Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ITN
Dành tối thiểu 20% chỉ tiêu
Theo PGS.TS Vũ Duy Hải - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, về cơ bản, năm 2022 nhà trường giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2020 chỉ sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy và hai môn tự nhiên tạo thành một tổ hợp xét tuyển. Trong kỳ tuyển sinh năm 2022, kết quả bài thi đánh giá tư duy được dùng độc lập để xét tuyển và dự kiến tăng chỉ tiêu lên 60 – 70% trong tổng số 7.500 chỉ tiêu.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Có 8 trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển năm 2022. Dự kiến sẽ có thêm một số trường đại học lấy kết quả của kỳ thi này xét tuyển nhằm giảm áp lực số lần thi và di chuyển cho thí sinh. Kỳ thi sẽ do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, phối hợp với một số cơ sở giáo dục đại học khác để tổ chức. |
Cho rằng, việc tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy là phương thức tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2021, nhà trường có kế hoạch phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kỳ thi không diễn ra như mong muốn.
“Năm 2022, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi này. Qua đó, tạo điều kiện cho thí sinh có thêm phương thức để tham gia xét tuyển đại học” - PGS.TS Phạm Xuân Anh chia sẻ, đồng thời cho hay: Trường ĐH Xây dựng Hà Nội dự kiến dành 800 chỉ tiêu, tương đương 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy. Phương thức này áp dụng đối với hầu hết ngành theo đề án tuyển sinh, trừ nhóm ngành kiến trúc và quy hoạch.
Khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021, PGS.TS Bùi Xuân Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ Địa chất trao đổi, năm 2022, nhà trường áp dụng thêm phương thức xét tuyển từ kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức. Với chỉ tiêu hơn 3.500 sinh viên, nhà trường dự kiến dành khoảng 20% để tuyển sinh bằng phương thức này.
Với hơn 5 nghìn chỉ tiêu, tuyển sinh ở 28 ngành đào tạo, năm 2022, Trường ĐH Giao thông Vận tải tổ chức tuyển sinh tại 2 địa chỉ: Hà Nội và phân hiệu TP Hồ Chí Minh. PGS.TS Nguyễn Thị Hoà – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng cho biết: “28 ngành này bao phủ hầu hết lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ kinh tế và một số ngành mới mở. Nhà trường có 10 chương trình tiên tiến chất lượng cao, 2 chương trình đào tạo liên kết quốc tế… Trong 5 phương thức tuyển sinh, Trường ĐH Giao thông Vận tải sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực tư duy để tuyển sinh, với tỷ lệ từ 20 - 30% chỉ tiêu”.
Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên dự kiến tuyển sinh hơn 3.000 chỉ tiêu. Theo PGS.TS Chu Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng nhà trường, có 4 phương thức được chọn: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy của nhóm các trường; dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; dựa vào kết quả học tập lớp 12 hoặc lớp 11 của học sinh. Trong đó, trường dành 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy.
Nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển. Ảnh: ITN
Tránh học tủ, học lệch
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, kỳ thi đánh giá tư duy có yếu tố phân loại cao hơn và nhiều thách thức hơn so với Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 có một số điểm mới so với năm trước. Chẳng hạn như: Thời gian thi kéo dài từ 180 phút lên 270 phút. Bài thi tổ hợp gồm ba phần: Phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút). Phần tự chọn 1 gồm các môn Khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút). Phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS.
Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, hai phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để các thí sinh có thể thi cả ba phần. Đối với phần tự chọn 1, gồm các môn Khoa học tự nhiên. Đây cũng là điểm mới trong năm 2022. Phần này nhằm đánh giá am hiểu của thí sinh về kiến thức THPT, tránh việc học tủ, học lệch.
Về hình thức, PGS.TS Nguyễn Phong Điền thông tin: “Bài thi được thi trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi tốt nghiệp THPT. Riêng môn Toán có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và trình bày của thí sinh”.
Theo dự kiến, kỳ thi đánh giá tư duy 2022 diễn ra trong một ngày, sau khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc một tuần. Kỳ thi được tổ chức tại bốn địa điểm gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ. Thay vì công bố đề thi minh họa, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức hai buổi thi thử online trên hệ thống tổ chức thi. Đề thi thử có mức độ khó, phân loại học sinh tương đương đề thi thật. Lịch thi thử dự kiến diễn ra cuối tháng 12/2021 và tháng 3/2022 để thí sinh làm quen với đề, đồng thời có kế hoạch học ôn tập sát sao hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, mỗi trường sẽ có cách thức sử dụng kết quả thi và xét tuyển đại học khác nhau. Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh có thể chọn thi phần bắt buộc kèm một trong hai phần thi tự chọn. Hoặc thí sinh chọn thi phần bắt buộc kèm cả hai phần thi tự chọn để nâng cao xác suất trúng tuyển trên thang điểm 30.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: Tuân thủ cơ chế tuyển sinh, kết quả từ kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được nhập lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, lưu lại giống như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, được xét đồng thời với các nguyện vọng khác. Do đó, kỳ thi tư duy cung cấp dữ liệu để xét tuyển ĐH như một phương thức riêng biệt. Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kỳ thi đánh giá tư duy có tính phân loại cao, giúp những ngành nổi trội có được sinh viên xuất sắc, đáp ứng nhu cầu xét tuyển. |