Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:14
RSS

Trồng hàng trăm cây anh túc để 'ngâm rượu uống chữa bệnh'

Thứ sáu, 25/03/2022, 14:18 (GMT+7)

Làm việc với cơ quan công an, ông Tố (trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) thừa nhận đã trồng số cây anh túc này với mục đích để ngâm rượu uống chữa bệnh.

Sự kiện:
Nghệ An

Người đàn ông trồng hàng trăm cây anh túc để ngâm rượu uống chữa bệnh

Ông Tố trồng tổng cộng 218 cây chứa chất ma túy trong vườn nhà. Ảnh: SK&ĐS

Ngày 25/3, báo Dân trí đưa tin, Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, đơn vị này đang củng cố hồ sơ để xử lý hành chính đối với Luyện Văn Tố (SN 1962, trú xã Đô Thành, Yên Thành) về hành vi trồng cây có chứa chất ma túy.

Theo Công an huyện Yên Thành, vào khoảng 9h30 phút ngày 22/3, đơn vị này tiếp nhận tin báo của người dân về việc tại nhà ở của ông Tố có trồng cả vườn cây thuốc phiện. Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Yên Thành tiến hành kiểm tra, xác minh và phát hiện tại khu vực vườn của nhà của ông Tố tại xã Đô Thành trồng 85 cây, nghi là cây có chứa chất ma túy.

Tiếp tục kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện tại khu vực vườn thuộc nhà ở thứ hai của ông Tố ở xã Đô Thành trồng 133 cây nghi là có chứa chất ma túy. Tổng số lượng cây mà Công an huyện Yên Thành phát hiện là 218 cây.

Sau đó, Công an huyện Yên Thành đã lập biên bản vụ việc, thu giữ, niêm phong toàn bộ vật chứng và đưa ông Tố về trụ sở làm việc. Tại cơ quan Công an, ông Tố cho biết, toàn bộ 218 cây nói trên là cây thuốc phiện do ông trồng để ngâm rượu, uống chữa bệnh.

Người đàn ông trồng hàng trăm cây anh túc để ngâm rượu uống chữa bệnh

Ông Tố khai số cây chứa chất ma túy này ông trồng để ngâm rượu, uống chữa bệnh. Ảnh: SK&Đs

Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy 2021 nghiêm cấm hành vi trồng cây có chứa chất ma túy (cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định), hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy. Việc trồng cây thuốc phiện, cây cần sa là hành vi vi phạm pháp luật Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, số lượng cây thuốc phiện, cây cần sa mà việc trồng cây thuốc phiện, cần sa sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định mức phạt đối với hành vi trồng cây thuốc phiện như sau: người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định (đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa,... hoặc đã bị kết án về tội tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây) thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: có tổ chức; với số lượng 3.000 cây trở lên; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Như vậy, hành vi trồng cây thuốc phiện, cần sa có thể bị phạt đến 07 năm tù.

Người trồng cây thuốc phiện, cây cần sa nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy. Ngoài ra còn bị tịch thu cây thuốc phiện, cây cần sa,...Nếu người nước ngoài vi phạm còn có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam Như vậy, nếu có hành vi trồng cây thuốc phiện, cần sa thì cá nhân có thể bị phạt đến 10 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại