Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:15
RSS

Trốn đóng BHXH có thể bị phạt tù

Chủ nhật, 31/12/2017, 12:22 (GMT+7)

Một doanh nghiệp trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với người lao động không tốt và không tạo niềm tin để người lao động muốn đóng góp, xây dựng, phát triển doanh nghiệp.

Trốn đóng BHXH có thể bị phạt tù
Trốn đóng BHXH có thể bị phạt tù

Hành vi gian lận, nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được hình sự hóa và từ ngày 1-1-2018 coi như là tội phạm.

Phạt tiền tỉ, ngồi tù đến 7 năm

Theo BHXH Việt Nam tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT vẫn diễn ra phổ biến. Đến đầu tháng 11-2017, số nợ BHXH, BHYT, BHTN chiếm 6,3% số phải thu. Trong đó, nợ dưới 6 tháng chiếm tỉ lệ cao với 7.300 tỉ đồng; nợ BHYT các đơn vị sử dụng lao động là 1.569 tỉ đồng. 

Hiện có đến 102.900 đơn vị đang nợ BHXH của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỉ đồng. Cơ quan BHXH đã khởi kiện 8.800 vụ với số tiền khoảng 6.000 tỉ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, tương đương với 16% tổng số nợ, số vụ.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết hiện có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp (DN) nhưng mới có khoảng 250.000 DN tham gia BHXH. 

Ước tính của BHXH Việt Nam hiện nay, còn khoảng hơn 1 triệu người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc trong tất cả các đơn vị sử dụng lao động, trong đó, tập trung chủ yếu là ở các DN siêu nhỏ và người làm việc theo hợp đồng lao động trong các hộ kinh doanh cá thể. 

Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (NLĐ) diễn ra ở nhiều địa phương, với nhiều thủ đoạn khác nhau. Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kiểm tra gần 100.000 DN, trong đó khoảng 60.000 DN gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh.

Từ ngày 1-1-2018, khi Bộ Luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, các hành vi trốn nợ BHXH bắt buộc được coi là tội phạm và bị xử lý hình sự. Điều 216 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù. 

Theo đó, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với trường hợp trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 NLĐ từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm. 

Mức phạt tăng lên 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 30 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người. 

Mức phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.

Với hành vi không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ cũng sẽ bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo số tiền, số NLĐ bị trốn đóng bảo hiểm. Đặc biệt, pháp nhân thương mại (DN) nếu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thì có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.

Hình sự hóa vi phạm để bảo vệ người lao động

Theo ông Phạm Lương Sơn. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, những vi phạm đóng và hưởng bảo hiểm được cụ thể hóa trong Bộ Luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Cơ quan BHXH không mong muốn các đơn vị, tổ chức hay cá nhân phải áp dụng những chế tài xử phạt này. "Chúng tôi hy vọng qua tuyên truyền sẽ nâng cao được nhận thức của cả DN và NLĐ để họ tránh được các hành vi vi phạm. Nếu các cá nhân, tổ chức vẫn cố ý vi phạm thì cần được xử lý thích đáng, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, người dân" - ông Sơn nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc xử lý hình sự để bảo đảm công bằng trong kinh doanh của các DN, bình bẳng trước pháp luật "Chúng ta tiến tới nền hành chính thực hiện theo thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Các DN cần làm tròn nghĩa vụ của mình. Một DN trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với NLĐ không tốt và không tạo niềm tin để NLĐ muốn đóng góp, xây dựng, phát triển DN" - ông Lợi nói. 

Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM:

Cần quy định rõ quy trình, thủ tục khởi kiện

Trong lúc tổ chức Công đoàn đang gặp khó khăn trong công tác khởi kiện DN nợ BHXH thì việc từ ngày 1-1-2018, khi Bộ Luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, các hành vi trốn nợ BHXH bắt buộc bị coi là tội phạm và bị xử lý hình sự sẽ hạn chế được tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN tràn lan như hiện nay, góp phần trả lại quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện, cần phải xác định rõ ai là người đề nghị truy tố DN nợ BHXH, đồng thời quy định rõ quy trình, thủ tục khởi kiện. Bên cạnh đó, cũng cần phải có hướng giải quyết và hỗ trợ để tránh thiệt thòi cho NLĐ đối với các trường hợp chủ DN bị xử tù giam. Bởi khi đó, ắt DN sẽ gặp khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động và NLĐ sẽ rơi vào cảnh mất việc.

C.HƯỜNG ghi

 

Ngọc Dung
Theo Người lao động