Thứ sáu, 26/04/2024 | 11:33
RSS

Từ tháng 5, thêm 1 loại vắc xin 5 trong 1 được tiêm miễn phí

Thứ hai, 29/04/2019, 07:48 (GMT+7)

Từ tháng 5, sẽ có thêm một vắc xin 5 trong 1 nữa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Từ tháng 5, thêm 1 loại vắc xin 5 trong 1 được tiêm miễn phí
Từ tháng 5, sẽ có thêm một vắc xin 5 trong 1 nữa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Bộ Y tế cho biết, bắt đầu từ tháng 5/2019 sẽ tăng cường vắc xin mới trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) nhằm đảm bảo an ninh vắc xin tại Việt Nam.

Vắc xin mới là SII do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, có thành phần kháng nguyên tương tự Quinvaxem và ComBe Five đã và đang được sử dụng tại nước ta.

Vắc xin này cũng phòng ngừa 5 bệnh: bạch hầu ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib; chứa thành phần ho gà toàn tế bào và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới

GS Đặng Đức Anh (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết: "Vắc xin ComBE Five không đủ nên việc đưa thêm một vắc xin vào chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ giúp chủ động về nguồn cung ứng vắc xin, đảm bảo an ninh vắc xin trong tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe trẻ em”.

Trả lời báo Nhân dân, PGS-TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, loại vắc xin này sau khi được đánh giá kết quả tiêm ở quy mô nhỏ, nếu tốt có thể sẽ thay thế vắc xin ComBe Five trong chương trình, hoặc có thể cho dùng song song với vaccine ComBe Five để tăng lựa chọn cho người dân.

Theo Công lý, dự kiến vắc xin mới sẽ bắt đầu được đưa vào tiêm quy mô nhỏ (tại 5 tỉnh thành miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên) từ tháng 5/2019.

Nếu theo đúng kế hoạch, vắc xin này sẽ được đưa vào tiêm chủng rộng rãi cùng với ComBe Five trong năm 2019.

Trước đó, vắc xin 5 trong 1 ComBe Five ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib đã được đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ cuối năm ngoái. Tính đến giữa tháng 4/2019 đã triển khai tiêm gần một triệu liều ComBe Five cho trẻ. Trung bình mỗi tháng có thêm 150.000 trẻ được tiêm miễn phí, tỷ lệ gặp phản ứng nặng sau tiêm khoảng 0,05%.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN