Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Người đi xe đạp dùng rượu bia sẽ bị xử phạt. Ảnh minh họa
Theo đó, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.
Luật hiện hành cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn, trong đó với xe gắn máy cho phép dưới ngưỡng 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí. Như vậy, quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định khung nồng độ cồn.
Đáng chú ý, luật có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia đang được nhiều người quan tâm.
Theo đó, các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (hiện hành cho phép người điều khiển xe máy có nồng độ cồn miễn không vượt mức cho phép, xem); cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc...
Và kể từ thời khắc bước vào năm 2020, người dân phải chọn: "Đã uống bia rượu thì không lái xe" hoặc "Lái xe, dù là xe đạp, cũng không được uống một giọt bia rượu".
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định, với chủ đề Năm An toàn giao thông 2020 “Đã uống rượu bia, không lái xe”, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, nhằm mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019; giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu bia.