Một kịch bản quen thuộc: Vợ anh không hiểu và thông cảm được cho anh - gia đình anh là địa ngục - may mà có em… Những ca như thế tôi đều có thể giúp các cô gái nhỏ của mình giải quyết rốt ráo được bằng việc hãy mang tâm sự đó gặp chính những người vợ kia để xác nhận trước khi quyết định gắn cuộc đời mình với người đàn ông đó. Tôi vẫn nói với các cô gái nhỏ rằng: Hạnh phúc trước hết phải thuộc quyền sở hữu của mình chứ không bao giờ có thứ hạnh phúc đi vay mượn, dùng chung được.
Khó khăn hơn là những câu chuyện tình đã lỡ kết hôn với nhau rồi, đã lỡ có con với nhau rồi mới nhận ra chồng mình - cha của đứa con mình không như mình mong đợi. Có khi là không như "chồng nhà người ta". Cũng có khi là "thất vọng cùng cực". Tôi vẫn hỏi: Có muốn ly hôn không? Thường thì các ca đều là… muốn nhờ anh cho vài chiêu huấn luyện lại chồng. Chuyện, nhiều lúc than vãn chỉ là than vãn, chẳng ai muốn ly hôn cả. Bởi nếu muốn ly hôn có khi người ta không còn gì để than vãn nữa. Thế nên tôi mới nhắc các anh đàn ông rằng: Còn cằn nhằn có nghĩa là các cô ấy còn yêu các anh. Bởi trái ngược với yêu không phải là hận mà là thờ ơ vậy. Nhưng cũng có những ca là muốn ly hôn thật vì lòng người phụ nữ đó đã trống rỗng cả rồi. Mắt nhìn nhau chỉ thấy toàn là gió. Mà khi đó không phải là anh ta có điều gì khiến em thất vọng mà là em dửng dưng với anh ta rồi.
Lý do khiến họ vẫn không nói lời ly hôn hầu hết vẫn là vì con. Có người, cũng nhiều đấy, là vì… kinh tế bị phụ thuộc. Lại có người vì sĩ diện. Mặt mũi cha mẹ, danh dự của mình. Thậm chí có người vì đã lỡ gồng mình tỏ ra mình là người phụ nữ hạnh phúc trên facebook mà muốn rời vai diễn cũng là quá muộn.
Kỳ lạ là phần đông trong số đó vật vã là thế mà đùng một cái tôi lại thấy họ… hạnh phúc, ly hôn cái roẹt nhanh hơn gió khi có… tình mới. Cứ như thể chỉ cần kiếm được một người đàn ông tử tế hơn chồng mình là có thể ly dị chồng ngay được vậy. Tôi đã từng nghe về lý thuyết "Bánh Gối", đại ý rằng phụ nữ chỉ cần có người thay thế là họ chuyển hệ được ngay.
Nhưng. Nhưng vẫn còn những người phụ nữ mà tôi vẫn thở dài tự hỏi liệu có phải họ sống đến 300 năm nữa hay không mà vẫn đợi đến một thời điểm thích hợp để kết thúc những đớn đau, vật vã đời họ? Nhiều người phụ nữ như vậy! Bị chồng lô đề bài bạc bán hết cả đến cái xe đẩy của con cũng không ly hôn vì sợ con sau này sẽ khổ vì bố mẹ ly hôn. Bị chồng kiểm soát ghen tuông bệnh hoạn đến độ lần nào đi chơi về muộn cũng bị chồng kiểm tra đến cả cái... quần lót nhưng vẫn không ngừng… đi chơi dù về bị đánh, không ly dị vì sợ bố mẹ mất mặt với hàng xóm láng giềng. Chán chồng đến tận cổ rồi nhưng cứ nghĩ đến bố mẹ mình mà nuốt cục chán vào trong.
Xem thêm: Sự thật câu chuyện cô gái đanh đá với mẹ chồng Quý cô hoàn hảo.
Lại có người lên kế hoạch chờ cho con cứng cáp sẽ ly dị mà chờ mãi đến năm nó 18 tuổi rồi thì lại chép miệng: Đã chờ đến 18 năm rồi thì thôi cứ thế mà sống tiếp đi vậy. Nên có lần tôi viết rằng: Nhiều người cho rằng tình già là hai vợ chồng sống với nhau đến năm 50 tuổi là tình già. Sự thực thì đó là thứ quan hệ chờ già chứ chẳng phải tình già đâu. Vì nhiều người 50 tuổi rồi thì cũng thôi nghĩ đến chuyện kết thúc. Ở tuổi đó kết thúc cuộc hôn nhân nó cứ buồn cười sao í. Nên có nhiều cặp vợ chồng tôi biết, sống với nhau theo kiểu người dưng chung nhà.
Không! Tôi không khuyến khích bất cứ một cặp đôi nào ly hôn cả đâu. Ly hôn luôn là một vết thương mà cả đời chúng ta không thể lành lại được. Chẳng ai đã từng đi qua một lần đổ vỡ mà có thể sống như thể chưa từng có cuộc chia ly. Nhưng giữ lại một cuộc hôn nhân không còn tình yêu thì cũng chẳng khác gì làm tình với búp bê tình dục. Hẳn cũng có người thích vậy nhưng tôi tin rằng phần đa chúng ta đều chẳng ai mong muốn. Nên vẫn có nhiều người chấp nhận sống trong cuộc hôn nhân không còn tình yêu mà vẫn cảm thấy thoải mái. Mà dù không thoải mái thì họ cũng không lựa chọn sự thay đổi. Câu chuyện bà Lưu Thị Dung ly dị chồng năm 86 tuổi thực sự có thể thức tỉnh nhiều phụ nữ về độ tuổi để quyết định lại cuộc đời mình. Không bao giờ là quá muộn để sống cuộc đời của chính mình dù số năm còn lại cuộc đời mình có là bao nhiêu đi nữa.
Kết thúc một cuộc hôn nhân không còn khiến mình hạnh phúc khi bạn 30 tuổi thì bạn còn 30-50 năm để sống cuộc đời đích thực là của bạn. Kết thúc năm bạn 86 tuổi thì dù sau đó chỉ còn 5 năm- 10 năm thì đó cũng sẽ là 5 năm- 10 năm chất lượng. Tôi thích cái câu của cố nhạc sỹ họ Trịnh: Cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ. Thế nên trong câu chuyện này tôi xin mạn phép sửa lại rằng: Cuộc đời đó, có bao lâu, mà… lững lờ?
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả