Thứ sáu, 26/04/2024 | 10:28
RSS

Tướng công an nói gì về việc khen thưởng Ban chuyên án ở Điện Biên?

Thứ tư, 20/02/2019, 14:49 (GMT+7)

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) đã đưa ra nhận định về lý do khen thưởng ban chuyên án ở Điện Biên.

Theo VOV, từ sau khi tỉnh Điện Biên thông cáo báo chí về vụ nữ sinh bị hiếp dâm, giết hại, cộng đồng mạng tiếp tục “dậy sóng” quanh việc khen tặng của Chủ tịch UBND Tỉnh Điện Biên, Giám đốc Công an Tỉnh Điện Biên dành cho Ban chuyên án.

Phía ủng hộ thì cho rằng, Ban chuyên án đã nỗ lực hết mình trong nhiều ngày đêm để đưa những kẻ thủ ác ra trước ánh sáng. Việc nhiều người trách công an chậm trễ nên mới dẫn đến cái chết thương tâm của nữ sinh, được những người ủng hộ cho rằng, mỗi ngày có không biết bao nhiêu người báo tin con em họ mất tích rồi vài ngày sau lại trở về vì hết tiền, hoặc bị tình nhân phụ bạc…

Còn việc người dân phát hiện ra xác nạn nhân và các vật chứng khác là chuyện rất bình thường bởi phần lớn các vụ án đều dựa vào quần chúng, do quần chúng tố giác tội phạm.

Ở phía phản đối thì cho rằng, việc để cô gái chết trong đau đớn được người dân phát hiện rồi cơ quan công an mới ra tay là rất chậm trễ, lẽ ra cơ quan công an phải vào cuộc ngay khi nhận được trình báo của gia đình thì có lẽ cô gái không phải chịu đầy đọa và chết đau khổ như vậy; phải giữ được mạng sống của người bị nạn thì mới đáng khen.

Việc khen, thưởng những người được trả lương để làm những việc đó là không cần thiết, tìm ra tội phạm là trách nhiệm của ông an.

Thiếu tướng công an nói gì về việc khen thưởng ban chuyên án ở Điện Biên
Khen thưởng ban chuyên án ở Điện Biên. Ảnh: VOV

Trả lời VTC News về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, mỗi sự kiện có những cách tiếp cận, đánh giá nhiều chiều khác nhau, ý kiến cho rằng việc khen thưởng là chưa nên cũng là một cách tiếp cận. Tuy nhiên, ở góc độ tiếp cận khác, việc khen thưởng là cần thiết.

Theo tướng Cương, trong vụ án này, sự việc đã xảy ra rồi, trong một thời gian ngắn, lực lượng công an đã tìm ra nghi phạm. Điều đó cho thấy cán bộ trinh sát, công an đã làm việc hết mình. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, để phá án, các cán bộ trinh sát phải nắm chắc địa bàn.

Bên cạnh đó là sự lăn lộn, hóa trang, tìm từng vết tích nhỏ nhất mới có thể tìm ra được manh mối vụ án. Những chuyện như vậy đều đòi hỏi sự tận tâm và trình độ chuyên môn giỏi.

“Làm án thế này cũng phải như làm việc nhà của mình. Phải làm việc suốt ngày đêm thì mới ra được, chứ không phải việc hành chính theo kiểu 7-8h sáng đến cơ quan, 11h về nhà ăn cơm rồi 2h chiều đến cơ quan đến 5h chiều về... Không có chuyện như vậy, làm án không làm thế, phải làm việc không kể giờ giấc thì mới ra được.

Nếu hiểu theo góc độ như vậy thì việc khen thưởng là cần thiết. Bởi vì người ta đã lăn lộn đến thế, người ta đã xem đó như là việc của nhà mình. Ban chuyên án này chắc chắn là không có giờ nghỉ, chứ không phải làm hành chính, ngồi trong phòng điều hòa. Những cán bộ sĩ quan, công an trinh sát này cũng phải làm việc suốt ngày đêm, cho nên việc khen thưởng này là cần thiết”, tướng Cương nhấn mạnh.

Về ý kiến cho rằng những vật chứng hay thi thể nạn nhân đều do người dân phát hiện ra rồi báo cho công an biết, thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng việc này không chỉ là việc của cơ quan công an.

“Vụ việc xảy ra trong rừng, trong cánh đồng, trong làng…, người dân biết thì công an phải dựa vào dân và người dân tin tưởng công an nên mới báo. Công an của ta là gắn với dân nên mới gọi là Công an nhân dân...

Vụ án ở Điện Biên thể hiện quyết tâm làm đến cùng khi tìm ra nghi phạm trong thời gian vài ngày như vậy. Người ta coi việc không tìm ra là lẽ sống như vậy thì việc khen thưởng là đúng”, tướng Cương một lần nữa khẳng định", Tướng Cương nói thêm.


Xem thêm: Kẻ chủ mưu sát hại nữ sinh ở Điện Biên và màn kịch quá hoàn hảo

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN