Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:16
RSS

Từ vụ ngập lụt ở Chương Mỹ, cảnh giác cao độ với những loại bệnh có thể mắc bất cứ lúc nào

Thứ tư, 01/08/2018, 12:11 (GMT+7)

Ngập lụt ở Chương Mỹ (Hà Nội) không chỉ khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn mà còn khiến họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật: đau mắt đỏ, các bệnh tiêu hóa, da liễu, suốt xuất huyết...


Hơn 10 ngày bị lụt, cuộc sống của người dân nhiều xã của huyện Chương Mỹ xoay quanh chiếc thuyền. Ảnh CAND

Sau gần 10 ngày, dù mưa to đã ngớt nhưng tình hình ngập lụt ở Chương Mỹ vẫn không có dấu hiệu giảm mà còn dâng cao hơn. Nhiều xã, thôn vẫn ngập sâu hơn 1 mét. Cuộc sống của người dân đang gặp khó khăn về lương thực, chỗ ở, rác thải bủa vây… Nhiều gia đình phải di tản đến nơi khác.

Ngập lụt ở Chương Mỹ không chỉ khiến sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn khiến người dân nơi đây đối mặt với nhiều nguy cơ về bệnh tật. Nguyên nhân là do môi trường bị ô nhiễm, thiếu nước sạch sinh hoạt, rác thải dồn ứ... là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh, phát triển. Nếu không có cách phòng tránh kịp thời, người dân rất dễ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm.


Một người dân ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị nước ăn chân. Ảnh Lao động.

Bệnh đau mắt đỏ

Đây là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ và có thể bùng phát thành dịch. Trong thời điểm ngập lụt, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao.

Bệnh sốt xuất huyết

Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm sẽ tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người. Điều này cũng khiến bệnh dễ bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết sốt do virut thường và sốt rét. 

Các bệnh về da

Sau mưa, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh nên nhiều người có thể sẽ bị một số bệnh ngoài da như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân, mẩn ngứa...

Đối với phụ nữ, nếu phải lội nước mưa ngập sâu rất dễ mắc các bệnh da liễu liên quan đến phụ khoa.


Chia sẻ trên báo Lao động, BS Trần Văn Kỳ - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết, trong đợt ngập lụt này đã có 700 người mắc bệnh, chủ yếu là các bệnh về nước ăn chân.

Các bệnh về tiêu hóa

Tại thời điểm mưa nhiều như hiện nay, cùng môi trường nước bị nhiễm bẩn, các bệnh về tiêu hóa như: tả, lị, thương hàn.... thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân là do ô nhiễm phân do môi trường bị úng ngập, điều kiện vệ sinh không đảm bảo do nước ngập, nếu ăn, uống phải các nguồn nước, thực phẩm nhiễm khuẩn, các bệnh về tiêu hóa này sẽ rất dễ lây bệnh. Các vi khuẩn gây bệnh trong nguồn nước có khả năng lây lan nhanh chóng, dễ gây thành dịch bệnh với các triệu chứng như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

Phòng tránh các bệnh do ngập lụt như nào cho đúng?

- Trong trường hợp không có nước sạch và bắt buộc phải dùng nước bị nhiễm khuẩn, trước khi dùng, người dân cần làm trong nước bằng phèn chua. Cụ thể thực hiện theo tỷ lệ 1g phèn chua với 20 lít nước, chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước.

Sau đó nước cần được khử trùng bằng choloramine B hoặc clorua vôi. Nước khử trùng 30 phút sau là sử dụng được. Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.


Nước rút đến đâu thực hiện thau dọn đến đấy. Ảnh minh họa.

- Thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì ngập lụt, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất xác động vật.

- Thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn. Ngoài ra, cũng cần chú ý thực hiện nằm ngủ phải mắc màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách.

- Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, không tự ý chữa chạy tại nhà, bệnh không khỏi mà còn lây lan nhanh.


Xem thêm 9 cách hạ sốt dân gian cho trẻ của các mẹ Tây mà "Ta" nên áp dụng

Như Quỳnh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN