chiều cao

Ngoại hình thấp bé khiến những thành viên trong gia đình "người lùn" khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, cuộc sống vì thế mà khó khăn hơn. Trước đây, ông Quơn có hơn 40 năm được thuê dọn vệ sinh chợ heo. Mỗi ngày, 2 vợ chồng dậy từ 3h sáng để dọn chợ. Đến khoảng 4h sáng, 2 người lại tranh thủ bồng heo để kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng cụ bây giờ tuổi cao sức yếu nên chỉ quanh quẩn ở nhà, phải trông nhờ vào đồng tiền trợ cấp của nhà nước mỗi tháng được 240.000đ/người. Công việc mưu sinh ấy được những người con tiếp tục.

Tiếp nối nghề của cha, hàng ngày dù nắng hay mưa anh Lưu Tám cùng em Lưu Hai dậy thật sớm đẩy chiếc xe bò lên chợ Bà Rén, để chờ tiểu thương thuê bồng heo lên, xuống xe. Thu nhập ít ỏi, một ngày mỗi người kiếm được từ 20-30 ngàn đồng, thế nhưng không làm việc này thì không biết làm gì.

“Mong ước được làm nghề này nghề kia như bao người, nhưng nhà nghèo lại ít được học hành đành phải làm việc này. Tôi đã thử làm nhiều nghề khác nhưng đi xin người ta lại chọc ghẹo về chiều cao của mình và không cho làm”, anh Tám chia sẻ và cho hay, người anh Lưu Ngoạn và chị Lưu Trịn đã lập gia đình, ra ở riêng nhưng cuộc sống vẫn không khá lên nổi. Ngoài ra, 2 người em Lưu Mười và Lưu Thị Hoa phải chạy vạy làm thuê, làm mướn khắp nơi mong kiếm  được tiền nuôi gia đình.

Chị Lưu Thị Hoa, người chỉ cao 1,2m suốt ngày lặn lội các con đường ở TP Đà Nẵng để bán vé số kiếm tiền phụ giúp nuôi gia đình. “Biết mình bị di truyền căn bệnh người lùn từ thế hệ trước để lại nhưng phải cố đi làm để nuôi sống gia đình”, chị Hoa cho biết.

Trong hoàn cảnh khó khăn nhưng những con người mang vóc dáng thấp bé luôn cố gắng lao động và một ước một ngày nào đó có thể thay đổi được giống nòi. Cuộc sống của đại gia đình cụ Quơn dù còn nhiều gian khổ nhưng mọi thành viên đều đoàn kết, yêu thương nhau hết mực. Số tiền ít ỏi các thành viên trong gia đình “người lùn” kiếm được, gom góp và mua thức ăn cho cả nhà.

"Đôi bạn già này đã không còn làm được việc gì để kiếm tiền được nữa, nhưng may mắn cả 6 đứa con đều có hiếu. Anh, em chúng nó luôn giúp nhau vượt qua cuộc sống, vượt qua cái lùn này. Mong sau, mỗi đời cao hơn một ít để cuộc sống các cháu đời sau bớt khổ hơn", cụ Quơn chia sẻ.

Hoàng Linh
Theo Đời sống Plus/GĐVN