Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:12
RSS

Từ vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng: Khi gặp đối tượng manh động, bảo vệ cần xử lý thế nào?

Thứ sáu, 24/11/2023, 18:17 (GMT+7)

Theo nhiều giám đốc công ty bảo vệ, hiện nay hầu như chưa có cơ chế hỗ trợ nhân viên bảo vệ khi rủi ro xảy ra, mức lương lại khá thấp, chỉ từ 5 - 6 triệu đồng.

Tuỳ cơ ứng biến

Ông Nguyễn Duy Hùng (Công ty CP dịch vụ bảo vệ an ninh, tại TP.Đà Nẵng) đã làm bảo vệ gần 10 năm. Trước đây, ông chủ yếu làm bảo vệ cho các nhà hàng với nhiệm vụ hướng dẫn khách để xe, trông giữ xe cho khách… Sau này, ông được chuyển qua làm bảo vệ ngân hàng.

Theo ông Hùng, để nhận nhiệm vụ bảo vệ tại ngân hàng, ông đã trải qua lớp tập huấn trong một tháng về công tác phòng cháy chữa cháy, được huấn luyện võ thuật nhằm ứng phó các sự cố như cướp, các hoạt động gây mất an ninh trật tự.

Sau khi được công an cấp chứng chỉ, ông mới được công ty phân công nhiệm vụ. Ngoài ra, tại công ty thường xuyên tổ chức tập huấn nhằm củng cố các nghiệp vụ đã được cơ quan chức năng đào tạo.

Từ vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng: Khi gặp đối tượng manh động, bảo vệ cần xử lý thế nào?

Ngân hàng tại Đà Nẵng bị cướp vào chiều 22/11 khiến 1 nhân viên bảo vệ tử vong. Ảnh: D.B

Bảo vệ Phùng Tấn Dũng (53 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) cho hay, ông đã làm bảo vệ ngân hàng MB trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) gần 8 năm.

Ông Dũng chia sẻ, khi gặp cướp ngân hàng, mình phải tùy cơ ứng biến xử lý chứ không thể bỏ chạy hoặc nhắm mắt xông vào kẻ cướp vì bọn cướp luôn thủ súng, dao… và rất manh động khi bị ngăn cản.

"Khi xác định kẻ cướp lơ là thì mình có thể tấn công, khống chế. Nếu kẻ cướp manh động thì mình phải hạn chế lại, quan sát tình huống để xử lý", ông Dũng nói.

Ông Dũng đánh giá hành động của bảo vệ Trần Minh Thành rất dũng cảm, nhưng do tên cướp quay lại đâm bất ngờ khiến ông Thành không phản ứng kịp.

"Mình lớn tuổi, không còn sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh như thanh niên nên phản xạ sẽ chậm hơn, anh em cũng rút kinh nghiệm tùy cơ ứng biến khi có sự cố", ông Dũng chia sẻ.

Từ vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng: Khi gặp đối tượng manh động, bảo vệ cần xử lý thế nào?

Bảo vệ Phùng Tấn Dũng. Ảnh: D.B

Dẫn chứng tại nơi mình làm việc, ông Dũng cho biết có 2 bảo vệ, một người trong ngân hàng, còn ông Dũng trực bên ngoài. Khi có sự cố bên trong, bảo vệ bên ngoài sẽ hô hoán để người dân trợ giúp và điện báo công an.

Ông Dũng cũng cho rằng, khâu nhận dạng đầu tiên khi khách vào ngân hàng đặc biệt quan trọng. Bảo vệ sẽ yêu cầu họ tháo mũ bảo hiểm, người mặc áo khoác có mũ trùm đầu thì càng phải đề nghị họ tháo mũ ra để thấy mặt.

"Riêng các đối tượng choai choai, xăm trổ khi vào cửa ngân hàng thì phải chú ý đặc biệt và sẵn sàng báo động, khống chế cửa chính…", ông Dũng chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Duy Tư, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ bảo vệ an ninh cho biết, theo giáo trình được Bộ Công an thẩm duyệt, mỗi nhân viên bảo vệ được huấn luyện kéo dài 1 tháng trước khi nhận nhiệm vụ, bao gồm cả huấn luyện võ thuật và chấp hành pháp luật trong việc phòng vệ chính đáng.

Theo lãnh đạo Công an TP.Đà Nẵng, bên cạnh việc đào tạo, huấn luyện của các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, Công an TP.Đà Nẵng cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Qua các đợt tập huấn, rà soát, kiểm tra mới cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp cho lực lượng bảo vệ đạt yêu cầu.

"Thời gian tới, Công an TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục có kế hoạch để tập huấn, huấn luyện đối với lực lượng này", lãnh đạo Công an TP.Đà Nẵng cho biết thêm.

Lương thấp, rủi ro cao

Theo lãnh đạo một công ty bảo vệ tại Đà Nẵng, không giống như bảo vệ quán cà phê, nhà hàng chỉ cần hướng dẫn khách để xe, bảo vệ tài sản của khách… thì bảo vệ ngân hàng gặp nhiều áp lực hơn vì nơi bảo vệ nhạy cảm, dễ xảy ra những tình huống nguy hiểm như vụ cướp tại quận Ngũ Hành Sơn hôm qua.

Theo vị này, khi tuyển dụng bảo vệ, ngoài yếu tố sức khỏe thì người ứng tuyển phải có giấy xác nhận của địa phương về lý lịch sạch (chưa có tiền án, tiền sự - PV), không xăm trổ… mới được nhận.

Bảo vệ mới phải đi tập huấn do công an tổ chức, sau khi có chứng chỉ mới được phân công nhiệm vụ.

"Bảo vệ ngân hàng được trang bị roi điện, dùi cui điện, tuy nhiên, với những tên cướp có súng thì phải hết sức cẩn thận vì các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng nổ súng chống cự khi bị truy đuổi", vị này cho biết thêm.

Từ vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng: Khi gặp đối tượng manh động, bảo vệ cần xử lý thế nào?

Hiện trường vụ cướp ngân hàng tại Đà Nẵng chiều 22/11. Ảnh: CACC

Ông Nguyễn Nho, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Việt Mỹ (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cho hay, hiện nay hầu như chưa có cơ chế để hỗ trợ nhân viên bảo vệ khi có rủi ro xảy ra, mức lương lại khá thấp, chỉ từ 5 - 6 triệu đồng.

Theo ông Nho, nghề bảo vệ đang vướng vì thiếu giấy phép Sử dụng công cụ hỗ trợ, chủ yếu chỉ trang bị gậy ba trắc, roi điện,… Do vậy, cần được cho phép trang bị nhiều hơn như súng bắn đạn su, súng bắn hơi cay để tăng cường sự đảm bảo cho khách hàng lẫn nhân viên bảo vệ.

Ông Nguyễn Duy Tư, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ bảo vệ an ninh (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cho biết, việc cấp giấy phép sử dụng súng đạn su, súng hơi cay đang rất hạn chế.

Trong khi đó, mỗi bảo vệ ngân hàng đều cần có súng để ứng phó với tội phạm. Nhiều ngân hàng chỉ bố trí 1 bảo vệ/ ca làm việc trong khi cần tối thiểu 2 bảo vệ/ ca mới có thể xử lý khi có cướp.

Diệu Bình
Theo báo Dân Việt