Kể từ ngày 13/2, Uỷ ban Y tế tỉnh Hồ Bắc - tâm điểm dịch COVID-19 (nCoV) - bắt đầu gộp thêm vào thống kê các trường hợp được chẩn đoán lâm sàng. Có nghĩa là những trường hợp thể hiện triệu chứng và ảnh quét CT cho thấy phổi bị nhiễm, sẽ được chẩn đoán là nhiễm COVID-19 thay vì dựa vào các xét nghiệm acid nucleic tiêu chuẩn như trước đây.
Chính vì vậy, số ca nhiễm mới, số ca chết vì COVID-19 trong ngày 13/2 bỗng nhiên tăng vọt.
Chiều 13/2, chia sẻ về sự thay đổi trong cách đánh giá, thống kê ca bệnh tại Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, việc Trung Quốc thay đổi cách đánh giá ca bệnh là để tiếp cận với việc điều trị càng sớm càng tốt.
Việt Nam có đầy đủ điều kiện để xét nghiệm trường hợp nhiễm COVID-19
Thêm vào đó, trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, trong khi lại không đủ điều kiện để xét nghiệm từng trường hợp, vì vậy, trong một ổ dịch tập trung đông người, nếu xét nghiệm một vài trường hợp mắc COVID-19 mà những trường còn lại trong ổ dịch đó cũng có biểu hiện triệu chứng bệnh giống nhau, sẽ được kết luận nhiễm COVID-19 để điều trị kịp thời.
Còn tại Việt Nam, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện chúng ta đã có quy định về việc giám sát ca bệnh, cách ly ca nghi ngờ và ca xác định mắc bệnh thông qua xét nghiệm.
Những ca bệnh nghi ngờ là những ca bệnh có biểu hiện: Sốt, ho, khó thở và có tiền sử đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với những người từ vùng dịch trở về, người có nguy cơ cao...
Tuy nhiên, tai Việt Nam, việc xác định ca mắc bệnh phải dựa vào kết quả xét nghiệm. Việt Nam chỉ khẳng định ca nhiễm COVID-19 khi chắc chắn có kết quả xét nghiệm dương tính.
“Hiện tại, chúng ta có đầy đủ điều kiện để xét nghiệm trường hợp nhiễm COVID-19”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 7/2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới.
Đánh giá cao kết quả này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho biết Việt Nam là 1 trong 4 nước phân lập thành công virus corona chủng mới. Việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV.
Từ đó, mỗi ngày, Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, với nghiên cứu phân lập chủng mới của virus corona (có tên gọi là SARS-CoV2) thành công, viện đã sản xuất mẫu đối chứng để cung cấp cho một số đơn vị, phục vụ cho việc sản xuất các bộ kít xét nghiệm sớm các mẫu bệnh phẩm giúp xác định các ca nhiễm bệnh.
Hiện có 22 cơ sở đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm virus corona chủng mới 2019. Tuy nhiên trước khi chuyển giao công nghệ xét nghiệm, Viện có kế hoạch tập huấn, đánh giá cơ sở vật chất, nhân lực, đặc biệt về điều kiện an toàn sinh học để có thể thực hiện chẩn đoán tại địa phương, góp phần giảm số lượng bệnh phẩm gửi về Trung ương.
Theo GS Đức Anh, sau khi tập huấn, kiểm tra, đánh giá kỹ, cấp chứng nhận kiểm định, đơn vị y tế tuyến tỉnh mới được thực hiện xét nghiệm.