Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:34
RSS

Lương hưu cô giáo mầm non 1,3 triệu đồng/tháng, Bảo hiểm xã hội nói gì?

Thứ tư, 01/11/2017, 13:53 (GMT+7)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải thích việc cô giáo mầm non chỉ nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm lao động là đúng quy định.


Cô giáo Trương Thị Lan gây xôn xao dư luận với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Ảnh Tiền phong.

Chiều 31/10, tại hội nghị trực tuyến định kỳ cung cấp thông tin về BHXH, BHYT, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã thông tin thêm về trường hợp cô giáo ở Hà Tĩnh, sau 37 năm làm việc, nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng.

Trên báo Đầu Tư, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng cho 37 năm làm việc thì thực sự là con số thấp. Nhưng để xem xét vấn đề này thì cần xem xét mức tiền lương tham gia BHXH; thời gian tham gia đóng BHXH.

Mặc dù có 37 năm công tác, làm giáo viên mầm non, nhưng trên thực tế cô giáo Trương Thị Lan mới chỉ có 22 năm 8 tháng tham gia đóng BHXH. Thời gian đóng BHXH của cô giáo Lan ngắn là do quy định của pháp luật

Cô giáo Lan bắt đầu vào ngành năm 1995 nhưng căn cứ theo quy định của pháp luật, trước năm 1999, giáo viên mầm non không được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước nên xét tổng thể chung thời gian công tác là giáo viên mầm non trước tháng 01/1995 không được tính là thời gian công tác để hưởng BHXH.

Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chủ trương khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có chính sách phát triển giáo dục mầm non và khi đó mới quy định giáo viên mần non công lập và ngoài công lập thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Báo sức khỏe & Đời sống dẫn thêm thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật BHXH thì 15 năm đầu đóng BHXH được tính bằng 45% sau đó cứ thêm 1 năm được tính bằng 3% đối với nữ, trường hợp của bà Lan có 22 năm 8 tháng đóng BHXH được tính như sau:

15 năm tính bằng 45%, 7 năm tiếp theo tính 7 x 3% bằng 21%, 8 tháng lẻ tính tròn 1 năm bằng 3%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45% + 21% + 3% = 69%.

Theo thông tin của BHXH, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật BHXH: Mức lương hưu hàng tháng của cô giáo Trương Thị Lan được tính bằng 1.829.215 đồng x 69% = 1.262.158 đồng/tháng.

Do lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan thấp hơn mức lương cơ sở nên theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH, lương hưu của bà Lan được bù bằng mức lương cơ sở là: 1.300.000 đồng/tháng.

Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật về BHXH hiện hành và hồ sơ tham gia BHXH thực tế của bà Lan thì BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với cô giáo Trương Thị Lan là đúng quy định.

Với diễn biến quy định của chính sách nêu trên, BHXH Việt Nam cho biết lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tình hình chung của nhiều địa phương.

Cụ thể: Thời gian đóng BHXH ngắn (thường chỉ đóng BHXH từ tháng 1/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm) nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng 60%.

Mức đóng BHXH chủ yếu chỉ tính trên mức tiền lương tối thiểu chung (sau gọi là lương cơ sở, hiện nay là 1.300.000 đồng/tháng) nên lương hưu thấp (khoảng 60% của lương cơ sở).
 
Không chỉ có cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) - giáo viên mầm non công tác trước năm 1995 - có lương hưu 1.300.000 đồng/tháng. Cả nước có 3.228 người đang nhận lương hưu bằng và thấp hơn mức 1.300.000 đồng/tháng.

Họ thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau gồm: Cán bộ xã không chuyên trách, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non công lập trước ngày 1/1/1995 có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở, một số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN