Trung tá Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm CSGT Hải Dương cho Vietnamnet biết, dù tốc độ tối đa quy định là 90km/h nhưng trên con đường này không có phương tiện nào có thể đi với tốc độ đó. Lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 5 hiện đạt trung bình 56.000 xe mỗi ngày đêm với quá nửa là xe tải trọng lớn.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn ở huyện Kim Thành là do có quá nhiều lối mở sang đường, trong khi lại thiếu biển cảnh báo nguy hiểm - ông Khánh nhận định.
Dọc tuyến quốc lộ 5 xuất hiện nhiều vệt hằn lún, nhiều đoạn lún sâu kéo dài hàng chục mét. Trong khi đó, tốc độ tối đa dành cho xe con tại những đoạn đường này vẫn lên đến 90 km/h, xe tải 80 km/h, xe container 70 km/h. Không chỉ có vậy, đoạn qua huyện Kim Thành (Hải Dương) xuất hiện nhiều lối sang đường, hầu hết là do người dân tự mở.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 23/7 làm 5 người thiệt mạng cũng là một điểm do người dân tự mở để sang đường. Theo nhiều người dân ở huyện Kim Thành, dù biết nguy hiểm nhưng để rút ngắn quãng đường, họ vẫn chọn qua đường ở các lối mở tự phát này.
Ở nơi chỉ trong 1 buổi sáng 6 người đã ra đi một cách đau đớn, xe máy, ô tô vẫn đi ngược chiều bất chấp nguy hiểm. Lối mở tự phát vẫn thường xuyên có người thấp thỏm chờ rồi vút nhanh qua đường khi xe cồng kềnh giãn ra.
Trước đó, có ý kiến cho rằng xe CSGT đỗ giữa đường khiến xe tải đánh lái đè chết 5 người. Nói về điều này, trả lời PV VTC News vào trưa 25/7, Thượng tá Hoàng Tiến Nam – Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương khẳng định, chiếc xe đỗ phía trước vụ tai nạn đầu tiên là xe CSGT đang làm nhiệm vụ và có một chiến sỹ CSGT đang đứng ở đó phân luồng, hướng dẫn giao thông
Theo Thượng tá Hoàng Tiến Nam, khi mới đến hiện trường, lực lượng CSGT phải bảo vệ hiện trường, đưa tài xế gây tai nạn vào trụ sở UBND xã gần đó để đảm bảo an toàn.
Đồng thời, xe ô tô của CSGT đỗ phía trước vụ tai nạn như một vật cảnh báo giao thông lớn và đặc biệt là có chiến sỹ CSGT đứng hướng dẫn giao thông phía trước xe ô tô đỗ nên có tác dụng cao hơn là một biển cảnh báo nhỏ đặt dưới đường.
“Đó là cách phân luồng của CSGT để các phương tiện không đi vào làn có người chết nữa. Người chết nằm giữa đường đó, cho nên người ta phải đóng cái làn đó lại” – Thượng tá Nam thông tin.
Thượng tá Hoàng Tiến Nam cho biết thêm, thời điểm đó, chiếc xe tải gây tai nạn đang chạy thẳng ở làn ngoài chứ không phải ở làn trong chạy ra làn ngoài. Do không phanh được nên xe tải phải lao lên dải phân cách cứng giữa đường.
“Do xe đến đó không phanh lại được chứ không phải tài xế cố tình vượt lên. Bản tường trình tài xế ghi rất rõ rồi, phanh không còn hiệu lực nữa, có dấu hiệu gì phanh đâu.
Trước đó, các phương tiện đi qua đây, cảnh sát đứng hướng dẫn các phương tiện đi rất bình thường, an toàn. Tài xế không phanh được phải lao lên như thế chứ không phải tài xế tránh ai cả mà vì không thể phanh được nữa” – Thượng tá Nam khẳng định.