Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:11
RSS

Trước dư luận Trường Nguyễn Khuyến như trại lính, hiệu trưởng nói gì?

Thứ sáu, 13/04/2018, 21:45 (GMT+7)

Một nam sinh lớp 10 Trường Tư Thục Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành khiến nhiều phụ huynh và các nhà nghiên cứu giáo dục lo lắng. Trong khi đó, nhà trường phủ nhận không áp dụng “kỷ luật thép”.

Trước dư luận Trường Nguyễn Khuyến như trại lính, hiệu trưởng nói gì?Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến. Ảnh: Cường Ngô

"Chúng tôi không dám nghĩ đến thành tích"

Theo chia sẻ của một số phụ huynh, trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến tuyển sinh khá khắt khe. Khi học sinh được nhận vào trường buộc phải cam kết tuân thủ các quy định nhà trường đặt ra. Mỗi buổi tối, học sinh trường Nguyễn Khuyến phải làm nhiều bài tập của giáo viên bộ môn và cả quản nhiệm. Các kỳ thi cũng nối đuôi nhau, cứ cách tuần lại có bài kiểm tra đánh giá.

Việc sinh hoạt của học sinh ở trường cũng là “quy trình khép kín”. Theo đó 5h sáng, học sinh phải dậy tập thể dục như môi trường quân đội. 6h hơn, học sinh phải có mặt trên lớp. 11h30 ăn cơm, 13h30 lại tiếp tục học, 18h15 lên lớp học thêm. Học sinh được về phòng lúc 22h. Mọi thứ chính xác đến từng phút.

Trước dư luận Trường Nguyễn Khuyến như trại lính, hiệu trưởng nói gì?2Trường Nguyễn Khuyến.  Ảnh: C.N

Liên quan vụ việc này, Báo Lao Động đã có trao đổi với ông Lê Trọng Tín - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến.

Ông Tín phủ nhận việc nhà trường chạy theo thành tích, áp dụng “kỷ luật thép” bắt học sinh làm theo. Vị hiệu trưởng cho hay, khi nhận học sinh, nhà trường cố gắng tạo môi trường học tập tích cực, nâng cao lực học của học sinh.

“Chúng tôi cố gắng để không phụ lòng phụ huynh. Nguyện vọng của họ gửi con vào trường để tốt hơn, họ đã tin tưởng, nhà trường phải làm cho kỳ được. Chúng tôi không dám nghĩ đến thành tích”, ông Tín cho hay.

Trước dư luận Trường Nguyễn Khuyến như trại lính, hiệu trưởng nói gì?3Học sinh trường Nguyễn Khuyến. Ảnh: C.N

Nói về chương trình học hà khắc, thời khóa biểu dày đặc, "quà Tết" là bài tập về nhà, ông Tín cho hay, thời khóa biểu của nhà trường thực hiện đúng chỉ đạo của Sở giáo dục - Đào tạo. Từng tuần, từng tháng, từng quý đều theo phân phối của Sở, nhà trường không dám sai lệch.

“Chúng tôi chỉ lo thêm cho học sinh việc rèn luyện, bởi kiến thức sách giáo khoa thôi là chưa đủ, các giáo viên cho học sinh tiếp cận nhiều dạng bài tập, khi thi cử sẽ dễ dàng xử lý. Muốn đạt kết quả tốt thì phải rèn luyện”, vị hiệu trưởng cho hay.

Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, hầu hết học sinh trong trường đều theo được chương trình học của trường Nguyễn Khuyến, tất nhiên sẽ có những học sinh chưa theo kịp.

Kỷ luật giúp học sinh tiến bộ

Đối với trường Nguyễn Khuyến, việc kỷ luật giúp học sinh tiến bộ hơn, không bị lờn nội quy. Nhà trường thừa nhận, có những học sinh thuộc dạng “đặc biệt”, nhà trường chưa sát sao, chưa làm tròn bổn phận, để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Đó là lỗi của nhà trường, không thể phủ nhận được.

PV Báo Lao Động hỏi có chuyện “học sinh đến muộn bị phạt đứng chép bài ở hành lang, bị đổi chỗ ngồi và chuyển lớp”, vị hiệu trưởng phủ nhận không có chuyện này, nếu có chỉ là hù dọa.

Trước dư luận Trường Nguyễn Khuyến như trại lính, hiệu trưởng nói gì?4Nội quy của Trường Nguyễn Khuyến. Ảnh: Cường Ngô

Ví dụ, một học sinh đi học muộn nhiều lần, nhà trường sẽ nhắc nhở, phạt để các em khắc phục. Còn việc chuyển lớp, xuất phát từ những kỳ thi đánh giá năng lực học sinh. Học sinh có học lực tốt sẽ được chuyển lên lớp chất lượng tốt hơn. Ngược lại, học sinh đang học lớp loại A nhưng lực học giảm sút sẽ bị điều chuyển xuống lớp khác, để có chương trình học phù hợp.

Nói về vấn đề giao bài tập khi về Tết, thầy hiệu trưởng cho rằng, học sinh được nghỉ Tết 14 ngày, nếu không ôn bài sẽ quên kiến thức. Nhà trường phải giao bài tập để mỗi ngày học sinh sẽ dành ra 1 tiếng để làm bài tập.

Trước dư luận Trường Nguyễn Khuyến như trại lính, hiệu trưởng nói gì?5

Trong 11 năm làm hiệu trưởng trường Nguyễn Khuyến, ông Lê Trọng Tín chia sẻ, không có hiện tượng học sinh kêu ca về vấn đề áp lực học tập. Tuy nhiên, vị hiệu trưởng cho hay, thời gian tới, nhà trường sẽ thay đổi phương pháp dạy, học và những quy định của nhà trường.

“Nhà trường thay đổi chương trình học liên tục, không phải có chuyện xảy ra mới thay đổi. Tuy nhiên, khi có hiện tượng thì vấn đề thay đổi mau lẹ hơn. Thay đổi để phù hợp với xã hội phù hợp với xu thế chung của ngành giáo dục”, thầy Tín khẳng định, đồng thời cho hay, không có chuyện giáo viên vì tạo thành tích mà ép học sinh phải học.

Cường Ngô
Theo Lao Động